Thứ Hai, 16/9/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Ba, 3/11/2020 14:46'(GMT+7)

Tiếp tục đổi mới tư duy đối ngoại trong giai đoạn chiến lược mới

Hội nghị Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 27 (ARF 27) diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Hội nghị Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 27 (ARF 27) diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Trong các giai đoạn của sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, trên cơ sở kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, việc không ngừng đổi mới tư duy trong hoạch định và triển khai chính sách đã trở thành một quy luật, một bài học quý và là nhân tố quan trọng dẫn đến thành công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dự thảo văn kiện trình Ðại hội Ðảng lần thứ XIII đã đánh giá toàn diện kết quả công tác, bài học kinh nghiệm của Ðại hội XII, tiếp tục kế thừa và phát triển trí tuệ của Ðảng ta qua các kỳ Ðại hội trước, đồng thời thể hiện mạnh mẽ tinh thần đổi mới tư duy, trong đó có tư duy đối ngoại, phù hợp với thực tiễn thay đổi không ngừng và với thế và lực mới của đất nước.

 Hội nghị góp ý dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng do Bộ Ngoại giao tổ chức. (Ảnh: Tuấn Anh)

ĐỔI MỚI TƯ DUY TRONG ĐÁNH GIÁ VỀ CỤC DIỆN VÀ XU HƯỚNG

Trước hết, dự thảo văn kiện trình Ðại hội XIII đã tiếp tục tinh thần đổi mới tư duy trong đánh giá sâu sắc về cục diện và những xu hướng lớn đang nổi lên trên thế giới. Tư duy duy vật biện chứng, cách nhìn nhận toàn diện, khách quan, khoa học cả hai mặt thách thức và cơ hội của tình hình quốc tế được thể hiện rõ trong dự thảo.

Thứ nhất, tiếp tục khẳng định những xu thế, dòng chảy lớn của thời đại, dự thảo đã làm rõ hơn những mặt thuận và không thuận đang diễn ra. Theo đó, hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế lớn, là mong mỏi và nguyện vọng thiết tha của mọi dân tộc, nhưng "đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn". Dự thảo khẳng định "Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển", đồng thời chỉ rõ các hiện tượng trái chiều đang nổi lên, trong đó có sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn… Cách nhìn nhận biện chứng đó cho thấy sự cần thiết tiếp tục kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế như đã nêu trong dự thảo, đồng thời cần linh hoạt về sách lược, nâng cao khả năng chủ động ứng phó đối với những thách thức trong đời sống quốc tế, nhằm giữ vững môi trường hòa bình ổn định, tranh thủ tối đa thuận lợi và nguồn lực bên ngoài phục vụ cho phát triển đất nước.

Thứ hai, dự thảo đã có những đánh giá mới, cập nhật về kinh tế thế giới, với tính cảnh báo cao. Dự thảo nêu "kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng và có thể còn kéo dài do tác động của đại dịch Covid-19". Vai trò của khoa học - công nghệ cũng được dự thảo nhấn mạnh: "Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc". Dự thảo nhận định các quốc gia đang điều chỉnh chiến lược phát triển để thích ứng với tình hình mới. Bối cảnh trên đòi hỏi chúng ta phải chủ động, sáng tạo, phát huy mạnh mẽ nội lực, tạo ra các động lực mới cho tăng trưởng, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, đồng thời tận dụng tốt ngoại lực để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đề ra.

Thứ ba, dự thảo đã chỉ rõ các thách thức liên quan mật thiết đến an ninh và phát triển của Việt Nam. Trước những chuyển động về địa chính trị ở châu Á - Thái Bình Dương, dự thảo tiếp tục khẳng định khu vực này "có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng" nhưng chỉ ra rõ các nguy cơ "cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc, tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn". Dự thảo nhận diện rõ những thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên: "Những vấn đề toàn cầu như bảo vệ hòa bình, an ninh con người, thiên tai, dịch bệnh, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường,… tiếp tục diễn biến phức tạp". Ðiều này cho thấy môi trường an ninh và phát triển của nước ta trong thời gian tới đứng trước nhiều vấn đề mới, khó khăn, phức tạp hơn. Nhận định trên cũng phản ánh tư duy an ninh toàn diện của Việt Nam, đồng thời đặt ra yêu cầu phải bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước còn chưa nguy như đã nêu trong dự thảo.

NHẤN MẠNH VAI TRÒ NÒNG CỐT CỦA ĐỐI NGOẠI TRONG GIAI ĐOẠN CHIẾN LƯỢC MỚI

Tiếp tục tinh thần đổi mới trong hoạch định và triển khai chính sách, dự thảo văn kiện đã đề ra các mục tiêu phát triển đến các năm 2025, 2030, 2045, với khát vọng phát triển về một Việt Nam thịnh vượng, có vị thế cao trong cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, dự thảo đã nhấn mạnh vai trò nòng cốt của đối ngoại góp phần quan trọng vào bảo vệ Tổ quốc và phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn chiến lược mới, thể hiện ở những mặt sau:

Một là, dự thảo đã tiếp tục đề cao quan điểm chỉ đạo "Bảo đảm trên hết và trước hết lợi ích quốc gia - dân tộc", qua đó nhấn mạnh lợi ích quốc gia - dân tộc là kim chỉ nam, tiêu chí cao nhất trong triển khai hoạt động đối ngoại. Ðồng thời, dự thảo khẳng định Việt Nam không theo chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, mà "trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi".

Hai là, dự thảo thể hiện tầm quan trọng của đối ngoại, mặt trận có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước vào thế có lợi nhất trước những chuyển biến mau lẹ, khó lường của tình hình thế giới, khu vực. Dự thảo khẳng định trong giai đoạn chiến lược tới, đối ngoại cần "phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước".

Ba là, đối ngoại đa phương được đặt ở vị trí quan trọng trong tổng thể các nhiệm vụ đối ngoại. Ðây là bước phát triển quan trọng về lý luận và thực tiễn từ Ðại hội XII và cũng là sự ghi nhận thành tựu của đối ngoại đa phương trong nhiều năm qua. Dự thảo đã làm rõ các nội hàm nhiệm vụ theo tinh thần Chỉ thị 25-CT/TW ngày 8-8-2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030; nhấn mạnh cần chủ động tham gia phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, hợp tác tiểu vùng Mê Công, tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế, trong những vấn đề và các cơ chế quan trọng có tầm chiến lược, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện cụ thể.

Bốn là, dự thảo nêu "Nâng cao bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, phong cách chuyên nghiệp, đổi mới sáng tạo của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; chủ động thích ứng trước chuyển biến của tình hình", qua đó nhấn mạnh con người là yếu tố quyết định, mang tính đột phá nhằm bảo đảm đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ đối ngoại ngày một cao hơn trong tình hình mới. Các nội hàm "chuyên nghiệp", "sáng tạo" và "chủ động thích ứng" được gắn với phương châm triển khai các hoạt động đối ngoại, và vừa là yêu cầu, vừa là sự ghi nhận phẩm chất của cán bộ đối ngoại.

Năm là, dự thảo khẳng định sự cần thiết phải "xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại" trên thực tế đã và đang định hình, phát triển ngày càng vững chắc trong thời gian qua. Kế thừa truyền thống ngoại giao của cha ông, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, việc phát triển nền ngoại giao toàn diện, hiện đại sẽ tiếp tục phát huy được sức mạnh của tất cả các binh chủng đối ngoại, bao gồm đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân, triển khai hiệu quả ngoại giao song phương và đa phương, trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân, v.v. Tính hiện đại của ngoại giao được thể hiện ở việc phát triển và nâng tầm phương thức triển khai công tác đối ngoại, trình độ của đội ngũ cán bộ, tổ chức bộ máy, cơ sở hạ tầng, công nghệ và trang thiết bị… đạt trình độ khu vực và vươn tầm quốc tế, giúp thúc đẩy hiệu quả lợi ích quốc gia - dân tộc và thích ứng linh hoạt với chuyển biến của tình hình mới.

Trong giai đoạn tới, tình hình thế giới và khu vực sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ, nhanh chóng, khó lường, đặt ra cả những cơ hội và thách thức không nhỏ đối với an ninh và phát triển của đất nước. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng, các binh chủng đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân và đối ngoại của các bộ, ngành, địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, tạo thành sức mạnh tổng hợp to lớn trên mặt trận đối ngoại, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn chiến lược mới, hiện thực hóa mục tiêu đặt ra cho đất nước ta đến năm 2025, 2030 và 2045.

Bùi Thanh Sơn

Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao

 
 
 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất