Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 29/9/2016 9:18'(GMT+7)

Nghiêm khắc xử lý sai phạm

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Thanh tra)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Thanh tra)

Như tại Hà Nội, dù năm 2016 đã là năm thứ ba liên tiếp thực hiện Năm trật tự - văn minh đô thị nhưng thực tế, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn diễn ra phổ biến, đến mức Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phải thốt lên: Vi phạm trật tự xây dựng rất gay vì không ngày nào, không nơi nào không có vấn đề. Đặc biệt, có hiện tượng thanh tra xây dựng cố tình “bật đèn xanh” cho xây dựng sai.

Minh chứng điển hình cho nhận định này là sai phạm tại công trình số 8B Lê Trực. Thủ tướng Chính phủ đã 3 lần chỉ đạo xử lý sai phạm nhưng đến nay vẫn chưa xong. Trong buổi làm việc mới đây của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao từ ngày 1.1 - 15.9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, việc phá dỡ sai phạm như Thủ tướng giao là đến ngày 30.6 phải hoàn thành, nhưng nay đã quá hạn 76 ngày. Nguyên nhân theo phân trần của Chủ tịch UBND quận Ba Đình Đỗ Viết Bình là do việc cắt dầm, cột rất phức tạp, phải bảo đảm an toàn cho người dân nên cần thêm thời gian. Như vậy là chưa biết đến bao giờ những sai phạm tại đây mới được xử lý triệt để như câu hỏi của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Cắt bao nhiêu tầng? Còn bao nhiêu tầng? Thời hạn tầng cuối cùng là bao lâu?

Vậy thực tế, các cơ quan chức năng có biết những sai phạm này không? Xin thưa là biết, công trình to hay nhỏ đều biết, thậm chí biết rất rõ. Người dân chỉ cần hơi có “động tĩnh” là lập tức lực lượng thanh tra xây dựng có mặt. Nhưng có mặt là một chuyện, còn việc có xử lý các sai phạm - nếu có, hay không lại là chuyện hoàn toàn khác. Và rồi, điệp khúc chưa biết, chưa nghe phản ánh; rồi sẽ cho kiểm tra và sẽ có biện pháp xử lý nghiêm lại tiếp diễn… như dẫn chứng của Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, xây dựng trái phép, không phép diễn ra phổ biến. Các quận, huyện có dự án lớn thì tình trạng này diễn ra càng nhiều. Ông Nguyễn Xuân Anh cũng nêu rõ: “Tôi từng ở địa phương nên tôi biết đội quy tắc không thể không biết người dân xây nhà trái phép. Tiêu cực là có, mỗi nhà trái phép vài chục triệu, lợi lộc “dữ” lắm, “họ” không chịu được cám dỗ…”.

Như vậy, nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng sai phạm trong xây dựng đô thị chính là việc thực thi pháp luật chưa nghiêm minh, nghiêm khắc, công khai và bình đẳng. Từ đó dẫn đến việc không ít cá nhân, tập thể có tâm lý cố tình xây sai phép rồi nộp phạt để tồn tại; có làm sai thì cũng chẳng ai nói gì; rằng nếu có chuyện thì “bôi trơn” là xong việc… Và quả thực đã có không ít vi phạm được “xử lý” theo hướng này nên tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra ngày càng phổ biến và nghiêm trọng hơn là hoàn toàn dễ hiểu.

Để chấn chỉnh lại việc này, đã đến lúc nói phải đi đôi với làm chứ không thể khi nói thì rất nghiêm khắc, nhưng thực hiện thì ngược lại; hoặc nơi thì nghiêm túc, nơi lại nửa vời. Đặc biệt phải xử lý nghiêm các chủ đầu tư sai phạm; xóa bỏ ngay tư duy sai thì nộp phạt để được tồn tại. Đồng thời, nghiêm túc và nghiêm khắc hơn trong xem xét, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý, có biểu hiện tiếp tay cho sai phạm.

Thảo Linh (daibieunhandan)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất