I. Giới thiệu tổng quát về Hội nghị Trung ương lần thứ 10 (khoá X)
Thực hiện chương trình công tác toàn khóa, từ 29 đến 04/6/2009, Ban Chấp hành Trung ương đã họp Hội nghị lần thứ 10. Đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã có bài phát biểu khai mạc và bế mạc quan trọng. Sau khi Hội nghị kết thúc, Ban Chấp hành Trung ương đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị và đã có Thông báo Kết quả Hội nghị. Đấy là những tài liệu rất quan trọng, thể hiện một cách cô đúc nhất tinh thần cơ bản của các nội dung Hội nghị Trung ương đã tập trung thảo luận và quyết nghị.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là thảo luận ban đầu, nhiều nội dung của các đề cương báo cáo sẽ tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung, cụ thể hơn, hoàn thiện căn cứ vào thực tiễn từ nay đến Đại hội XI và sẽ được đưa ra xin ý kiến rộng rãi. Do vậy tài liệu thông báo nhanh lần này chưa thể đi vào các nội dung cụ thể, chỉ có thể đề cập những vấn đề đã rõ, đã chín.
1. Hội nghị Trung ương lần thứ 10 tập trung thảo luận và thông qua các văn bản quan trọng
- Đề cương chi tiết Báo cáo tổng kết, bổ sung và phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991);
- Đề cương chi tiết Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010 và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020;
- Dự thảo của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng;
- Báo cáo đề nghị bổ sung một số thành viên Tiểu ban Chiến lược tham gia Tiểu ban Cương lĩnh; thành lập 3 tiểu ban: Tiểu ban nhân sự; Tiểu ban tổng kết thực hiện Điều lệ Đảng và bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng; Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội;
- Báo cáo những công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ Hội nghị Trung ương 9 đến Hội nghị Trung ương 10 (khoá X).
Trung ương còn nghiên cứu và thảo luận một số văn bản quan trọng khác.
2. Những điểm nổi bật của Hội nghị Trung ương 10
Từ những nội dung mà Hội nghị tập trung bàn, chúng ta có thể rút ra một số điểm nổi bật nhất qua kỳ họp Trung ương lần này:
Một là, Hội nghị Trung ương lần này tập trung giải quyết một khối lượng công việc rất lớn và có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm chuẩn bị bước đầu rất cơ bản cho Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng và đại hội đảng các cấp.
Từ nay đến Đại hội XI, Trung ương còn triển khai nhiều hội nghị để tiếp tục chuẩn bị, hoàn tất các công việc cần thiết. Tại Hội nghị lần thứ 10 này đã đưa ra và bước đầu quyết định những vấn đề rất cơ bản, rất hệ trọng về nội dung và tổ chức của Đại hội, tạo tiền đề và định hướng cho các hội nghị Trung ương tiếp theo.
Hai là, do tầm quan trọng của Hội nghị, các báo cáo, tờ trình.v.v. đã được chuẩn bị hết sức công phu, nghiêm túc, kỹ lưỡng:
- Về Tổng kết, bổ sung và phát triển Cương lĩnh năm 1991:
Thực hiện Nghị quyết Đại hội X, ngày 04/02/2008, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định thành lập Tiểu ban Tổng kết, bổ sung và phát triển Cương lĩnh năm 1991 và chuẩn bị Báo cáo chính trị trình Đại hội XI (Tiểu ban Cương lĩnh). Tiểu ban có 34 đồng chí; do đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh làm Trưởng Tiểu ban.
Ngày 22/02/2008, Tiểu ban đã họp phiên đầu tiên để xác định quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và kế hoạch triển khai việc tổng kết, bổ sung và phát triển Cương lĩnh. Ngay sau khi Ban Bí thư ra quyết định thành lập Tổ Biên tập, Tiểu ban đã chỉ đạo Tổ Biên tập khẩn trương triển khai các công việc; đồng thời đề xuất để Ban Bí thư giao Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, một số cơ quan khoa học, chương trình, đề tài nghiên cứu về lý luận chính trị cung cấp tư liệu, kết quả nghiên cứu và giao cho một số cơ quan, cấp uỷ đảng ở Trung ương và địa phương tổng kết thực tiễn trên một số lĩnh vực phục vụ cho công tác tổng kết, bổ sung, phát triển Cương lĩnh.
Giữa tháng 5/2008, Thường trực Tiểu ban đã thảo luận về một số vấn đề quan trọng có liên quan đến việc chuẩn bị Báo cáo tổng kết, bổ sung và phát triển Cương lĩnh, như: tên gọi, kết cấu, những yêu cầu và định hướng cơ bản của Báo cáo; phương pháp và tiến độ xây dựng Báo cáo. Trên cơ sở đó, đã chỉ đạo Tổ Biên tập chuẩn bị Dự thảo Đề cương chi tiết Báo cáo. Cuối tháng 8/2008, Tiểu ban đã họp phiên thứ hai để thảo luận Dự thảo đầu tiên Đề cương chi tiết Báo cáo do Tổ Biên tập trình.
Tại cuộc họp ngày 19/9/2008, Bộ Chính trị đã thảo luận lần thứ nhất về bản Dự thảo Đề cương chi tiết Báo cáo tổng kết, bổ sung và phát triển Cương lĩnh năm 1991 do Tiểu ban trình. Bộ Chính trị nhận thấy bản Dự thảo Đề cương đã được chuẩn bị công phu, là kết quả bước đầu rất quan trọng để tiếp tục hoàn chỉnh trình Ban Chấp hành Trung ương; nhất trí với mục đích, yêu cầu, tư tưởng chỉ đạo việc tổng kết, bổ sung và phát triển Cương lĩnh; nhất trí với kết cấu và nội dung chính của Đề cương; đồng thời nhấn mạnh và lưu ý thêm một số vấn đề để Tiểu ban tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, bổ sung; hoàn chỉnh bản Dự thảo Đề cương.
Ngày 09 và 10/4/2009, Tiểu ban đã họp phiên thứ ba để thảo luận lần thứ hai nội dung Dự thảo Đề cương đã được tu chỉnh để trình Bộ Chính trị. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, ngày 24/4/2009, Tiểu ban đã gửi Dự thảo Đề cương và mời các đồng chí nguyên Lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước đến họp để xin ý kiến (ở Hà Nội 2 ngày và ở thành phố Hồ Chí Minh 1 ngày). Ngày 31/5/2009, Tiểu ban đã họp phiên thứ tư để thảo luận tiếp thu các ý kiến của các đồng chí nguyên Lãnh đạo để bổ sung bản Dự thảo Đề cương của Tiểu ban trình Bộ Chính trị.
Ngày 04/6/2009, Bộ Chính trị đã thảo luận lần thứ hai về Tờ trình và Dự thảo Đề cương để tiếp tục tu chỉnh trình Ban Chấp hành Trung ương. Trong quá trình tổng kết, chuẩn bị bản Dự thảo Đề cương, Tiểu ban đã chỉ đạo nghiên cứu, kế thừa các kết quả tổng kết 20 năm đổi mới; các kết quả nghiên cứu về bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991 đã được Ban Chấp hành Trung ương khoá IX cho ý kiến khi chuẩn bị Đại hội X. Thu thập và sử dụng các kết quả nghiên cứu mới của các cơ quan lý luận, các nhà khoa học (đặc biệt là hệ thống chương trình, đề tài khoa học của Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Khoa học xã hội Việt Nam...). Tập hợp ý kiến của nhiều nhà khoa học và chuyên gia thông qua 27 cuộc toạ đàm, hội thảo khoa học và mời cộng tác viên viết bài; phát huy trí tuệ, dân chủ thảo luận theo đúng tinh thần Bộ Chính trị chỉ đạo. Sử dụng kết quả nghiên cứu, tổng kết thực tiễn của 12 cơ quan Trung ương và 18 tỉnh uỷ, thành uỷ. Tổ chức một số đoàn về làm việc với 13 Ban Thường vụ của các tỉnh uỷ, thành uỷ về các chuyên đề tổng kết do Ban Bí thư giao. Hội đồng Lý luận Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng đã tổng hợp 38 báo cáo chuyên đề thành 3 tập tài liệu tham khảo.
- Về Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010 và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020:
Tháng 2/2008, Tiểu Ban Chiến lược do Trung ương thành lập gồm 47 đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Trung ương; Tổ Biên tập do Ban Bí thư thành lập gồm 37 đồng chí là lãnh đạo các bộ, ngành và nhiều cơ quan nghiên cứu để thực hiện nhiệm vụ Trung ương giao về tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020.
Tiểu ban Chiến lược đã tổng kết đánh giá việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010; tham khảo kết quả các nghiên cứu mới của các cơ quan, các nhà khoa học trong và ngoài nước. Đã nghiên cứu kế thừa các Chiến lược trước đây; các văn kiện Đại hội Đảng từ đổi mới đến nay, nhất là Đại hội IX, Đại hội X và Báo cáo giữa nhiệm kỳ Đại hội X, các Nghị quyết Hội nghị Trung ương Khoá IX, Khoá X của Đảng và kết luận của Bộ Chính trị về các lĩnh vực có liên quan.
Tiểu ban Chiến lược đã giao cho các thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành nghiên cứu chuyên sâu theo từng chuyên đề; tổ chức 19 cuộc hội thảo, tọa đàm, tiếp thu trên 150 lượt ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia trong, ngoài nước và các tổ chức quốc tế để xây dựng Đề cương. Tiểu ban đã 2 lần thảo luận tập thể và 3 lần gửi dự thảo Đề cương Chiến lược xin ý kiến trực tiếp của các thành viên Tiểu ban bằng văn bản, 2 lần họp lấy ý kiến các đồng chí nguyên là Phó Thủ tướng, một số Bộ trưởng và chuyên gia có kinh nghiệm trong xây dựng văn kiện qua các kỳ Đại hội Đảng.
Bộ Chính trị đã chỉ đạo Tiểu ban Chiến lược tổ chức Hội nghị xin ý kiến trực tiếp của các đồng chí nguyên là lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước về Đề cương Chiến lược.
Qua thảo luận, đa số ý kiến cơ bản nhất trí với dự thảo Đề cương, cho rằng Đề cương được chuẩn bị công phu, kết cấu chặt chẽ, nội dung phong phú, phản ánh khá đầy đủ và sát đúng thực tế tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước gần 10 năm qua và trình bày khá toàn diện về các vấn đề chủ yếu của Chiến lược 10 năm tới; trong đó có nhiều nội dung mới rất đáng hoan nghênh. Đồng thời, cũng có nhiều ý kiến góp ý, phân tích làm sâu sắc thêm và đề xuất bổ sung nhiều nội dung cụ thể vào Đề cương Chiến lược.
Ngày 15/6/2009, Bộ Chính trị đã thảo luận, cho ý kiến bước đầu để Tiểu ban Chiến lược hoàn chỉnh bản Đề cương Chiến lược này trình Hội nghị Trung ương.
Ba là, không khí thảo luận, trao đổi, tranh luận tại Hội nghị sôi nổi, liên tục, hết sức dân chủ, cởi mở và thẳng thắn; các ý kiến thảo luận đều rất tâm huyết, trách nhiệm cao; nhiều ý kiến sâu sắc, trí tuệ, tập trung nhiều vào các vấn đề trọng tâm. Những vấn đề chưa đủ rõ, còn ý kiến khác nhau, Trung ương thống nhất cho tiếp tục nghiên cứu và sẽ thảo luận tiếp trong các hội nghị Trung ương tới.
- Trong quá trình thảo luận Ðề cương chi tiết Báo cáo Tổng kết, bổ sung và phát triển Cương lĩnh, có 134 lượt ý kiến phát biểu. Trung ương đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, khoa học của Tiểu ban Cương lĩnh; căn bản nhất trí với nội dung của Đề cương, cho rằng Đề cương đã bám sát tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Ðại hội X và các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị; quán triệt tinh thần và phương pháp khoa học, biện chứng, toàn diện, lịch sử - cụ thể và phát triển. Phát huy tự do tư tưởng, Trung ương đã thẳng thắn trao đổi, thảo luận làm rõ thêm nhiều vấn đề được đề cập trong Đề cương, và có những vấn đề mà Đề cương trình bày chưa đủ rõ cần tiếp tục nghiên cứu, thảo luận sâu hơn.
- Thảo luận về Đề cương chi tiết tổng kết thực hiện Chiến lược, đã có 128 lượt ý kiến phát biểu, đa số ý kiến tán thành với nội dung của Đề cương Chiến lược, cho rằng Đề cương được chuẩn bị công phu, chu đáo, có tầm khái quát, nội dung có nhiều điểm mới và được lấy ý kiến khá rộng rãi, nhất là ý kiến của các đồng chí nguyên là lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Nhiều ý kiến đã bổ sung, phân tích làm sâu sắc thêm một số nội dung của Đề cương Chiến lược.
- Quá trình thảo luận và cho ý kiến về định hướng chuẩn bị đại hội đảng các cấp, tiến tới Ðại hội toàn quốc của Ðảng, đã có 121 lượt ý kiến phát biểu, đóng góp; Trung ương đã tập trung phân tích làm rõ bối cảnh, mục tiêu, yêu cầu, chủ đề và các nội dung của Ðại hội; quyết định thành lập các Tiểu ban chuẩn bị cho Ðại hội, đồng thời nghiên cứu, trao đổi góp ý kiến vào dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về đại hội đảng các cấp sắp tới. Thời gian từ nay đến Ðại hội XI của Ðảng không còn nhiều, việc tiến hành chuẩn bị các nội dung của Ðại hội đòi hỏi phải rất khẩn trương, vì vậy, Trung ương cũng đã quyết định sớm lịch trình tổ chức đại hội các cấp, tiến tới Ðại hội toàn quốc của Ðảng.
(còn tiếp)