Thứ Hai, 30/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 16/4/2012 21:45'(GMT+7)

Tìm hướng phát triển du lịch Bắc Trung Bộ

(Ảnh: Chinhphu.vn)

(Ảnh: Chinhphu.vn)

Khu vực Bắc Trung Bộ được đánh giá là có tiềm năng du lịch rất lớn với 5 di sản thế giới cùng gần 400 di tích lịch sử cách mạng; nhiều cảnh quan tự nhiên hùng vĩ, phong tục tập quán văn hóa độc đáo của cộng đồng 25 dân tộc thiểu số; có vùng đầm phá và bờ biển rộng lớn…

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành cho biết lượng khách du lịch đến với khu vực này trong thời gian qua chiếm khoảng 25-30% so với cả nước, nhưng doanh thu du lịch chỉ chiếm khoảng 5%. Hiện cả nước có gần 1.000 công ty lữ hành quốc tế, nhưng hơn 80% là tập trung ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, những nhà quản lý và doanh nghiệp có chuyên môn ở khu vực Bắc Trung Bộ còn thiếu.

Từ thực tế đó, tại hội thảo các đại biểu tập trung thảo luận vấn đề liên kết giữa các địa phương trong vùng, ngoại vùng, liên kết giữa các thành phần khác nhau trong cùng một địa phương… để khai thác hiệu quả và bền vững các tiềm năng du lịch.

 Theo ông Nguyễn Quý Phương, với sản phẩm “hành trình đến các kinh đô Việt cổ”, khu vực miền Trung mới khai thác được kinh đô Huế. Các địa phương hiện nay cũng chỉ mới khai thác những gì có sẵn chứ chưa phát triển hết tiềm năng du lịch vốn có của mình nên sản phẩm du lịch đơn điệu, sức hấp dẫn chưa cao, việc giữ chân khách lưu trú chưa lâu... Từ đó, ông Nguyễn Quý Phương đề xuất nên tìm ra một "trưởng nhóm" cho du lịch vùng Bắc Trung Bộ để vừa điều hành vừa hợp tác và liên kết giữa các tỉnh.

Nhiều đại biểu cũng cùng chung đánh giá lâu nay phát triển du lịch ở vùng Bắc Trung Bộ thiếu sự hợp tác chặt chẽ, mạnh ai nấy làm, nhiều lúc có sự chồng lấn, đặc biệt các doanh nghiệp khai thác du lịch trong vùng chưa có sự sâu chuỗi, kết nối hoạt động.

Ông Doãn Văn Phú, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho rằng hiện nay việc liên kết giữa các địa phương thực ra chỉ là liên kết trong việc tổ chức sự kiện chứ chưa thực sự là liên kết để cùng phát triển sản phẩm du lịch. Do đó, việc phát triển du lịch ở các địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong công tác xúc tiến- quảng bá. Ông Phú mạnh dạn đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải có cơ chế hỗ trợ phù hợp để các địa phương xúc tiến - quảng bá, phát triển du lịch.

PGS.TS Trương Quốc Bình, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam cho rằng dưới góc độ văn hóa du lịch, việc kết nối thêm 2 di sản Hội An và Mỹ Sơn (ở tỉnh Quảng Nam) sẽ xác lập một năng lực kinh tế cho toàn vùng, mà trước hết là sự bổ sung giữa 3 thành phố (Huế- Đà Nẵng- Hội An) thành một chuỗi đô thị mạnh về kinh tế du lịch trong cự ly chưa đầy 150km.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái  biết sắp tới sẽ kiến nghị nâng cấp trường Cao đẳng nghề Du lịch Huế (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hiện nay lên thành Đại học để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Thứ trưởng cũng đề nghị các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong khu vực Bắc Trung Bộ phải nghiên cứu kỹ thế mạnh và sản phẩm du lịch của mỗi địa phương; đề nghị Tổng cục Du lịch cụ thể hóa vấn đề liên kết của các tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ để trình lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch./.

(Theo: VGP News)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất