(TCTG) - “Dù tiếp cận cố Tổng Bí thư Lê Duẩn ở góc độ nào, là một nhà cách mạng, một nhà tư tưởng, hay một nhân cách thì điểm nổi bật của đồng chí đều chói sáng một tầm văn hóa, một khí phách văn hóa, một tâm hồn văn hóa, một phong cách văn hóa…”
Nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh của cố Tổng bí thư Lê Duẩn (7/4/1907 – 7/4/2012), Hội đồng Lý luận Trung ương đã phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật và Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm khoa học “Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam”.
Tại buổi tọa đàm đã tập trung gần 40 bài tham luận của nhiều nhà nghiên cứu được viết rất công phu như: Tổng Bí thư Lê Duẩn với sự nghiệp xây dựng văn hoá Thủ đô Hà Nội, của tác giả Phạm Quang Nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội; Lê Duẩn - Một tấm gương mẫu mực về tư duy biện chứng, sáng tạo của cách mạng Việt Nam, của tác giả Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Lê Duẩn với việc xây dựng văn hoá mới và con người mới, của tác giả Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương; Quan điểm về văn hoá dân tộc và giá trị nhân cách Lê Duẩn, của tác giả Lê Hữu Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Trị... Tất cả đã khắc họa rõ nét chân dung và những đóng góp to lớn của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đối với văn hóa và con người Việt Nam; khắc họa rõ nét chân dung một con người thông tuệ văn hóa, biết trân trọng văn hóa; có những cống hiến to lớn đối với văn hóa bắt nguồn từ tình yêu thương con người sâu sắc.
Tạp chí Tuyên giáo lược trích một số ý kiến phát biểu tại hội thảo.
GS.Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc Việt Nam nhấn mạnh: Cách đây 105 năm trên đất Quảng Trị anh hùng đã sinh ra một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một nhà chiến lược thiên tài, một nhà văn hoá kiệt xuất, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là đồng chí Lê Duẩn - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, một con người hội đủ phẩm chất của một lãnh tụ cách mạng, một danh nhân văn hoá tiêu biểu… Nói tới Tổng Bí thư Lê Duẩn là nói tới sự tôn vinh truyền thống văn hóa dân tộc, nói tới tình thương và lẽ phải. Người là một nhà thực tiễn kết hợp với lý luận sắc bén đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, giải phóng dân tộc, đưa Việt Nam lên tầm cao mới.
|
Ông Trần Việt Phương, Chuyên gia cao cấp, Trợ lý của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn lại nhận định: Hiện nay, loài người đã có mấy trăm định nghĩa về văn hóa và không biết cơ man nào định nghĩa về con người. Tuy rằng, văn hóa với con người thực ra là một. Người ta còn tiếp tục định nghĩa về văn hóa và con người nữa. Nhưng có 1 cách hiểu văn hóa được rất đông đảo người đồng tình, đó là văn hóa là những gì tạo ra con người, ở trong con người là bản chất lành mạnh và tác phẩm đẹp đẽ của con người. Văn hóa nghĩa rộng như thế đã được nhiều nghị quyết đại hội toàn quốc của Đảng và nhiều nghị quyết Ban chấp hành nghị quyết Đảng ta nhắc đi nhắc lại làm cho văn hóa thấm vào và hiện ra trong kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở mọi cấp mọi ngành. Thâm nhập vào các cộng đồng người Việt Nam ta từ to đến nhỏ, cho đến từng gia đình, từng con người. Văn hóa nghĩa rộng như thế là tự do dân chủ, bình đẳng, công lý của con người, độc lập của dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, phát triển thịnh vượng của xã hội, hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa các dân tộc trên thế giới. Con người bảo vệ, tô điểm thích nghi và sống hài hòa với thiên nhiên. Hiểu theo nghĩa văn hóa rộng như vậy, đồng chí Lê Duẩn là một người được nuôi dưỡng và trưởng thành bằng văn hóa. Trở thành người lãnh đạo cao nhất trong 26 năm của Đảng ta và suốt một đời mình nhất quán là người của văn hóa, trở thành lãnh đạo và thực hành lãnh đạo bằng văn hóa. Là người góp phần rất quan trọng tạo nên văn hóa của đất nước, dân tộc Việt Nam, góp phần vào văn hóa của cả loài người. Với ý nghĩa như vậy, văn hóa với đồng chí là triết lý sống, quan điểm chính trị xã hội và là thái độ tình cảm, là phương pháp tiếp cận, là nhân cách của con người Lê Duẩn. Trong sự nghiệp ấy, Lê Duẩn đã có những đóng góp cực kì quan trọng xứng đáng lhọc trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Như ngôi sao sáng nhất trong chùm sao sáng ở quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm những người học trò gần gũi nhất.
Với nhà báo Hữu Thọ, ông bắt gặp và tiếp thu tư tưởng của đồng chí Lê Duẩn ở 3 khía cạnh. Khi còn làm việc ở báo Nhân Dân, nhà báo Hữu Thọ hay nghe một tư tưởng rất xuất sắc đó là tình thương và lẽ phải. Nhưng khi được tiếp cận, thì không chỉ có thế mà đầy đủ là lao động, tình thương và lẽ phải. Đó mới là chính xác tư tưởng của đồng chí Lê Duẩn. Ai cũng thấy như đồng chí phân tích: Có lao động thì mới có con người và có con người thì mới có văn hóa. Và làm cách mạng có 2 điều quan trọng nhất là tình cảm cách mạng sôi nổi, say sưa và có hiểu biết dồi dào về khoa học và cách mạng. Và con người yêu lao động, giàu tình thương là con người trọng lẽ phải nhận thức được chân lý. Vấn đề thứ 2 nhà báo Hữu Thọ tiếp thu là chúng ta đều nói vấn đề làm chủ tập thể, đây là tư tưởng hết sức quan trọng của đồng chí Lê Duẩn. Lịch sử hiện nay vẫn còn đang tranh cãi về quan điểm làm chủ tập thể. Nhưng nếu hiểu đầy đủ, thì đồng chí Lê Duẩn hết sức quan tâm đến cá nhân, khi nói làm chủ tập thể thì tưởng như đồng chí Lê Duẩn là người chỉ quan tâm đến cái chung. Đồng chí nói: “Đã là con người thì phải có cái riêng. Không thể có con người siêu hình, không thể phá vỡ đơn vị con người, không còn cái riêng của con người thì xã hội sẽ mất hết ý nghĩa”.
Thứ 3, khi làm văn học nghệ thuật, đồng chí Lê Duẩn có quan điểm riêng. Đồng chí nói: Nói đến nghệ thuật là phải nói đến quy luật, quy luật riêng của tình cảm. Và ông nêu rõ, “phải đảm bảo cho một phạm vi rộng lớn hơn cho sáng kiến cá nhân, cho những khuynh hướng cá nhân, đảm bảo phạm vi rộng lớn hơn cho tư tưởng và sự tưởng tượng cho hình thức và nội dung”.
Bế mạc buổi tọa đàm, GS. TS Phùng Hữu Phú nhận xét: Với tình cảm trân trọng, kính trọng về cố tổng Bí thư Lê Duẩn, buổi tọa đàm đã có nhiều ý kiến sâu sắc, thông suốt. Có nhiều tiếp cận mới, gợi mở mới. Tọa đàm tiếp thu 3 ý kiến chủ đạo: Thứ nhất, qua các bài tham luận, ý kiến phát biểu, chúng ta khẳng định dù tiếp cận cố Tổng Bí thư Lê Duẩn ở góc độ nào là một nhà cách mạng, một nhà tư tưởng, hay một nhân cách thì điểm nổi bật của đồng chí đều chói sáng một tầm văn hóa, một khí phách văn hóa, một tâm hồn văn hóa, một phong cách văn hóa. Đồng chí Lê Duẩn chính là người trưởng thành từ văn hóa, hành xử bằng văn hóa, phấn đấu vì văn hóa, vì con người. Đi đến tận cùng chiều sâu và tầm cao của văn hóa, thì toàn bộ cuộc đời, toàn bộ sự nghiệp vẻ vang của đồng chí Lê Duẩn đều thấm đẫm chất văn hóa, chất nhân văn. Chính vì vậy có thể nói đồng chí Lê Duẩn là ngôi sao sáng trên bầu trời văn hóa cách mạng Việt Nam. Là tấm gương văn hóa sáng và lớn mà chúng ta có quyền tự hào, học tập.
Thứ hai, sự nghiệp sáng tạo văn hóa của đồng chí Lê Duẩn cả về mặt lý luận và thực tiễn đều rất phong phú. Có nhiều điều do giới hạn của hoàn cảnh lịch sử, khó khăn về kinh tế, xã hội, cả hạn chế do trình độ, năng lực trong quá trình nghiên cứu của chúng ta còn có những điều chúng ta chưa hiểu hết, chưa đánh giá hết, chưa khám phá hết những giá trị về tư tưởng của đồng chí Lê Duẩn về văn hóa, tư tưởng. Vì vậy việc tiếp tục nghiên cứu tiếp tục khám phá về sự nghiệp của ông nói chung, nhất là về tư tưởng, về hoạt động thực tiễn của đồng chí Lê Duẩn về văn hóa, con người vẫn là một lĩnh vực rộng mở đòi hỏi những khám phám mới.
Cái thứ 3 là chúng ta tổ chức tọa đàm khoa học về Lê Duẩn và văn hóa con người Việt Nam vào thời điểm này không chỉ có ý nghĩa như một hoạt động tưởng niệm mà còn là hoạt động có ý nghĩa lý luận và ý nghĩa thực tiễn rất thiết thực./.
Tuấn Nghĩa (lược ghi)