Thành phố Hà Nội năm 2014 này mở cuộc vận động "Năm trật tự, văn minh đô thị", năm trước là "Năm kỷ cương hành chính 2013". Ở các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... cũng có những cuộc vận động như vậy trong những năm qua. Tuy nhiên, theo các tiêu đề, nội dung của các cuộc vận động đó không đề cập trực tiếp, cụ thể đến chuyện tình phường nghĩa phố.
Có tình làng nghĩa xóm nhưng có hay không tình phường nghĩa phố? Cứ theo các cụ ở quê xưa thì ở Hà Nội, ở thành thị thì "nhà nào biết nhà nấy", "đèn nhà ai, nhà ấy rạng". Thành phố Hà Nội năm 2014 này mở cuộc vận động "Năm trật tự, văn minh đô thị", năm trước là "Năm kỷ cương hành chính 2013". Ở các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... cũng có những cuộc vận động như vậy trong những năm qua. Tuy nhiên, theo các tiêu đề, nội dung của các cuộc vận động đó không đề cập trực tiếp, cụ thể đến chuyện tình phường nghĩa phố. Bởi chuyện này cụ thể quá lại vốn đã được bao gồm, bao hàm trong các nội dung đề ra. Bởi các cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, các khu dân cư, các quy ước văn hóa cũng chẳng thể đề cập hết. Hay khái niệm tình nghĩa này không có đậm nét trong cuộc sống đô thị?
Khác với ông bà mình trước đây, tôi lớn lên và sống, làm việc ở Hà Nội, tôi có hàng xóm láng giềng, có bạn học, bạn ở khu tập thể, khu phố, tôi có cảm nhận rõ ràng về tình phường nghĩa phố thật. Ở nông thôn, bà con lối xóm chung nhau không gian tự nhiên và xã hội, làm lụng kiếm sống và nương tựa nhau đời này nối tiếp đời khác là ngôi làng, cánh đồng, rặng tre, bờ giậu, giếng làng, ao làng, đình chùa làng..., lại có họ hàng máu mủ chẳng nội thì ngoại, chẳng gần thì xa làm sợi dây liên kết họ hàng-làng nước. Việc nhà, việc làng chẳng ai "ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân". Tình làng nghĩa xóm ở quê sâu xa, bền chặt là điều đã được khẳng định từ bao đời.
Ở thành thị chẳng thể bì được với chốn nhà quê. Nhưng sự gắn kết hàng xóm láng giềng và cả họ hàng đem từ quê ra Hà Nội là có thật, sự gắn kết trong làm ăn kiểu phường hội, làm chung, buôn chung, bán chung thành phố, phường như ở các khu phố buôn bán là có thật. Càng rất thật khi những chiến lũy chung sức dựng lên giữa đường phố, hầm hào liên thông giữa các dãy nhà phố này qua phố khác trong 60 ngày đêm khói lửa đánh giặc Pháp trở lại xâm lược năm 1946-1947. Rồi tiếp nối là liên kết những khu hầm tập thể và cá nhân khắp các phố phường, công viên để trú ẩn phòng không khi bom đạn tàn phá và hủy diệt từ máy bay Mỹ trong hai cuộc chiến tranh phá hoại... Thêm nữa là sự chia ngọt sẻ bùi khi cùng đi sơ tán, cùng xếp hàng tuần tự lấy nước sinh hoạt hay mua hàng phân phối bao cấp...
Thế rồi kinh tế thị trường, đô thị hóa, sự tập trung dân cư "cơ học" từ nhiều vùng, miền đất nước đã pha loãng, làm nhạt phai nhiều phần của tình phường nghĩa phố. Khu nhà tôi, góc phố nhà tôi vốn là một khu tập thể của những cán bộ, công nhân viên chức cùng một cơ quan, ai cũng biết ai, nhiều việc vui buồn chung lo, chung làm, chia sẻ. Ngoảnh đi ngoảnh lại bây giờ chẳng còn mấy láng giềng cũ. Thay vào đó là người tứ xứ, làm những việc gì, tại cơ sở nào chẳng ai biết ai. Bây giờ, đến bảo nhau chuyện giữ gìn vệ sinh, chung lo điện nước, an toàn trật tự... cũng khó. Đã thế lại thêm những người ở quê ra hay đâu đến đem hàng họ xen vào mọi ngóc ngách, vỉa hè để làm thành chợ cóc, chợ tạm. Rồi những người đến ở trọ dăm bữa, nửa tháng...
Biết đến nhau đâu mà tình với nghĩa? Không, cuộc sống không đơn giản buông trôi, tiêu cực. Chi bộ tổ dân phố với số đông là các cụ, các bác về hưu và các chi hội phụ nữ, cựu chiến binh, rồi các tổ nhóm khuyến học, chăm sóc thiếu nhi, từ thiện dần ra đời gắn bó những gia đình tứ xứ, nhiều cơ quan, nhiều việc làm khác nhau. Khu dân cư văn hóa dần hình thành.
Rồi một ngày, nhà tôi đi công việc cả, phải gửi chìa khóa cho hàng xóm, ghi giấy gài ở cửa báo cho con cháu về mà biết. Chuyện này dần bình thường chẳng khác gì gửi nhà cho hàng xóm thời chiến tranh trước đây. Ai bảo tình phường nghĩa phố không có, không còn, vấn đề là xây dựng, củng cố ra sao. Ai làm việc ấy nếu trước hết không phải là tổ chức Đảng cùng hệ thống chính trị ở cơ sở. Tổ chức mạnh, chính quyền tử tế là yếu tố quyết định cho cuộc sống kỷ cương, trật tự, yên lành cho tình phường nghĩa phố.
Về bản chất, đô thị là nơi tôn trọng, đề cao cuộc sống cá nhân. Xã hội đô thị vận động quanh những cột trụ luật pháp nhưng bản chất con người là xã hội, luôn cần đến nhau, dựa vào nhau nên nhu cầu cộng đồng luôn tồn tại. Không phải chỉ bởi dân mình có lối sống giàu tình cảm, cũng không phải chỉ khi khó khăn, thiếu thốn mới cần giúp đỡ mà ở các nước phương Tây phát triển nhu cầu ấy cũng vẫn tồn tại.
Luật pháp, quy định, quy chế là xương cốt, tình phường nghĩa phố là thịt da cho những khu dân cư đô thị có cuộc sống an toàn, bền chắc, ấm áp và tươi vui. Biết chăm lo xây dựng, tổ chức, cổ vũ và trao đổi kinh nghiệm, mọi góc phố, con đường, nhà chung cư nơi đô thị đều là những nơi con người thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, là những nơi đáng sống./.
Mạnh Hùng (QĐND)