Trong phương hướng, nhiệm vụ, dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác giáo dục quốc phòng, an ninh (GDQPAN), bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Trong phương hướng, nhiệm vụ, dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác giáo dục quốc phòng, an ninh (GDQPAN), bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Dự thảo văn kiện nhấn mạnh: "Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh (QPAN), phải tiếp tục giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc...".
Tôi cho rằng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân là nhân tố cốt lõi, nền tảng để đất nước ta tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, GDQPAN là bộ phận trong hệ thống giáo dục quốc dân, là một nội dung quan trọng củng cố quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Có thể khẳng định, GDQPAN là môn học trực tiếp chuẩn bị nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy, công tác này được Đảng đặc biệt coi trọng thông qua các nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo GDQPAN, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, nhất là hệ thống giáo dục quốc dân thực hiện công tác GDQPAN cho các đối tượng là cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và học sinh, sinh viên. Đó cũng là tư tưởng chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt đối với cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, để công tác GDQPAN được thực hiện nền nếp, hiệu quả và trở thành nghĩa vụ bắt buộc đối với công dân, ngày 19-6-2013, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành “Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh”. Trong đó, Điều 4 của luật xác định mục tiêu: “Giáo dục cho công dân kiến thức quốc phòng và an ninh để phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống dựng nước và giữ nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tự giác thực hiện nhiệm vụ QPAN, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, những năm qua, công tác GDQPAN đã thực sự đi vào hệ thống giáo dục quốc dân, phát triển vững chắc cả bề rộng và chiều sâu, chất lượng ngày càng cao. Môn học GDQPAN đã được giảng dạy lồng ghép ở bậc tiểu học và trung học cơ sở; từ trung học phổ thông đến đại học là môn học chính khóa và được dạy, kiểm tra đánh giá bình đẳng như những môn học khác. Có thể khẳng định, môn học này trên thực tế đã góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên về lòng yêu nước; nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng và rèn luyện kỹ năng quân sự cần thiết, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, trên thực tế, đội ngũ giáo viên GDQPAN còn thiếu về số lượng, nhiều cơ sở giáo dục chưa có hoặc còn thiếu giáo viên chuyên trách theo quy định, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy còn thiếu, chất lượng môn học GDQPAN ở một số cơ sở giáo dục còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, hiện nay, tình hình thế giới và khu vực, nhất là tại khu vực Biển Đông, tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố khó lường, các thế lực thù địch vẫn ráo riết chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, trong đó, lực lượng học sinh, sinh viên luôn là mục tiêu để các thế lực thù địch tác động, chuyển hóa về tư tưởng. Việt Nam đang tích cực hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, điều này đem lại cho nước ta nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức mới, đặt ra cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc nói chung, GDQPAN nói riêng những nhiệm vụ và yêu cầu rất nặng nề. Do đó, trước yêu cầu của thực tiễn, cần phải thống nhất, xuyên suốt và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác GDQPAN trong tình hình mới, trong đó việc tăng cường kiến thức QPAN đối với học sinh, sinh viên luôn là nhiệm vụ cấp thiết.
Bên cạnh đó, để công tác GDQPAN tiếp tục được thực hiện nền nếp, hiệu quả, theo tôi, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục đề ra chủ trương, chính sách lãnh đạo phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên GDQPAN, gắn với cơ chế chính sách phù hợp; có chế độ, chính sách trong đào tạo và sử dụng sau đào tạo đối với đội ngũ giáo viên, giảng viên GDQPAN; tăng cường sĩ quan biệt phái cho các Trung tâm Giáo dục quốc phòng, an ninh; bảo đảm sự ổn định biên chế của các nhà trường; bảo đảm lực lượng cho công tác GDQPAN.
Cùng với những giải pháp trên, việc đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy môn GDQPAN cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định hiệu quả, chất lượng đào tạo môn học này. Trên cơ sở bám sát mục tiêu, yêu cầu GDQPAN cho thế hệ trẻ, các cấp học và trình độ đào tạo cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh chương trình, nội dung, mục tiêu đào tạo phù hợp với từng đối tượng; bảo đảm tính liên thông, không trùng lắp, có sự phân cấp rõ ràng, phù hợp với ngành nghề đào tạo của học sinh, sinh viên. Việc xây dựng chương trình phải phù hợp với sự phát triển khoa học nghệ thuật quân sự, tổ chức hiện đại hóa quân đội và công an trong tình hình mới. Trong giảng dạy, giảm bớt thời gian dạy lý thuyết, tăng cường thời gian học thực hành kỹ năng quân sự, tham quan, thực tế đơn vị binh chủng, quân chủng, bảo tàng… phù hợp với bài học, ngành học của sinh viên, học sinh. Nhà nước cần bảo đảm ngân sách, đáp ứng tốt cơ sở vật chất, thiết bị dạy học GDQPAN cho học sinh, sinh viên.
Những năm qua, công tác GDQPAN luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt coi trọng, góp phần quan trọng giáo dục chính trị, tư tưởng; giáo dục truyền thống vẻ vang của dân tộc; xây dựng ý thức tổ chức kỷ luật, nếp sống chính quy, đẩy lùi tiêu cực, tệ nạn xã hội trong các nhà trường; hình thành nhân cách, ý thức quốc phòng, an ninh; nâng cao trách nhiệm đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho học sinh, sinh viên.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với nhiệm vụ QPAN, trong đó có công tác GDQPAN, chính là để góp phần thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thiếu tướng, TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thiện Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nguồn: QĐND