Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 4/11/2008 11:16'(GMT+7)

Tính chuyên nghiệp trong điện ảnh

Cảnh trong phim Rừng đen (đạo diễn Vương Đức)

Cảnh trong phim Rừng đen (đạo diễn Vương Đức)

Trước đây, trong thời kỳ chiến tranh và cả sau ngày đất nước thống nhất, việc sản xuất một bộ phim được tiến hành trong điều kiện hết sức khó khăn. Vậy mà với phương tiện máy móc, điều kiện vật chất thiếu thốn, chúng ta vẫn thấy những bộ phim được sản xuất bài bản, kỹ lưỡng trong từng khâu, từ kịch bản, tổ chức sản xuất, tới phát hành.

Có thể nói, trong thời kỳ này, tác phẩm điện ảnh thường được dàn dựng khá công phu và hậu kỳ (dựng phim, hòa âm) chau chuốt, cẩn thận, nhiều bộ phim gây được cảm xúc và nhận được sự tán thưởng của công chúng.

Ngược lại, lâu nay điều kiện sản xuất phim đã có nhiều thay đổi về phương tiện máy móc, vật chất, như dây truyền in tráng mầu nóng, phòng hòa âm được đầu tư hàng triệu USD theo chương trình chấn hưng điện ảnh của Chính phủ vào những năm 90 của thế kỷ 20, nhưng nhiều bộ phim được sản xuất một cách vội vã, thiếu tính chuyên nghiệp, âm thanh vẫn mô-nô, hình ảnh vẫn xước bụi, dàn dựng có rất nhiều "sạn" ấu trĩ, non nớt, không gây được cảm xúc, thiện cảm của người xem.

Phải nói rằng số phim xem được, có chất lượng tư tưởng - nghệ thuật cao là rất ít. Lý giải về vấn đề này, có ý kiến cho rằng: ở thời kỳ trước, các nhà làm phim tâm huyết với tác phẩm của mình, họ làm phim một cách say sưa, gắn bó máu thịt với tác phẩm, không tính toán lợi nhuận hơn hay thiệt, đặc biệt là ở tinh thần trách nhiệm và lòng tự trọng.

Họ rất e ngại bị "điều tiếng" khi làm ra một bộ phim vô hồn, vô cảm, bị dư luận, đồng nghiệp chỉ trích, hoặc chìm vào quên lãng.

Hơn nữa, vào dịp tổng kết nghệ thuật cuối năm, các tác phẩm bao giờ cũng được mang ra phân tích cái được, cái chưa được.


Cảnh trong phim Trái tim bé bỏng.

Còn ngày nay, trong cơ chế thị trường, mọi hoạt động điện ảnh hay sản xuất phim đều gắn với lợi ích kinh tế, phim sản xuất ra phải có lãi, không lãi thì hòa, nếu lỗ thì lỗ chút ít.

Còn lại những lợi ích về văn hóa - xã hội hay giáo dục - lịch sử thì ít người tính đến. Cũng chính vì lợi nhuận kinh tế, cho nên đa số các nhà sản xuất phim và một số nghệ sĩ chỉ hướng tới lớp khán giả trẻ, dễ tính, quan tâm điện ảnh như một phương tiện thông tin giải trí.

Họ không cần biết tác phẩm đó được làm như thế nào, miễn rằng họ vào rạp chỉ để "cười" hoặc để "vui". Dẫn đến sự xuất hiện của khuynh hướng làm phim bị nghiệp dư hóa, các nghệ sĩ thì tặc lưỡi, ôi dào phim thị trường ấy mà, săn bắt "nghệ thuật" làm gì cho mệt. Ai đó còn tâm huyết, muốn làm cho tác phẩm gắn bó với tên tuổi và lòng tự trọng của mình thì dễ bị chê cười, thậm chí bị chỉ trích trên các phương tiện thông tin đại chúng, chỉ vì phim của họ không có khán giả, không thu được tiền, cho dù họ có làm phim sạch sẽ, có trình độ nghệ thuật đến đâu. Ðến khi điều tra xã hội học nghệ thuật, người ta mới giật mình, chỉ có lớp khán giả 15, 16 tới 20 tuổi đến rạp là chính, họ được coi là lớp khán giả trẻ, điểm tựa của nền điện ảnh nước nhà. Số khán giả quan tâm các vấn đề xã hội, quan tâm nghệ thuật thì ngại đến rạp, ngại đến nơi công cộng đông người hoặc ở nhà xem truyền hình, vì không ai tiếp thị họ. Nếu có, họ cũng tặc lưỡi: Thể nào phim đó cũng sẽ chiếu trên truyền hình!?

Ðể đạt được tính chuyên nghiệp trong hoạt động điện ảnh, cần chú trọng tất cả các khâu: từ viết kịch bản, thẩm định, trình duyệt và sản xuất, phát hành và cả người xem. Việc Hội đồng duyệt kịch bản đã có nhiều đổi mới là điều đáng ghi nhận.

Trước đây, Hội đồng như là cơ cấu để đủ thành phần, cho nên có vị dù giữ chức vụ cao trong ngành nhưng chuyên môn chính lại là kế toán hay chủ nhiệm phim, thì việc đánh giá nội dung - nghệ thuật của tác phẩm rất khó tránh khỏi lệch lạc và chủ quan.

Hơn nữa, ngay cả những người làm nghề, không phải ai cũng có khả năng thẩm định và hình dung cụ thể một bộ phim trên giấy, để đưa ra quyết định kịch bản này nên hay không nên làm, hướng theo tiêu chí nào, hướng vào tầng lớp khán giả nào, rồi dự đoán khả năng có bao nhiêu người xem, bao nhiêu người quan tâm, đầu tư bao nhiêu tiền...

Vậy muốn chuyên nghiệp thì nên chăng, cần các nhà sản xuất có khả năng tiên lượng tất cả những tiêu chí trên để tự huy động vốn (có thể là vốn của doanh nghiệp tư nhân), nhất là khi Nhà nước tính tới các lợi ích văn hóa - xã hội - lịch sử trong việc thưởng thức tác phẩm điện ảnh của công chúng để đầu tư.

Nếu tư nhân đem lại lợi ích về quảng bá sản phẩm và đầu tư văn hóa thì được miễn trừ thuế như đóng góp cho từ thiện. Còn hội đồng, thì nên chăng chỉ giữ vai trò duyệt phim để duyệt những điều phạm luật hoặc có ý kiến về các bộ phim giá trị thẩm mỹ non kém, thậm chí bệnh hoạn...

Việc đầu tư sao cho đúng và đủ cũng là một vấn đề, thể hiện tính chuyên nghiệp hay không, vì đầu tư đúng và đủ sẽ giúp cho việc sản xuất không đi theo kiểu "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm".

Gần đây, một bộ phim lịch sử được dự định đưa vào sản xuất, hãng sản xuất đưa ra con số hai trăm tỷ đồng để thực hiện, dư luận lên tiếng, nhà đầu tư lúng túng.

Ðể xoa dịu dư luận, hãng sản xuất vội rút xuống chín mươi tỷ đồng, thậm chí tám mươi tỷ đồng cũng có thể làm được, thì có thể nói, đấy là một cách làm rất nghiệp dư.

Tôi có thể lấy việc sản xuất phim Titanic làm thí dụ. Trong lần nói chuyện ở Hội Ðiện ảnh Việt Nam, Ông G.Lan-đâu, Giám đốc sản xuất phim kể: ông đã huy động được 170 triệu USD để làm bộ phim, dư luận cũng cho rằng bộ phim quá tốn kém, quá mạo hiểm, nhưng trong quá trình khảo sát chuẩn bị, ông lại tính toán phải có 270 triệu USD mới thực hiện được dự án này. Ngay lập tức ông cho dừng sản xuất và thuyết phục các nhà đầu tư bỏ thêm 100 triệu USD. Và thực tế cho thấy, bộ phim Titanic đã thành công ngoài tưởng tượng của các nhà đầu tư.

Có nhiều người cho rằng, phim hay chưa chắc đã phải là phim được đầu tư lớn, thử hỏi trên thế giới có bao nhiêu phim hay đầu tư ít tiền.

Có lẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay, và hầu hết những bộ phim như vậy đều được làm với tiêu chí thể nghiệm nghệ thuật, có phong cách riêng, đặc biệt độc đáo mà chúng ta thường gọi là phim tác giả, lại rất khó làm, khó xem... Bởi vậy muốn làm phim chuyên nghiệp, không thể đầu tư theo kiểu "giật gấu vá vai", để rồi nhiều ý tưởng hay không thực hiện được, đạo diễn rơi vào tình trạng "lực bất tòng tâm". Phim làm ra thì "nửa dơi, nửa chuột", các số phận nhân vật và hình thức nghệ thuật không được đẩy đến cùng, bộ phim bị rơi vào quên lãng. Rất lãng phí.

Thiết nghĩ, để bảo đảm tính chuyên nghiệp cho một bộ phim, đạo diễn nên biết từ chối các dự án như vậy, đừng nên "cố đấm ăn xôi".

Trong quá trình sản xuất một tác phẩm điện ảnh, việc quay - thu âm thanh và hình ảnh là một vấn đề quan trọng, các nền điện ảnh lớn trên thế giới đã thực hiện công nghệ này từ những năm 50 của thế kỷ trước. Việc lồng tiếng phối ghép là một việc làm bất đắc dĩ, chỉ phải thực hiện khi những đoạn băng thu ở hiện trường gặp sự cố kỹ thuật.

Ðể có một cái nhìn chuyên nghiệp về âm thanh của phim, từ lâu người ta đã đánh giá và cho rằng, ấn tượng về chất lượng của phim nằm ở hiệu quả, giữa âm thanh và hình ảnh chiếm tỷ trọng 50/50. Các nền điện ảnh lớn luôn nghiên cứu để thay đổi hiệu quả từ âm thanh nổi, âm thanh vòng tròn...

Về nhạc phim, đã qua cái thời một cây đàn oóc-gan có thể thay thế cho tất cả các nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng, mà nhạc phim phải có tổng phổ nghiêm chỉnh, được thu từ diễn tấu của một dàn nhạc "sống" quy mô, dàn nhạc này như thế nào tùy thuộc vào yêu cầu của nội dung tác phẩm.

Nhưng để làm được điều trên, dự toán của tác phẩm sẽ tăng lên. Và đáng tiếc cho đến nay, để làm được điều trên vẫn là một mơ ước đối với nhiều đạo diễn. Ðáng tiếc hơn là các nhà đầu tư, cùng một số nhà quản lý lại không muốn hiểu đó là một yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng tác phẩm...

Một nền điện ảnh chuyên nghiệp không thể thiếu các trường quay, để tái hiện lại đời sống của các nhân vật lịch sử hay đương đại, không thể vay mượn bối cảnh đình chùa để mô tả cảnh đời sống cung đình, hay sinh hoạt của tầng lớp quan lại ngày xưa. Hoặc mượn cơ quan, trường học, nhà dân, để mô tả đời sống đương đại vì sinh hoạt đời thường không thể lẫn lộn với hoạt động nghệ thuật. Dù có ngụy biện đến đâu thì cũng phải thừa nhận đó là cách làm phim chắp vá, rất nghiệp dư.

Ðiện ảnh Trung Quốc đã có giai đoạn rơi vào tình trạng giống như điện ảnh Việt Nam khi thực hiện bộ phim Hoàng đế cuối cùng ở Tử Cấm Thành, vì việc tổ chức quay phim ảnh hưởng du lịch và bảo tồn di sản văn hóa quốc gia.

Ðể khắc phục cách làm không chuyên nghiệp, Trung Quốc cho xây dựng trường quay Hoành Ðiếm rộng hàng vạn ha, để dựng những bối cảnh thành quách nhà Tần, Nam Tống, Bắc Tống, hay những khu phố cổ, hoặc những bối cảnh đương đại. Trong trường quay này, họ có các khách sạn lớn phục vụ hàng chục đoàn làm phim. Nhờ các điều kiện như vậy mà Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Phùng Tiểu Cương, Ngô Ngũ Sâm... mới có thể cho ra đời những bộ phim tầm cỡ, mang tính chuyên nghiệp rất cao.

Thực tế cho thấy, điện ảnh Việt Nam hiện nay như đang đi vào "ngõ cụt", tôi nói điều này không hề chủ quan. Khi mà nhiều bộ phim nước ngoài được đầu tư hàng triệu USD đang tràn ngập hầu hết trong rạp chiếu phim; và truyền hình với những bộ phim dài tập, được làm với kinh phí thấp, thực hiện trong dăm ba ngày, đáp ứng khán giả theo dõi cốt truyện và thông tin về các mối quan hệ trên phim là chủ yếu, lại được truyền dẫn đến tận nhà, trong mọi thời gian có thể... thì điện ảnh phải sáng tạo tác phẩm trong thời gian hằng năm, khán giả muốn thưởng thức nghệ thuật điện ảnh phải đến rạp tiếp nhận tác phẩm với các tiêu chí hoàn toàn khác (như: nội dung này, chủ đề này, các nhà làm phim trình diễn, sắp đặt ra sao, hình ảnh, âm thanh, âm nhạc, ánh sáng thế nào, diễn viên biểu hiện nhân vật có hoàn hảo không...?).

Ðáng tiếc là các tiêu chí đó hầu như chưa được người xem chú ý và đánh giá đúng mức. Dần dà các nhà làm phim cũng buông dần các tiêu chí nghệ thuật, vì đơn thuần, họ chỉ kể câu chuyện bằng hình ảnh, rút cuộc điện ảnh chỉ tồn tại như một kênh thông tin, làm cho sáng tạo nghệ thuật trở thành sản phẩm hưởng thụ đôi khi xa xỉ. Do vậy, thành phần các bộ môn khác tham gia vào tác phẩm điện ảnh cũng bị cắt giảm theo. Nên mới có tình trạng một người có thể kiêm nhiệm nhiều chuyên môn khác nhau, bởi vì yêu cầu sản xuất ra tác phẩm như thế cũng chẳng đòi hỏi phải đông người làm gì. Kết cục tất yếu là cung cách làm phim của chúng ta ngày càng bị nghiệp dư hóa...

Phải làm gì để điện ảnh phát triển với một diện mạo mới, tư duy mới, và mang tính chuyên nghiệp? Có lẽ, đã đến lúc chúng ta phải thật sự có một cuộc chấn hưng điện ảnh, với quan niệm mới, được định hướng nghề nghiệp rõ ràng, quản lý chặt chẽ, đầu tư đúng người và đúng việc...

Hơn nữa, chúng ta cần phải có một đội ngũ nghệ sĩ điện ảnh cũng như nhà quản lý điện ảnh thật sự tâm huyết, trách nhiệm. Có thế chúng ta mới có thể hy vọng vào một nền điện ảnh chuyên nghiệp đích thực./.

Đạo diễn PHẠM LỘC

(Theo Nhân Dân điện tử)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất