Tạo mọi điều kiện cho DN viễn thông phát triển
ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) mở đầu bằng câu hỏi: "Năm 2008, doanh thu của bưu chính viễn thông đạt 95 nghìn tỷ, tương đương 4% GDP. Nhà nước đã đầu tư bao nhiêu để thu được chừng? Mức đầu tư hợp lý chưa?".
Bộ trưởng Hợp giải thích, Nhà nước chỉ đầu tư ban đầu, còn kết quả tăng trưởng do DN tự vận động.
"Chúng tôi là một trong những ngành phát triển nhanh, đóng góp ngân sách khá. Năm 2008 đã đóng góp hơn 16 nghìn tỷ đồng", ông Hợp cho biết.
Cũng giải đáp thắc mắc của đại biểu Đào về hoạt động với doanh thu cao của Viettel, Bộ trưởng Hợp nói, "đây là một trong những doanh nghiệp viễn thông phát triển nhanh nhất. Mô hình đi lên từ hai bàn tay không, Nhà nước chỉ cho cơ chế, chính sách, cho tần số".
Từ 2005 đến 2008, Viettel luôn đạt doanh thu năm sau cao gấp đôi năm trước. Chẳng hạn, tăng trưởng 2007 là 16 nghìn tỷ đồng, 2008: 32 nghìn tỷ và năm nay, đặt mục tiêu 60 nghìn tỷ.
Bộ trưởng cũng cam kết sẽ tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông vươn lên phát triển, cạnh tranh bình đẳng, làm chủ quốc gia, vươn ra quốc tế.
Trẻ có thể chơi game 1 - 2 h/ngày
Chia sẻ với Bộ trưởng về việc phải gánh "siêu bộ", đại biểu Nguyễn Ngọc Đào và các ĐB khác muốn biết rõ hơn về các giải pháp kỹ thuật và hành chính để quản lý trò chơi trên mạng (game online).
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho rằng nên đánh giá khía cạnh hiệu quả xã hội của game online vì vấn đề nào cũng có tính hai mặt. "Trẻ em có thể chơi game mỗi ngày 1 - 2 tiếng cũng không sao, miễn không bị sa đà", ông Hợp cho hay.
Theo Bộ trưởng, đây là một trò chơi gia đình, trẻ em có thể chơi tại chỗ. Chơi game có thể giúp rèn luyện phản xạ nhanh, bồi dưỡng trí não và sự sáng tạo. Nhưng mặt trái là trò chơi dễ gây đam mê, khiến giới trẻ sa đà, không làm chủ được thời gian. Mặt khác, một số game có tính khiêu dâm, bạo lực.
Để hạn chế tiêu cực, liên bộ Bưu chính - Viễn thông (cũ) và Văn hóa - Thông tin, Công an đã ra thông tư 60 quản lý trò chơi trực tuyến, quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp, các đại lý Internet...
Sắp tới, các bộ sẽ ban hành một thông tư mới. Mặt khác, Bộ sẽ tăng cường quản lý các dịch vụ cung cấp trò chơi, khuyến khích chỉ cung cấp trò chơi lành mạnh (hiện đang có 17 dịch vụ cung cấp, chủ yếu là liên doanh). Thứ ba là ngăn chặn bằng các biện pháp kỹ thuật.
Chia sẻ với UBTVQH về việc các cơ quan quản lý cấp tỉnh "hẻo" người lại ôm nhiều việc, Bộ trưởng Hợp thừa nhận việc quản lý các dịch vụ cung cấp game online còn chưa chặt, Bộ sẽ vào cuộc quyết liệt hơn.
Xung quanh thắc mắc của đại biểu Đào Trọng Thi về mặt trái của Internet và trách nhiệm quản lý của Bộ, ông Lê Doãn Hợp khẳng định, Nhà nước đã có hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này như Luật Báo chí, Luật Công nghệ thông tin cũng như các nghị định về sử dụng dịch vụ Internet, chống thư rác...
Ngoài ra là một hệ thống thông tư hướng dẫn hoạt động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân, thông tư về quản lý đại lý Internet và Nhà nước vẫn đang tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý.
Các biện pháp kỹ thuật cũng được áp dụng để góp phần sàng lọc thông tin xấu trên Internet.
Bộ trưởng cho rằng, việc quản lý Internet có nhiều khó khăn, cả thế giới phải thích ứng và đề phòng mặt trái. Do đó, từng cá nhân phải tiếp cận bằng thái độ "đãi cát tìm vàng", “gạn đục khơi trong”.
Quản lý truyền hình trả tiền
|
Ảnh: HK |
Ngoài Internet, các đại biểu Quốc hội còn quan tâm đến việc quản lý các kênh truyền hình trả tiền.
Phó trưởng đoàn ĐBQH Long An Lê Thanh Liêm muốn biết các kênh đóng góp bao nhiêu cho ngân sách nhà nước và liệu Nhà nước có kiểm soát được nội dung.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Nguyễn Văn Phúc muốn làm rõ vai trò quản lý nhà nước với nội dung các bộ phim, trò chơi.
Bộ trưởng Hợp khẳng định, đóng góp của các kênh truyền hình trả tiền tương đối khá. Như Đài truyền hình Trung ương, Đài Truyền hình TP.HCM mỗi năm tổng doanh thu trên 1 ngàn tỷ đồng.
Chủ trương của Nhà nước là xã hội hóa phát thanh, truyền hình, chỉ trừ các chương trình thời sự và chính sự. Nhưng vẫn phải đảm bảo cho quy hoạch phát triển, đồng thời tổng biên tập và giám đốc các kênh phải giám sát nội dung.
Theo Bộ trưởng, sự vào cuộc của các DN đã khiến cho các kênh truyền hình khởi sắc, mỗi năm có doanh nghiệp sản xuất được hàng trăm tập phim, điều mà trước kia chưa từng làm được.
Các đài địa phương tuy vẫn còn hạn chế là khi chưa tự sản xuất được chương trình, thường khai thác phim truyện vào cùng một thời gian, nhưng theo Bộ trưởng, Nhà nước vẫn kiểm soát và quản lý tốt.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang triển khai thực hiện quy hoạch truyền dẫn phát sóng, phát thanh, truyền hình đã được Chính phủ phê duyệt trên phạm vi cả nước.
Về hạ tầng thông tin, Phó trưởng đoàn ĐBQH Thái Nguyên Đỗ Mạnh Hùng cho rằng hiện đang có một sự lãng phí vì mỗi đơn vị lại có một trạm phát sóng riêng.
Ông Hùng dẫn câu chuyện Đài truyền hình Thái Nguyên được đầu tư một cột phát sóng riêng nhưng để tiết kiệm, họ muốn dùng chung với bưu điện tỉnh. Tuy nhiên, bưu điện lại tỏ ra không mấy mặn mà với việc dùng chung.
Nhận khuyết điểm về tình trạng lãng phí trong hạ tầng hiện nay nhưng Bộ trưởng Hợp cũng cho hay, "đây là lịch sử để lại". Giai đoạn đầu, hầu hết các DN viễn thông đều tự triển khai nên không có chuyện dùng chung. Đây không chỉ trách nhiệm của ngành viễn thông mà còn là trách nhiệm cả trong xét duyệt đầu tư và quy hoạch.
Trong phiên chất vấn, đã có 8 vị đại biểu nêu câu hỏi, bày tỏ sự quan tâm với vị tư lệnh ngành một bộ có tuổi đời trẻ, lại quản lý đa ngành.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Hợp khẳng định: "Do đặc thù các lĩnh vực Bộ quản lý đang vận động, không có điểm dừng và hội nhập sâu rộng với thế giới nên chúng tôi là những người luôn đuổi theo sự phát triển không ngừng của cuộc sống. Chúng tôi luôn cố gắng, làm hết trách nhiệm"./.
(Theo VietNamNet)