Chủ Nhật, 22/9/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Tư, 22/6/2016 14:32'(GMT+7)

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chỉ đạo, phối hợp triển khai hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại

Ngày 22-6, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại đã tổ chức Hội nghị Tổng kết nhiệm kỳ 2011-2015. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại chủ trì Hội nghị.

Báo cáo tổng kết vừa được trình bày tại Hội nghị nêu rõ, trong nhiệm kỳ vừa qua, hoạt động của Ban Chỉ đạo đã bám sát "Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020" và những nội dung công tác chủ yếu đề ra cho nhiệm kỳ, đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò quan trọng của công tác thông tin đối ngoại ngày càng được nâng cao; hệ thống chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn ngày càng được chú trọng hoàn thiện, phù hợp với tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ mới. Sau khi Bộ Chính trị khóa XI có Kết luận số 16 về "Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020", Chính phủ đã ban hành “Chương trình hành động của Chính phủ về thông tin đối ngoại giai đoạn 2013-2020”, "Nghị định về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại” và nhiều văn bản quan trọng khác để triển khai Chiến lược. Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại đã được thành lập tại 48 tỉnh, thành phố trong cả nước để phối hợp với Trung ương triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại trên địa bàn một cách thống nhất và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Các cơ quan báo chí, nhất là những cơ quan báo chí đối ngoại chủ lực, đã triển khai xây dựng kế hoạch, hoạt động bài bản và hiệu quả hơn. Nội dung, phương thức các hoạt động thông tin đối ngoại thường xuyên được chú trọng đổi mới, chất lượng, hiệu quả hơn; phạm vi, đối tượng, địa bàn ngày càng được mở rộng. Công tác chỉ đạo phối hợp, kiểm tra, đôn đốc nhằm thường xuyên đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, sản phẩm thông tin đối ngoại; kết hợp giữa thông tin đối ngoại với thông tin đối nội, giữa hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân được triển khai đồng bộ và thực hiện có kế hoạch. Công tác đấu tranh phản bác thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc của các thế lực cơ hội, thù địch đã được chú trọng thực hiện kịp thời và hiệu quả hơn.

Thành công của Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2014 và 2015 do Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức là hướng đi đúng đắn, cần thiết, góp phần tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại trong tình hình hiện nay; cổ vũ, động viên kịp thời các cơ quan báo chí, các nhà báo thường xuyên đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động thông tin đối ngoại.

Có thể khẳng định, hoạt động của Ban Chỉ đạo nhiệm kỳ 2011-2015 đã góp phần rất quan trọng vào thành công trong công tác tuyên truyền đối ngoại của Đảng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của cả nước giai đoạn 2011-2015.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, so với yêu cầu, nhiệm vụ mới đặt ra, công tác thông tin đối ngoại còn bộc lộ một số hạn chế cần sớm khắc phục. Đó là, công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại vẫn chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Hoạt động thông tin đối ngoại có lúc chưa được triển khai một cách thống nhất, đồng đều trên cả nước và ở các địa bàn nước ngoài. Việc chỉ đạo kết hợp giữa thông tin đối ngoại với thông tin đối nội, giữa đối ngoại Đảng, đối ngoại Nhà nước, đối ngoại nhân dân, giữa các cơ quan Trung ương với địa phương, giữa trong nước với các địa bàn nước ngoài tuy được chú trọng tăng cường, nhưng vẫn còn những bất cập, ảnh hưởng đến hiệu quả thông tin, tuyên truyền đối ngoại.

Hoạt động tuyên truyền bằng tiếng nước ngoài, tại các địa bàn nước ngoài, nhất là những địa bàn trọng điểm còn ít và chất lượng chưa cao. Việc tranh thủ tiếng nói quan trọng của truyền thông nước ngoài, nhất là những hãng thông tấn, tờ báo, tạp chí, trang mạng có uy tín quốc tế, còn chưa được chú trọng đúng mức để có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và phát triển đất nước. Công tác dự báo tình hình, tham mưu chỉ đạo định hướng có lúc chưa kịp thời đối với một số vấn đề quan trọng, mới nảy sinh, được dư luận quan tâm. Cơ chế xử lý thông tin đối với những vấn đề này còn có những hạn chế, làm giảm hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại của ta.  

Hiện nay, công tác thông tin đối ngoại đang có nhiều cơ hội thuận lợi, đồng thời đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Thành tựu của 30 năm đổi mới, đặc biệt là thành công tốt đẹp của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trong khu vực và trên trường quốc tế, mở rộng quan hệ đối ngoại, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại tiếp tục tăng cường nguồn lực; đổi mới nội dung, phương thức; mở rộng phạm vi, đối tượng, địa bàn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn không ít những khó khăn, thách thức. Tình hình khu vực và thế giới đang có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Tình hình trong nước cũng có những vấn đề mới, cả thuận lợi và khó khăn. Các thế lực xấu đang quyết liệt đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Tình hình mới đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác theo dõi, nắm bắt, dự báo tình hình để đề xuất, tham mưu kịp thời, chính xác nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại, trong đó vai trò của Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại là hết sức quan trọng.

Nhấn mạnh một số ý về phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo nhiệm kỳ 2016-2021, đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ, phương hướng chung của Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại trong nhiệm kỳ 2016-2021 là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chỉ đạo, phối hợp triển khai hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tranh thủ mọi cơ hội nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về công tác thông tin đối ngoại nêu trong Kết luận 16-KL/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm, trên cơ sở bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của công tác thông tin đối ngoại nhiệm kỳ 2016-2021 đã nêu trong Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ vừa được trình bày tại Hội nghị, trên cơ sở ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Thường trực Ban Bí thư, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị cần tập trung vào một số nội dung hoạt động chủ yếu của Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại nhiệm kỳ 2016-2021 như sau:

Một là, tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa tính chủ động, bao quát của Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Bộ phận thường trực. Các thành viên Ban Chỉ đạo cần được phân công cụ thể nhiệm vụ trong Ban Chỉ đạo, nâng cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả phối hợp giữa ban, bộ, ngành mình phụ trách với Bộ phận thường trực; các ban, bộ, ngành liên quan; Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại các địa phương; các cơ ban báo chí đối ngoại chủ lực, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhằm bảo đảm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong các hoạt động tuyên truyền đối ngoại. Chú trọng chế độ chính sách đối với cán bộ chuyên trách theo tinh thần Kết luận số 16 của Bộ Chính trị.

 Hai là, nâng cao chất lượng dự báo tình hình, trao đổi thông tin và thống nhất định hướng chỉ đạo thông tin, tuyên truyền đối ngoại trên cơ sở gắn kết chặt chẽ với thông tin đối nội. Đây là một vấn đề rất quan trọng đối với công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại trong tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường như hiện nay. Đối với các trường hợp quan trọng, nhạy cảm, mới nảy sinh cần xây dựng cơ chế phù hợp để xử lý một cách kịp thời, chủ động định hướng thông tin; tránh để xảy ra tình trạng bị động, chạy sau dư luận, hạn chế tác động tiêu cực của các thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc của các thế lực cơ hội, thù địch.

Ba là, thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động, sản phẩm thông tin đối ngoại, phát huy vai trò của các cơ quan báo chí đối ngoại chủ lực, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Mở rộng phạm vi hoạt động của các kênh thông tin bằng tiếng nước ngoài. Tận dụng tốt hơn nữa tiếng nói quan trọng của các cơ quan báo chí, thông tấn quốc tế có uy tín trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài đối với quan điểm, lập trường của Việt Nam trong các vấn đề quan trọng, được dư luận quan tâm.

Bốn là, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh phản bác các thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc của các thế lực cơ hội, thù địch. Chú trọng nghiên cứu sử dụng các phương tiện truyền thông mới, nhất là các mạng xã hội vào mục đích thông tin, tuyên truyền đối ngoại một cách kịp thời và hiệu quả.

Năm là, tiếp tục duy trì và xây dựng thương hiệu, uy tín của Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại hằng năm. Chú trọng nâng cao sự tham gia rộng rãi của báo chí trong nước, quốc tế, chất lượng các tác phẩm dự giải, đạt giải.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất