Thứ Ba, 8/10/2024
Thể thao
Thứ Hai, 18/1/2010 21:27'(GMT+7)

Tinh thần máu lửa và những đòi hỏi về sự ổn định

1. Tháng 3 năm 2008, khi chính thức ngồi lên ghế HLV trưởng ĐTVN, một trong những yêu cầu lớn nhất mà ông Calisto đặt ra cho các cầu thủ chính là khát vọng vào trận. Theo phân tích của HLV người Bồ Đào Nha, cầu thủ Việt Nam nhìn chung có thể hình, thể lực thua kém đối phương. Cho nên, bên cạnh việc phải tìm ra một hệ thống thi đấu thông minh, việc “đốt cháy” khát vọng tinh thần là một trong những điều quan trọng nhất. Và ngay từ lúc ấy, người ta có thể cảm nhận được ĐTVN dưới thời HLV Calisto sẽ là một ĐT rất “máu lửa” về tinh thần.

Sự thật đúng như vậy, gần như trong bất cứ trận đấu nào, HLV Calisto cũng luôn đặc biệt chú trọng đến yếu tố tinh thần. Có lúc, ông phát cho mỗi cầu thủ một lá cờ tổ quốc, rồi dặn họ găm vào trong tất như một lời nhắc nhở: “Khi vào trận hãy hiểu rằng mình đang mang trong người sức mạnh của một đất nước, một dân tộc”. Lại có lúc ông Calisto kích thích tinh thần cầu thủ bằng cách tự đốt cháy bản thân mình. Chẳng hạn như trong phòng thay đồ ở trận bán kết lượt về AFF Cup 2008 giữa Việt Nam và Singapore, ông dường như đã “nổi điên” với một loạt những cụm từ nặng và những hành động nặng: Đá phăng những chai nước dưới chân, rồi mắng xa xả vào mặt các cầu thủ. Trong giờ nghỉ giữa hiệp trận U.23 Việt Nam và U.23 Đông Timor ở SEA Games vừa rồi, điều tương tự cũng xảy ra.

Image
Tiền vệ Minh Châu (trái) luôn thi đấu với tinh thần máu lửa

Tất cả chứng minh rất rõ một vấn đề: “bùng nổ tinh thần” là một nguyên tắc bất di bất dịch trong triết lý huấn luyện của HLV Calisto.

2. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, các cầu thủ có đốt cháy được tinh thần để đáp ứng cái triết lý của ông thầy hay không lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Trong buổi họp báo sau trận Việt Nam – Trung Quốc ngày hôm qua, HLV Calisto đã nói rất kỹ về vấn đề này. Theo ông có những lúc các cầu thủ Việt Nam chơi rất bùng nổ, để từ đó tạo ra một bộ mặt, một thế trận rất “bốc lửa”. Nhưng cũng có lúc chính những con người ấy lại thể hiện một lối chơi uể oải, khiến ông ở trên đường piste phải tức điên.

Mà sự bất ổn ấy không những được thể hiện qua từng giai đoạn, mà được thể hiện ngay trong từng khoảnh khắc của một trận đấu. Bằng chứng là, theo quan điểm của HLV Calisto, 45 phút đầu tiên của trận gặp Trung Quốc, các cầu thủ đã chơi rất nhạt và rất oải, nhưng trong 45 phút tiếp theo họ lại “bùng nổ” đúng như ông mong đợi.

Tới đây, có một vấn đề dễ dàng được cảm nhận: Trong gần 2 năm “nhiếp chính”, HLV Calisto thực sự đã tạo cho ĐTVN một chiến thuật, một lối chơi rất riêng. Thế nhưng một tinh thần riêng, được xây dựng trên cơ sở của những “bộ óc bùng nổ” thì lại lúc được lúc không.

Xét về lý thuyết, người ta không thể đòi hỏi một con người hay một nhóm người phải bùng nổ trong bất cứ một tình huống nào mà họ góp mặt. Điều mà người ta có thể đòi hỏi chỉ là một sự ổn định tinh thần trong một chuỗi thời gian nhất định. Và sự ổn định này chính là điều mà HLV Calisto đã và đang xây dựng cho ĐTVN.

3. Nhìn lại lịch sử bóng đá Việt Nam, ai cũng thấy ĐTQG của chúng ta nổi tiếng với ý chí, tinh thần sắt đá. Nhưng ai cũng thấy một chiều ngược lại: Có rất nhiều thời điểm chúng ta chuyển cực từ sự “sắt đá” thành một bộ mặt yếu ớt và nhợt nhạt.

Và vì vậy tính ổn định về tinh thần quả đúng là một đòi hỏi tất yếu của một ĐT, cũng như một nền bóng đá trong bối cảnh hiện tại./.

Theo Báo Bóng Đá

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất