Thứ Tư, 8/5/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Sáu, 17/2/2023 9:21'(GMT+7)

Sự “nhếch nhác” của tác phong

(Hình minh họa)

(Hình minh họa)

Tất nhiên, cần hiểu tác phong, thái độ đó được lặp đi lặp lại nhiều lần, đã trở thành hệ thống thì nhận định trên là xác đáng. Hơn ai hết, văn nghệ sĩ - một trong những bộ phận tinh hoa của xã hội - chắc chắn thấm thía hơn công chúng điều đó.

Khi nói về một bộ phận nhỏ văn nghệ sĩ, ai đó tỏ ý chưa thiện cảm vì sự luộm thuộm trong nếp sống, sinh hoạt, đầu tóc, mang mặc, nói năng của họ có phần khác lạ so với số đông. “Không có lửa làm sao có khói”. Thì đấy, đâu đó vẫn có số ít văn nghệ sĩ chưa thật sự chuẩn mực về phong cách, nếp sống, giao tiếp, ứng xử, có người đôi khi cũng hơi thái quá, cực đoan, cứ muốn để cái “tôi” của mình lớn hơn cái “ta” cộng đồng, tập thể.

Trong sáng tạo văn học - nghệ thuật, vẫn biết văn nghệ sĩ phải “độc hành với nội tâm” nên rất cần những giây phút thăng hoa, những khoảnh khắc hưng phấn đặc biệt mới có thể tinh lọc, cống hiến cho đời các tác phẩm có giá trị. Nhờ có văn nghệ sĩ sáng tạo ra những tác phẩm văn học - nghệ thuật chân chính, lành mạnh, con người mới trở nên “người” hơn, xã hội mới trở nên nhân văn hơn, đời sống tâm hồn của chúng ta mới trở nên tươi mát, trong trẻo hơn. Một tác phẩm văn học hay, một bức tranh đẹp, một vở diễn tốt, một bộ phim hấp dẫn, một nhạc phẩm lôi cuốn... có thể có sức lay động hàng triệu trái tim, hơn thế là cảm hóa lòng người nhanh hơn, mạnh hơn, sâu sắc hơn gấp nhiều lần một bài chính trị thuần túy thiên về hô hào, kêu gọi hay một bài nói chuyện thời cuộc “kêu như chuông” mà lại nhạt nhẽo, khô khan.

Hình như không ai cô đơn, đau đáu như văn nghệ sĩ trong những giờ phút sáng tác. Họ phải “nhập cuộc, nhập thân” với tất cả nỗi niềm, cung bậc xúc cảm và mang bao tâm trạng buồn vui, giận hờn, hỉ nộ ái ố... mới có thể tạo ra được đứa con tinh thần “để đời”. Thế nên, càng “vật vã” với cơn “đau đẻ” bao nhiêu, tác phẩm của họ càng có cơ hội trở nên lung linh, lóng lánh, chói lọi bấy nhiêu. Và do đó, sau rất nhiều lần phải “vắt kiệt sức” mình như vậy, tâm tính họ có khác người một chút, tác phong họ có xuềnh xoàng một chút, sinh hoạt đời thường của họ có tầm phào, bộn bề một chút, nói năng đanh đá một chút cũng dễ bề thông cảm. Hơn thế, văn nghệ sĩ nào đó dù khí chất có “sớm nắng chiều mưa” mà bản tính vẫn hồn hậu thì mấy ai dám chê trách. Nói thế để thấy, công chúng không phải không hiểu tâm lý đặc biệt, quá trình sáng tạo đặc biệt của văn nghệ sĩ đâu nhé!

Bản chất sáng tạo của văn nghệ sĩ là không có giới hạn. Nhưng công chúng, xã hội, cuộc đời lại rất cần một giới hạn cần thiết về tác phong, lối sống, ứng xử của văn nghệ sĩ, bởi đi quá giới hạn không phải lúc nào cũng hay, cũng tốt, cũng mang lại lợi ích cho số đông. Tác phong kỳ dị đến mức quái dị, nói năng bốc đồng đến mức bất chấp khuôn phép, chuẩn mực, phát ngôn thoải mái đến mức tùy tiện, nền nếp sinh hoạt luộm thuộm đến mức nhếch nhác... thì lại là một dấu hỏi “nhỏ mà không nhỏ” và rất cần được các văn nghệ sĩ tự tìm câu giải đáp cho mình một cách thấu đáo, thỏa đáng! 

Sứ mệnh cao cả và phụng sự lớn nhất của tuyệt đại văn nghệ sĩ là sáng tạo ra những tác phẩm văn học - nghệ thuật giàu giá trị chân-thiện-mỹ để góp phần không ngừng bổ khuyết, nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn con người ngày càng lành lặn, tốt đẹp hơn và xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ hơn. Vậy thì sao văn nghệ sĩ không chú ý tự mình bớt lại, giảm đi những gì chưa hay thuộc về tác phong, phong cách nhỉ? Làm như thế, văn nghệ sĩ ơi, chắc chắn tình yêu của công chúng, niềm tin của xã hội dành cho các anh, các chị sẽ nhiều thêm gấp bội đấy!./.

CHÍNH NGÔN (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất