Hiện tượng một số cán bộ tham lam, hành dân, “vòi tiền” của dân là mối nguy hại rất lớn đối với đất nước, phải ngăn chặn ngay, ngăn chặn kịp thời để củng cố ngày càng vững chắc niềm tin của nhân dân với Đảng và xây dựng đội ngũ cán bộ ngày càng trong sạch, liêm khiết.
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam một cán bộ địa chính xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Vị cán bộ này đã cố tình gây khó khăn cho người dân khi thực hiện các
thủ tục liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với
mục đích "vòi tiền".
Không chỉ ở xã Diễn Trường, thời gian qua, các phương tiện truyền
thông đăng tải nhiều thông tin về việc cán bộ ở một số ngành, địa phương
công tác trong những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu
cực như: Đất đai, xây dựng, kiểm lâm, y tế, giao thông... có thái độ làm
việc hời hợt, hành dân, hành doanh nghiệp để “kiếm chác” đã phải chịu
trách nhiệm trước pháp luật.
Khi cán bộ vi phạm, bị phát hiện và xử lý kỷ luật, một số người lại
đổ lỗi cho cơ chế vận hành của bộ máy nhà nước, do mặt trái của nền kinh
tế thị trường. Lật lại vấn đề, vẫn cơ chế vận hành ấy, vẫn trong điều
kiện chung của đất nước, tại sao vẫn có rất nhiều cán bộ từ Trung ương
tới cơ sở tâm huyết, gắn bó với công việc, ngày ngày thầm lặng công tác,
thực sự là công bộc của dân?
Nguyên nhân chính dẫn đến cán bộ vi phạm pháp luật, hành dân, "ăn tiền" của dân là do việc rèn luyện phẩm chất chính trị,
đạo đức cách mạng của những cán bộ này chưa thường xuyên; người đứng
đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương có cán bộ vi phạm chưa gương mẫu về
đạo đức, lối sống. Cùng với đó là cách ứng xử của một số người thiếu
dũng khí đã vô tình “tiếp tay”, đẩy cán bộ “xuống vực”. Ví như, khi làm
thủ tục hành chính, có người muốn nhanh, thôi thì “lót tay” cho được
việc; để đỡ phải xếp hàng, thôi thì “bôi trơn”, xong rồi thì không có ý
kiến, không phản ánh, sợ nói ra người ta cho rằng mình “qua cầu rút
ván”, “đưa hối lộ”; nhiều khi không có bằng chứng, người trong cuộc cũng
không dám nói ra sự thật... Bởi thế, mặc nhiên câu chuyện “lót tay”,
“bôi trơn” trở thành bí mật giữa hai người, nên cán bộ “ăn tiền” thành
quen, thành nghiện. Mà nghiện rồi thì khó chữa, khó cai.
Hiện tượng một số cán bộ tham lam, hành dân, “vòi tiền” của dân là
mối nguy hại rất lớn đối với đất nước, phải ngăn chặn ngay, ngăn chặn
kịp thời để củng cố ngày càng vững chắc niềm tin của nhân dân với Đảng
và xây dựng đội ngũ cán bộ ngày càng trong sạch, liêm khiết.
Điều đó đặt
ra cho đội ngũ cán bộ trong bộ máy nhà nước phải nghiêm khắc hơn với
bản thân mình, thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, không ngừng
nâng cao năng lực chuyên môn.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể
tăng cường hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối
sống đối với cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao vai trò, trách nhiệm
và tính gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Các cấp, các
ngành, các địa phương cần có hình thức khen thưởng xứng đáng đối với cán
bộ làm việc tốt, tận tụy và trong sạch; kịp thời nắm bắt và xử lý
nghiêm túc những cán bộ có hành vi không phù hợp với chuẩn mực đạo đức
công vụ...
Có như vậy mới khắc phục được những biểu hiện vi phạm pháp
luật, kỷ luật như đã nêu ở trên./.
MINH ĐĂNG (qdnd.vn)