Thứ Hai, 30/9/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 15/4/2012 20:47'(GMT+7)

Tiếp cận vốn ngân hàng: Cả doanh nghiệp và ngân hàng phải cùng nỗ lực

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Một số chuyên gia tài chính, ngân hàng đã khuyến nghị như vậy tại Hội thảo “Giải pháp vốn cho DNNVV: Góc nhìn từ ngân hàng”, diễn ra mới đây tại Hà Nội, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trường Đại học quốc tế Bắc Hà tổ chức.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sau 5 năm Việt Nam gia nhập WTO xuất khẩu đã tăng nhanh hơn so với trước, tiêu dùng dân cư và FDI tăng mạnh, số doanh nghiệp đăng ký hoạt động tăng 2,3 lần về số lượng và 7,3 lần về vốn so với 5 năm trước, nhiều doanh nghiệp đã trưởng thành nhanh chóng. Tuy nhiên, áp lực từ việc gia nhập WTO cũng lớn hơn, cạnh tranh ngay trên thị trường nội địa cũng gay gắt hơn, đặc biệt khó khăn trong huy động vốn từ ngân hàng để phát triển sản xuất, kinh doanh của các DNNVV cũng tăng do nền kinh tế trong nước phải chịu nhiều tác động của khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu khiến lạm phát tăng cao và các chính sách tài chính, tiền tệ phải thắt chặt.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khác khiến việc tiếp cận vốn ngân hàng của các DNNVV còn bị khó khăn, hạn chế, theo bà Nguyễn Thị Mùi, Giám đốc Trường Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Vietinbank là do cả từ phía các DNNVV lẫn các tổ chức tín dụng. Về phía doanh nghiệp, ngoài năng lực tài chính vốn đã bị hạn chế lại thêm một vấn đề nổi cộm khiến các ngân hàng quan ngại là công tác quản trị nội bộ của doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, thiếu hụt thông tin về thị trường dẫn đến sản xuất kinh doanh dễ bị rủi ro ảnh hưởng lớn đến việc trả nợ ngân hàng. Các tổ chức tín dụng thì vẫn còn cho rằng độ tin cậy của DNVVN là thấp, muốn vay được vốn phải có tài sản thế chấp, điều này khiến DNNVV tiếp cận vốn khó khăn hơn.

Số liệu thống kê cho thấy, chỉ có khoảng 30% số DNNVV có thể vay được vốn từ các tổ chức tín dụng do đa phần hoạt động kinh doanh vượt nhiều lần năng lực tài chính của bản than, một số DNNVV có số nợ gần bằng tổng giá trị tài sản, thậm chí có doanh nghiệp có số nợ rất lớn. Quá trình vay vốn nhiều DNNVV cung cấp thông tin thiếu đầy đủ, đôi khi chưa rõ ràng, kém chuẩn xác.

Về phía các ngân hàng thương mại thực tế vẫn bị hạn chế về nguồn vốn, một số vẫn chỉ dành vốn vay chủ yếu phục vụ cho các khách hàng truyền thống; có khoảng 80 -90 % nguồn vốn của các ngân hang thương mại là vốn ngắn hạn; các ngân hàng thương mại cũng chưa tạo được niềm tin giữa ngân hàng với các khách hàng là DNNVV.

Để giải quyết các hạn chế trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng cho các DNNVV, các chuyên gia tài chính cho rằng, doanh nghiệp cần phải vươn lên đáp ứng được các yêu cầu của ngân hàng, còn ngân hàng cũng cần phải có những đánh giá cụ thể và giúp các doanh nghiệp hoàn thiện những thủ tục cần thiết để được vay vốn trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của cả hai phía. Chỉ khi đó, DNNVV mới có thể tiếp cận được vốn ngân hàng thuận lợi và các ngân hàng mới có thể khai thác được thế mạnh của DNNVV trong lĩnh vực cho vay vốn.

Trong đó, DNNVV phải đổi mới quản trị nội bộ; minh bạch thông tin về doanh nghiệp; tiếp cận được các thông tin về thị trường, về hội nhập; tranh thủ tốt sự hỗ trợ của hiệp hội ngành hàng; xây dựng phương án kinh doanh, dự án sản xuất kinh doanh phù hợp với năng lực của mình… Các ngân hàng thương mại cần thấu hiểu doanh nghiệp hơn qua đó thiết kế các gói sản phẩm phù hợp với đặc thù của DNNVV; đa dạng hoá các kênh tiếp cận vốn cho DNNVV; nỗ lực tìm kiếm các nguồn vốn trong xã hội, đặc biệt là vốn trung và dài hạn để phục vụ doanh nghiệp; trong bối cảnh khó khăn hiện nay cần cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay vốn đối với DNNVV.

Về phía Nhà nước, ngoài việc tạo sự đột phá trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh giúp các DNNVV phát triển, cải thiện về thể chế và hạ tàng cơ sở, cung cấp thông tin thị trường và những định hướng chính sách cho doanh nghiệp, cần giúp các DNNVV huy động vốn qua thị trường chứng khoán.../.

Lan Ngọc

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất