Thời gian qua, không ít việc làm chưa đúng của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp; những vụ việc tiêu cực xảy ra ở cơ sở phần lớn đều do nhân dân và báo chí phát hiện, cung cấp thông tin đến các cơ quan chức năng.
Từ thông tin của nhân dân và báo chí, nhiều vấn đề, vụ việc được các cơ quan chức năng điều tra, kết luận đưa ra truy tố, xét xử kịp thời, đúng người, đúng tội được dư luận hết sức đồng tình. Hiệu quả của vấn đề trên cho thấy rất rõ sức mạnh và vai trò của quần chúng nhân dân trong việc ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện về suy thoái phẩm chất, đạo đức, lối sống; tình trạng tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ có chức, có quyền ở cơ sở. Thực tế, mọi vấn đề ở cơ sở nhân dân đều biết, đều nắm được, chỉ có điều khi nào thì người dân nói, người dân tham gia, người dân tố giác.
Sẽ không công bằng và cũng không chính xác nếu cho rằng người dân hiện nay “thờ ơ” với những vấn đề của đất nước. Bởi lẽ, mọi chủ trương, đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, nhất là của các đồng chí lãnh đạo cấp cao đều được người dân tiếp nhận và tỏ thái độ hết sức rõ ràng. Những chủ trương đúng, mang lại lợi ích cho cộng đồng, được nhân dân đón nhận một cách nhiệt tình và tổ chức thực hiện rất hiệu quả. Ví như, triển khai chủ trương xây dựng nông thôn mới do Đảng ta khởi xướng. Thấy rõ được lợi ích việc xây dựng nông thôn mới nên người dân ở mọi vùng quê, dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng đã tích cực tham gia, tự nguyện đóng góp công sức, tiền của, tạo nên sự khởi sắc rất đáng ghi nhận. Quả thật, mọi chuyện ở cơ sở, cũng như những biểu hiện về phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ chẳng ai có thể hiểu rõ, biết rõ hơn người dân. Bởi ai cũng có gia đình của mình, ai cũng có một ngôi nhà để ở, mà nơi ấy gắn liền với đời sống sinh hoạt hằng ngày của nhân dân.
Tuy nhiên, điều rất đáng bàn chính là làm như thế nào để vận động, lôi cuốn được đông đảo người dân tích cực tham gia vào những công việc của Đảng, của đất nước. Nếu chỉ hô hào chung chung, thiếu các biện pháp chỉ đạo quyết liệt, “nói không đi đôi với làm”, “nói một đằng, làm một nẻo” thì không những không thể vận động, thu hút được người dân tham gia, mà còn là nguyên nhân sâu xa làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước; suy giảm niềm tin vào đội ngũ cán bộ các cấp.
Như vậy, vấn đề cốt lõi để vận động nhân dân tích cực, tự giác tham gia vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc chính là từng cấp ủy, chính quyền các cấp phải phát huy và thực hiện đầy đủ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Qua 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, cho thấy: Dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là động lực của sự phát triển đất nước, vừa là nhân tố thúc đẩy phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội. Mở rộng dân chủ là một trong những quan điểm phát triển được Đảng ta khẳng định và nhấn mạnh trong văn kiện qua các kỳ đại hội. Đặc biệt, Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020 tại Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Phát huy mạnh mẽ quyền dân chủ của người dân trong hoàn thiện và thực thi pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Bảo đảm quyền con người, quyền công dân”. Như vậy, Đảng, Nhà nước đã có chủ trương, điều quan trọng và mang tính quyết định để huy động được sức dân tạo thành sức mạnh to lớn phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức và phương cách tổ chức của cấp ủy, chính quyền các cấp. Để phát huy dân chủ không chỉ tạo ra cơ chế, tạo ra điều kiện để mọi người dân được tham gia mà cấp ủy, chính quyền các cấp cần phải thể hiện rõ thái độ cầu thị, biết lắng nghe, biết tiếp thu, có các giải pháp quyết liệt tháo gỡ khó khăn, giải quyết những vấn đề bức xúc, đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người dân.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, mọi vấn đề cần hướng đến sự công bằng và có trách nhiệm chung. Chính quyền là công cụ Nhà nước phục vụ nhân dân. Cán bộ là công bộc của nhân dân. Nhưng nếu chỉ trông chờ vào một phía thì hiệu quả sẽ không bao giờ đạt được. Bởi vậy, trong mọi vấn đề, từng vụ việc cụ thể, từng người dân cũng cần thể hiện rõ trách nhiệm chính trị của mình. Trách nhiệm của nhân dân chính là phải đặt lợi ích của Nhà nước, của dân tộc lên trên lợi ích của cá nhân. Trách nhiệm của nhân dân chính là phải phân tích, đánh giá thấy rõ được đúng-sai trong từng vụ việc để thể hiện thái độ của mình, không a dua và kiên quyết chống biểu hiện dân chủ quá trớn. Sẽ rất hiệu quả khi cấp ủy, chính quyền từng cấp tạo ra cơ chế, phát huy hiệu quả dân chủ ở cơ sở; đồng thời từng người dân thấy rõ trách nhiệm của mình đối với mỗi vấn đề của đời sống xã hội. Đoàn kết trong Đảng, đồng thuận trong nhân dân chính là sức mạnh để đất nước vững bước phát triển./.
Lê Ngọc Long (QĐND)