Cách
đây một tuần, Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc thực hiện công khai ngân
sách nhà nước (NSNN) đối với các cấp ngân sách (sau đây gọi là dự thảo
Thông tư) đã được công bố trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính để
lấy ý kiến các cơ quan liên quan. So với Thông tư 03/2005/TT-BTC đang
được áp dụng, những đề xuất trong dự thảo Thông tư có nhiều điểm hoàn
thiện hơn.
Hiện
nay Bộ Tài chính chỉ công khai một số nội dung của ngân sách nhà nước.
Những nội dung này chủ yếu dừng lại ở mức độ khái lược với các số liệu
tài chính - ngân sách tổng quát, thiếu những phụ lục chi tiết và nhiều
nội dung cần phải được giải trình khác. Chẳng hạn như số liệu công bố
mới chỉ dừng ở mức độ tổng thu, tổng chi và cân đối ngân sách, tiến thêm
một chút là số liệu về cơ cấu thu và chi ở cấp độ đơn giản nhất trong
khi hoàn toàn không thấy những báo cáo chi tiết và minh họa đính kèm về
tình hình phân bổ ngân sách phân theo cấp, ngành, lĩnh vực, đối tượng,
đơn vị...
Trong khi đó, tại dự thảo
Thông tư hướng dẫn việc thực hiện công khai NSNN đối với các cấp ngân
sách, đơn vị soạn thảo là Vụ Ngân sách Nhà nước, (Bộ Tài chính) đề xuất
cơ quan quản lý chọn phương án công khai toàn bộ báo cáo NSNN thay vì
chỉ một số thông tin cơ bản. Cụ thể, Vụ Ngân sách Nhà nước muốn toàn bộ
báo cáo thuyết minh dự toán, quyết toán NSNN Chính phủ trình QH (trừ các
thông tin mật không được phép công bố về lĩnh vực quốc phòng, an ninh
và dự trữ quốc gia); báo cáo đánh giá tình hình thực hiện dự toán NSNN
đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trừ các thông tin mật không được
phép công bố về lĩnh vực quốc phòng, an ninh và dự trữ quốc gia) đều
được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và bắt đầu
áp dụng cho năm tài chính 2017. Ngân sách địa phương cũng thực hiện
tương tự.
Đây là điều đáng mừng bởi
từ trước đến nay ở nước ta, NSNN thường ít được công khai, minh bạch. Ở
cấp địa phương, vấn đề công khai, minh bạch ngân sách còn kém hơn nhiều.
Chỉ số công khai ngân sách của Việt Nam đang bị Liên minh Minh bạch
ngân sách và Tổ chức Hợp tác Ngân sách Quốc tế xếp vào nhóm yếu nhất
trên toàn cầu (gồm 17 nước được coi là ít hoặc không công khai thông tin
ngân sách). Năm ngoái, chỉ số công khai ngân sách của Việt Nam chỉ đạt
18/100 điểm, thấp hơn rất nhiều so với điểm trung bình toàn cầu là 45
điểm. Ở trong khu vực, thứ hạng của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với
một số nước như Philippines (62 điểm), Indonesia (59 điểm), Malaysia (46
điểm), Thái Lan (42 điểm).
Vì ngân
sách là tiền của dân, nên việc chi tiêu phải được minh bạch đến từng
đồng. Vấn đề này cần được nhận thức sâu sắc hơn. Khi ngân sách không
được công khai, tương ứng với nó sẽ là cách chi tiêu u u minh minh. Còn
khi ngân sách được minh bạch đến mức các tổ chức và người dân có thể
theo dõi các khoản chi tiêu thì chuyện lãng phí khó có thể xảy ra.
Chuyện cắt cỏ ở Hà Nội là một minh chứng. Sau khi Chủ tịch UBND TP Hà
Nội công khai khoản này, tiền Thủ đô chi cho cắt cỏ, tỉa cây đã giảm từ
từ 886 tỷ còn 178 tỷ đồng, tiết kiệm được 708 tỷ. Nếu những con số khác
trong một số hạng mục chi tiêu công ở các địa phương cũng được công
khai, chắc chắn sẽ giảm bớt lãng phí.
Tuy
nhiên, giống như nhiều việc khác, điều đáng quan tâm nhất trong câu
chuyện minh bạch, công khai ngân sách không phải ở chỗ thiếu luật lệ mà ở
khả năng thực thi những quy định đã được ban hành đến đâu. Đôi khi, vấn
đề còn ở chỗ người ta có muốn công khai, minh bạch ngân sách hay không
vì những lợi ích cài cắm ở trong đó.
Hồng Loan (daibieunhandan.vn)