(TCTG) -Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa lần nào đến Tây Nguyên và đồng bào Tây Nguyên chưa được đón Bác về thăm buôn làng của mình, nhưng với tình cảm thiêng liêng và sâu nặng, trong tâm trí mỗi người dân Tây Nguyên đều in đậm hình ảnh Bác Hồ. Với lòng kính yêu vô hạn dành cho Bác Hồ, đồng bào Tây Nguyên nguyện học tập và làm theo tấm gương của Bác, đoàn kết một lòng xây dựng Tây Nguyên mãi mãi xanh tươi, giàu đẹp.
Tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên đang được xây dựng. Tượng đài thể hiện tình cảm của Đảng, của Bác với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và cũng là tấm lòng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Đảng, đối với Bác. Tượng đài đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng đã từ rất lâu rồi, trong tâm trí mỗi người dân Tây Nguyên luôn luôn có hình ảnh Bác Hồ kính yêu, rất thân thuộc và gần gũi. Theo bà Pio, ở thôn Diom A- huyện Lạc Xuân- tỉnh Lâm Đồng, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên ai cũng yêu quý Bác Hồ. Bác Hồ cũng giống như ông bà, lúc nào bà Pio cũng yêu quí, tôn thờ. Gia đình nào ở Tây Nguyên cũng thờ Bác Hồ. Bà ghi nhớ nhất lời Bác dạy là: nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Học theo lối sống của Bác Hồ, con người phải thật thà, giản dị và yêu mến mọi người.
Nhờ có Bác Hồ, người Tây Nguyên mới có được cuộc sống tự do, cơm áo như ngày hôm nay. Đó là điều ông Ama H'Loan ở phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc năm nay 73 tuổi luôn luôn tâm niệm. Trong hai cuộc kháng chiến, ông hăng hái tham gia chiến đấu. Hòa bình nỗ lực góp sức xây dựng quê hương, vận động bà con đoàn kết, chống lại kẻ xấu. Ông Ama H'Loan nói rằng Bác Hồ là tấm gương sáng để suốt đời ông noi theo: Cần, kiệm, liêm chính, chí, công, vô tư. Đó là những đức tính Bác Hồ dạy không ai được quên. Tôi vẫn nói với gia đình là các con các cháu là học tập tấm gương đạo đức của Bác Hồ phải sống, lao động, học tập tích cực. Trong sinh hoạt, giao lưu bạn bè phải giữ tư cách của những người có văn hóa.
Ở nhiều buôn làng Tây Nguyên, cứ vào mỗi sáng thứ hai, bất kể ngày nắng cũng như ngày mưa, không ai bảo ai bà con lại tập trung ở nhà rông để chào cờ. Với đồng bào, đi chào cờ là để thể hiện lòng yêu Tổ quốc và sự kính yêu Bác Hồ. Sau mỗi buổi chào cờ mọi người có dịp trao đổi về những điều hay, lẽ phải, kinh nghiệm làm ăn. Cũng nhờ vậy, nhiều gia đình có của ăn, của để. Bà Hơ Duyên, trưởng đoàn nghệ nhân của huyện Đắk Pơ- tỉnh Gia Lai ghi nhớ nhất lời Bác Hồ dạy là phải đoàn kết, phải chăm lo lao động sản xuất để có cái ăn cái mặc, để đảm bảo cuộc sống sinh hoạt của người dân tộc trong bản làng. Ngoài sự đoàn kết gắn bó trong buôn làng, thì phải biết đoàn kết với các dân tộc anh em trong đất nước mình.
Với chị H'yon, ở xã Nhân Đạo, huyện Đăk Rlấp, tỉnh Đắk Nông, thể hiện lòng biết ơn với Bác Hồ chính là mỗi người phải trở thành tấm gương sáng cho con cháu noi theo: Lời dạy của Bác rất nhiều nhưng mình ghi nhớ nhất là phải sống yêu thương với nhau, cố gắng hy sinh lợi ích riêng tư để góp phần nhỏ phục vụ Tổ quốc. Dạy cho các con đến trường lớp thì nghe 5 điều Bác Hồ dạy, ra ngoài xã hội thì phải luôn luôn noi theo phẩm chất đạo đức Bác Hồ. Trong cuộc sống hàng ngày mình phải nêu gương cho con cái sau này sống có ích phục vụ Tổ quốc, phục vụ đất nước quê hương ngày càng giàu đẹp hơn- Chị H'yon bộc bạch.
Để giữ gìn văn hóa của dân tộc Êđê, nhiều năm qua, ông Y Thim Byă, ở buôn Ea Bông, xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc đã kiên trì sưu tầm gần một nghìn hiện vật về cuộc sống, truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Trong căn nhà dài truyền thống, ông trưng bày nhiều bộ sưu tập, trong đó có nhiều bộ chiêng quý, ghế kban... Theo ông Y Thim, những việc làm của ông là theo lời căn dặn của Bác. Bác Hồ luôn luôn quan tâm về văn hóa dân tộc. Tôi cố gắng làm theo vì văn hóa góp phần đoàn kết mọi người, giáo dục cộng đồng trong văn hóa truyền thống... Mục đích mình gìn giữ cồng chiêng, sử thi, điệu múa, lời ca là để động viên nhau trong lao động sản xuất, để yêu thương nhau, ca ngợi người tốt, việc tốt...- Ông Y Thim suy nghĩ như vậy.
Biết ơn Bác Hồ, thế hệ trẻ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên ngày nay ý thức rất rõ ràng về trách nhiệm của mình đối với việc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Mili, người dân tộc Ê-đê, hiện đang học ở trường Cao đẳng VHNT Đắc Lắc cho biết, em luôn cố gắng học tập tốt, ghi nhớ những điều Bác dạy, yêu thương mọi người, yêu thương quê hương, đất nước, bảo vệ môi trường, sống tiết kiệm và lành mạnh.
Trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku (Gia Lai) ngày 19-4-1946, Bác Hồ căn dặn đồng bào Tây Nguyên: “Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta”. Thấm nhuần lời dạy của Người, người Tây Nguyên luôn đoàn kết, kiên cường trong chiến đấu, giờ đây đoàn kết, gắn bó, giúp nhau trong lao động sản xuất, sinh hoạt. Tình cảm của đồng bào dâng lên Bác nhiều hơn nước bể, cây rừng. Bởi vì, dân mình, nước mình tự hào có Bác Hồ. Người sống mãi cùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, sống mãi cùng non song đất nước Việt Nam và bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Mai Hồng