Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Tổ Phú Thọ, kỹ sư Nguyễn Kim Tới từng trải qua nhiều cương vị ở Tập đoàn Sông Ðà. Dù ở vị trí nào, anh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Giờ đây, khi là Phó Tổng Giám đốc (TGÐ) Tập đoàn Sông Ðà, anh vẫn có mơ ước giản dị, đất nước mình sẽ có thêm nhiều kỹ sư giỏi, không chỉ biết thi công các công trình ngầm thủy điện mà còn có thể làm chủ nhiều công trình có kỹ thuật phức tạp hơn, phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
Ðêm đã khuya nhưng phòng làm việc của đồng chí Nguyễn Kim Tới, Phó TGÐ Tập đoàn Sông Ðà, Giám đốc Ban điều hành dự án thủy điện (BÐHDATÐ) Sơn La vẫn sáng đèn. Hỏi các anh em thợ trẻ đang lắp ráp các thiết bị của Tổ máy số 6 (Tổ máy phát điện cuối cùng của dự án Thủy điện Sơn La) thì được biết, phòng của "thủ trưởng" Tới luôn tắt điện muộn nhất. Ðể chứng minh những nhận định của cánh thợ trẻ Sông Ðà, thợ lắp máy Lilama, chúng tôi mạnh dạn bước vào phòng trò chuyện với anh.
Thoạt nhìn căn phòng làm việc của anh không rộng lắm, đồ vật nhiều nhất là các bản vẽ, tài liệu thi công, xây lắp của công trình thủy điện (TÐ) Sơn La. Ngoài ra là các loại sách về xây dựng, cầu đường... điều đặc biệt là bức ảnh Bác Hồ được anh treo ở vị trí trang trọng nhất phòng. Thấy lạ, tôi hỏi anh: Sao anh không treo thêm các bức ảnh về phong cảnh mà chỉ treo mỗi ảnh Bác? Anh Tới nói: Từ nhỏ đến giờ tôi luôn thích treo ảnh Người ở những nơi trang trọng. Tạm dừng việc xem lại hệ thống lắp ráp thiết bị Tổ máy số 6, chuẩn bị cho công tác hoàn thành nhà máy, người kỹ sư tủm tỉm cười và pha trà mời khách. Bằng một giọng nói nhỏ nhẹ nhưng ấm áp, anh bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời, sự nghiệp và lý do anh treo ảnh Bác trong phòng làm việc.
Anh Tới sinh năm 1959, ở xã Chân Mộng (Ðoan Hùng, Phú Thọ). Người trong làng cho rằng, cái tuổi Kỷ Hợi của anh là "làm chơi ăn thật", nhưng ít ai biết rằng tuổi thơ của anh đã gắn bó với bao gian khó. Sự gian khó đó chỉ có anh là người hiểu hơn ai hết. Cũng chính những điều đó đã phần nào hình thành nên tính cách giản dị nhưng đầy quyết đoán của anh. Nhấp tiếp ngụm trà đặc mà anh thường uống để chống lại cơn buồn ngủ đang kéo đến, anh kể tiếp cho chúng tôi nghe về quãng thời gian năm 1981 - 1982 của thế kỷ trước. Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Xây dựng, ngành công trình ngầm, anh từng mơ ước được làm việc ở vùng than Quảng Ninh. Ðó cũng là mơ ước chung của nhiều lớp sinh viên học ngành công trình ngầm. Tuy nhiên, trái với mong muốn, anh được phân công về công tác tại công trình thủy điện Hòa Bình và phụ trách mảng công trình ngầm. Khi đó, tâm trạng anh xuất hiện nhiều cung bậc cảm xúc như vinh dự, tự hào, ngạc nhiên vì được tham gia xây dựng công trình lớn nhất nước khi đó. Sự choáng ngợp, bất ngờ của những người trẻ tuổi cũng mau chóng qua đi để anh Tới sớm bắt tay vào công việc. Từ những lý thuyết xây dựng các công trình ngầm đến việc thực hành, vận dụng vào thực tế là cả một quá trình không hề đơn giản. Vẫn biết khó khăn là vậy, nhưng với bản lĩnh và nghị lực của người thanh niên đất Tổ, anh Tới đã khéo léo áp dụng những kiến thức được học trên ghế nhà trường vào trong thực tế sản xuất. Qua mỗi lần khó khăn, thất bại, anh và các đồng nghiệp đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích.
Năm 1995, với nhiệm vụ được giao là Giám đốc công ty Sông Ðà 10, anh phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, đoàn kết anh em công nhân vượt qua những khó khăn thử thách đưa công ty từ một doanh nghiệp chuyên xây dựng các công trình ngầm trở thành đơn vị sản xuất đa ngành nghề trong xây dựng công trình thủy điện, thủy lợi, giao thông... Ðiều đó đã giúp đơn vị không những phát triển ổn định; bảo đảm đủ công ăn việc làm cho toàn thể cán bộ, công nhân viên với mức lương từ 1,7 - 2 triệu đồng/tháng mà còn khẳng định uy tín của đơn vị trong ngành xây dựng.
Trải qua năm tháng, Công ty Sông Ðà 10 đã trở thành một công ty xây lắp chuyên ngành mạnh thi công các công trình ngầm, trực tiếp thi công và hoàn thành xuất sắc thi công xây lắp nhiều hạng mục công trình lớn, trọng điểm của Nhà nước như các nhà máy TÐ: Hòa Bình, Sông Hinh, Hàm Thuận - Ða Mi, IaLy; xây dựng dự án hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, đường Hồ Chí Minh... Ðồng nghiệp trong đơn vị luôn nhớ tới anh là một "cây" sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa dây chuyền sản xuất thi công gian máy, tuyến năng lượng thủy điện IaLy đã giảm bớt chi phí, tiết kiệm thời gian, vật tư nhiên liệu, ca xe máy. Những sáng kiến của anh không những giúp đơn vị bảo đảm chống lũ thắng lợi và phát điện TÐ IaLy đúng tiến độ mà còn làm lợi cho Nhà nước hàng tỷ đồng.
Còn nhớ khi Công ty CP Sông Ðà 10 do anh làm Giám đốc là lực lượng chính thi công công trình hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, anh đã mạnh dạn đảm nhận phần khắc phục sự cố tại gói thầu phía nam khi mà nhà thầu nước ngoài không thể triển khai. Với kinh nghiệm và ý chí của những người thợ công trình ngầm, công ty của anh đã hoàn thành công trình vượt tiến độ tới chín tháng; hỗ trợ cho đơn vị bạn hoàn thành gói thầu phía bắc, đưa hầm đường bộ qua đèo Hải Vân trở thành một biểu tượng về ý chí, nghị lực và trình độ của thợ xây dựng Việt Nam xứng tầm khu vực. Chính từ sáng kiến và tinh thần của anh đã giúp các đồng nghiệp khơi dậy lòng say mê công việc; tiếp thu những kỹ thuật, công nghệ tiên tiến; tinh thần vượt khó và ý thức tự học tập nâng cao trình độ về mọi mặt. Với những thành tích đã đạt được, tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty Sông Ðà 10 đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới.
Ðầu năm 2004, Tổng công ty Sông Ðà (nay là Tập đoàn Sông Ðà) được Nhà nước giao nhiệm vụ trực tiếp thi công, xây dựng công trình TÐ Sơn La. Ðây là công trình thủy điện có quy mô lớn nhất khu vực Ðông - Nam Á, độ phức tạp cao, áp dụng nhiều công nghệ mới trong thi công. Khi đó, kỹ sư Tới được điều chuyển về công tác tại đây với chức danh là Phó TGÐ - Giám đốc Ban điều hành dự án. Với kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với các công trình thủy điện lớn của đất nước, việc đầu tiên anh Tới làm là: Ðề ra kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tham gia thi công xây dựng công trình; xây dựng kế hoạch cụ thể về tiến độ thi công công trình; hoàn thành công tác chống lũ trong các năm và bảo đảm tình hình an ninh trật tự trên toàn công trường... Với mỗi kế hoạch, anh lại ban hành kèm theo nhiều giải pháp thực hiện sao cho phù hợp với từng đơn vị thi công. Tất cả những điều đó đã góp phần đẩy nhanh tiến độ khởi công và ngăn sông đợt I vào ngày 2-12-2005.
Không bằng lòng với kết quả ban đầu, với vai trò là "nhạc trưởng" trên công trường, anh đã tích cực phát động các phong trào, chiến dịch thi đua; ngăn sông đợt 2; hoàn thành 2,7 triệu m3 bê-tông đầm lăn RCC. Ðặc biệt sự kiện phát điện sớm Tổ máy số 1 trước hai năm đã làm lợi cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, một lần nữa khẳng định bản lĩnh của người thợ Sông Ðà được phát huy trên chính dòng sông mang tên đơn vị. Anh Tới tâm sự: Ðể thực hiện đúng kế hoạch lắp đặt, vận hành các tổ máy, tôi và các anh em trong đơn vị thường thức đến khuya để đọc hàng tập bản vẽ thi công, tài liệu mới của các thiết bị và giải quyết các công việc phát sinh. Những lúc như vậy, tôi cảm thấy mình gần gũi với anh em hơn, học hỏi ở anh em được nhiều điều hơn.
Nói về ý nghĩa của việc treo ảnh Bác trong phòng làm việc, anh Tới cho chúng tôi biết, quê hương anh đã từng nhiều lần vinh dự được đón Bác về thăm. Mỗi lần về thăm, Người không quên căn dặn Ðảng bộ và nhân dân Phú Thọ. Trong tất cả những lời căn dặn của Người, kỹ sư Tới luôn khắc ghi câu nói giản dị mà đầy ý nghĩa: Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước... Lời căn dặn của Người đã giúp anh khơi dậy lòng say mê trong mọi công việc. Giờ đây, dù đã trải qua nhiều vị trí công tác, nhưng ở vị trí nào anh Tới cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Đà Giang - Nhân Dân