Thứ Tư, 27/11/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 8/3/2011 13:45'(GMT+7)

Tinh thần của tuổi trẻ và tình người trong hoạn nạn

 

Đây là tâm sư, suy nghĩ của Thu Hà - Sinh viên Trường Đại học Ain Shams trong những ngày cùng Đại sứ quán Việt Nam giúp đỡ người lao động Việt Nam trong thời gian lưu trú tại Ai Cập chờ về nước:

Những ngày qua thật vất vả, nhưng những sinh viên chúng tôi ai cũng học được điều gì đó từ những người lao động chất phác và đôn hậu. Trong khó khăn, cực khổ nhưng họ vẫn đứng vững, đoàn kết và lạc quan yêu đời. Sinh viên trẻ xa nhà như chúng tôi cũng cần lắm những tinh thần đó.

Từ đêm 25/2, đoàn lao động Việt Nam đầu tiên từ Lybia đến sân bay quốc tế Cairo đã được Đại sứ quán Việt Nam đón tiếp. Và cũng từ ngày đầu tiên ấy cho đến thời điểm hiện tại chưa hôm nào vắng bóng sinh viên Việt Nam.

Nhanh nhẹn, nhiệt tình, biết ngôn ngữ địa phương (tiếng Arab), các sinh viên Việt Nam tại đây như: Đạt, Phong, Nam, Hà, Lê, Quân, Minh đã hết sức cố gắng để động viên người lao động về vật chất lẫn tinh thần trong thời gian trú lại Cairo trở về quê hương.

Có sinh viên rất khá về tiếng Arab như Phạm Phú Đạt đã trực tiếp xin phép các bộ phận an ninh sắp xếp khu vực tại sân bay cho người lao động Việt Nam ở lại một số ngày. Cũng chính Đạt và các sinh viên khác đã giúp đỡ Đại sứ quán làm việc với các phòng vé, kiểm tra thông tin chuyến bay và danh sách người lao động…

Mới có hơn 1 tuần nhưng mắt Đạt đã thâm quầng vì thiếu ngủ nhưng sự nhanh nhẹn thì vẫn không giảm đi. Đạt tâm sự: “Lao động mình khổ thật. Anh em sinh viên chẳng biết làm gì, chỉ biết làm sao giúp họ sớm được về đoàn tụ với gia đình là vui rồi”.

Các bạn khác mỗi người một việc cùng Đại sứ quán chăm lo cho người lao động về điều kiện ăn, ở. Thanh Lê cứ 2lần/ngày cùng ô tô của Đại sứ quán chạy khắp các siêu thị lo thức ăn cho mọi người.

Lê hạnh phúc, sung sướng khi không ai phải chịu đói lâu hơn nữa, để mọi người được thay đổi món ăn, có thịt có rau (xúc xích và dưa chuột) dù không thể đều đặn. Các anh, các chú vui vẻ làm Lê cũng vui theo. Lúc nào Lê cũng lo người lao động bị đói, rét.

Nam và Phong thì thay nhau 2-3 đêm liền ở lại cùng người lao động, vừa thuận lợi thông tin cho Đại sứ quán vừa để giúp người lao động khi có khó khăn vì họ ở khu vực an ninh không được tự tiện đi lại và bên ngoài cũng không được tiếp cận.

Nam và Phong nổi tiếng là hay kêu mệt và ngủ khỏe thế mả cả tuần nay tham gia “chiến dịch” không thấy kêu ca gì, gọi lúc nào là có mặt lúc đó. Họ cũng như Đạt và Lê, đều có tinh thần của tuổi trẻ, tình người trong hoạn nạn.

Bạn Nguyễn Viết Quân có mặt từ ngày 28/2 ở biên giới Salloum giữa Ai Cập và Lybia để hỗ trợ cho đoàn công tác của Đại sứ quán. Cùng chịu thời tiết khắc nghiệt của sa mạc (nhiệt độ trong ngày dao động từ 2-50C, đôi khi có mưa phùn) lo cho công dân Việt Nam tại đó; đưa họ vào khu vực an toàn tránh mưa rét, lo đồ ăn tạm thời, lên danh sách lao động, làm các thủ tục cần thiết để họ nhập cảnh, chuẩn bị phương tiện đưa họ về Cairo.

Tham gia “chiến dịch” này ai cũng mệt. Lúc lao vào hướng dẫn lao động điền giấy thông hành, rồi kiểm tra, rồi phát lại trước khi họ bay… Khi thì cùng ngồi trò chuyện với người lao động, trấn an tinh thần và động viên họ gắng sức vượt qua giai đoạn khó khăn này. Và còn nhiều những công việc không tên khác từ cái chào thân thiện, những nụ cười, những cuộc trò chuyện cùng với bộ phận bảo vệ, an ninh Ai Cập ở sân bay để họ thông cảm hoàn cảnh của lao động Việt Nam và tạo điều kiện giúp đỡ hết sức nếu có thể.

Từng ấy ngày cùng người lao động cũng là từng ấy ngày các bạn sinh viên thiếu ngủ, ăn uống thất thường, và luôn luôn trong tư thế chuẩn bị để đi làm “nhiệm vụ” bất cứ lúc nào. Thậm chí như bạn Đạt có những ngày không ngủ đêm, hoặc chỉ ngủ 3-4 tiếng. Chặng đường đến được với người lao động cũng chẳng dễ dàng, mỗi lần di chuyển từ Đại sứ quán đến sân bay và quay lại ai nấy cũng nhìn nhau cười ngán ngẩm vì đường xa mà tắc nghẽn thì kinh khủng càng gây mệt mỏi cho mọi người.

Tại thời điểm hiện tại khi số lao động di chuyển về biên giới Ai Cập và sân bay Cairo đã giảm nhiều và không dồn dập, áp lực về Đại sứ quán cũng giảm đi đôi chút nên sinh viên cũng được giãn đôi chút. Nhớ lại những những ngày đầu, ai nấy đều căng thẳng, lo lắng, ai cũng muốn giúp thật nhanh, làm thật nhiều nhưng điều kiện không cho phép.

Một trong những trở ngại cơ bản là sinh viên không có tư cách pháp nhân để ra vào các khu vực an ninh trong sân bay nếu không có đại diện của Đại sứ quán đi cùng. Nhưng ngược lại, phía Ai Cập cũng rất thiện chí giúp đỡ cộng đồng Việt Nam trong điều kiện có thể.

Nhóm sinh viên vẫn nhớ mãi lần đầu tiên đưa đồ ăn vào cho khoảng 200 lao động Việt Nam tại nhà ga một của sân bay. Người bảo vệ ở đó đã chạy theo hỏi thăm và định hô hào những người khác cùng ra giúp vận chuyển đồ và phân phát thức ăn.

Chỉ cần những quan tâm hay những cử chỉ nhỏ biểu hiện sự chia sẻ, tình yêu thương đồng loại như thế cũng khiến sinh viên cảm thấy yên tâm hơn và hiểu rằng lao động của mình ở đó sẽ ổn thỏa, sẽ không gặp khó khăn gì lớn ngay cả khi hai bên không hiểu nhau bằng ngôn ngữ.  

Tết 2011 ở Cairo hẳn sẽ là khoảng thời gian không thể quên được của tất cả các sinh viên Việt Nam ở đây. Dù không được hưởng một cái Tết Nguyên đán vui vẻ trọn vẹn như những năm trước vì những biến động chính trị ở Ai Cập, không có thời gian và điều kiện để những người xa quê ngồi lại với nhau tâm sự nhưng chẳng có sinh viên nào than thở rằng mình đã thật sai lầm khi không quyết định về Việt Nam ngay từ những ngày bạo loạn đầu tiên. Bởi họ đã được sống một mùa Tết nhiều ý nghĩa và trải nghiệm nhất.

Tất cả chúng tôi để hiểu rằng, bản thân mỗi người lao động đã cố gắng thế nào vượt qua đói rét và nỗi sợ hãi trong hành trình hàng chục ngày đến với sự sống. Chúng tôi đã chứng kiến cảnh người lao động vì đói khát lâu mà nhốn nháo thế nào khi thấy thức ăn. Và cũng thật xúc động vì vẫn còn rất nhiều người tự kìm cơn đói khát lại mà chia sẻ cho người khác với một câu nói nhẹ nhàng: “Tôi chưa đói, tôi sẽ ăn sau”.

Có lúc sinh viên ái ngại nhìn nhau băn khoăn không biết làm sao giúp người lao động chuyển từ tiền Lybia sang USD, lúc thì hân hoan vui sướng thở phào nhẹ nhõm khi thấy người lao động nối nhau vào làm thủ tục tại Hải quan sân bay Cairo trở về nhà.

Dõi theo những người lao động đến khi chắc chắn rằng mọi thủ tục đã xong xuôi, rằng họ sẽ có một chuyến đi bình an.

Những ngày vất vả đã qua, chúng tôi lại bắt đầu học kỳ mới với những phấn đấu mới của cuộc đời sinh viên./.

Theo Thu Hà (Sinh viên Đại học Ain Shams, Ai Cập)/VOV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất