Thứ Hai, 25/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Ba, 18/9/2012 22:35'(GMT+7)

Người con dân tộc Khmer làm theo lời Bác dạy

Tiến sĩ Trần Thanh Pôn.

Tiến sĩ Trần Thanh Pôn.

Khắc sâu lời dạy của Bác

Buổi trò chuyện với Tiến sĩ Trần Thanh Pôn tại nhà riêng của ông ở khu tập thể quân đội tại quận Phú Nhuận – TP Hồ Chí Minh, làm tôi cảm thấy thân quen trước sự giản dị, mộc mạc của một người trí thức dân tộc Khmer. Ông tâm sự: “Trong kháng chiến chông Pháp, phần lớn đồng bào Khmer có một cuộc sống cơ cực, nghèo nàn. Ngay từ những ngày đó, Đảng ta đã chú trọng đào tạo trí thức cho người dân tộc thiểu số, trong đó có người Khmer. Tôi là một trong những người gặp may mắn trong số đó”.

Năm 1947, cậu thiếu niên Chan Pôn được vào học trường học sinh kháng chiến Trần Văn Hộ ở rừng U Minh. Từ đó, ông có tên gọi theo họ tiếng việt là Thanh Pôn như bây giờ thay cho tên gọi theo tiếng Khmer. Sau Hiệp định Geneve, Thanh Pôn tập kết ra Bắc và được học ở Trường học sinh miền Nam tại Hà Đông (nay là quận Hà Đông, Hà Nội). Chính những năm tháng học tập ở đây, chàng trai Khmer đã vinh dự được gặp Bác Hồ 3 lần.

Khuôn mặt ông hiện rõ niềm vui sướng và tự hào khi nói về 3 lần gặp gỡ ấy, sự kiện đã làm thay đổi đời ông. Ông tâm sự, lần gặp đầu tiên gặp Bác Hồ khi Bác tới thăm trường. Hôm đó, các học viên xếp thành 3 hàng, ông là đứng ở hàng đầu tiên và mặc trên mình trang phục dân tộc Khmer. Bác đến, cả trường vui mừng chào đón. Ông nhớ lại: “Bác đến bên cạnh vỗ vai tôi và hỏi: Cháu là người dân tộc Khmer phải không? Cháu gắng học tốt để sau này về phục vụ đông bào nhé”.

Mang theo lời Bác dặn, Thanh Pôn xin học tiếp tại Trường sư phạm miền núi Trung ương. Ước mơ trở thành nhà giáo đã thành hiện thực, ông được dạy học ở Trường cao đẳng sư phạm Sơn Tây sau khi tốt nghiệp. Sau đó, ông được cử đi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô và trở về với học vị Tiến sỹ. Lúc bấy giờ, Thanh Pôn là Tiến sĩ người dân tộc trẻ tuổi nhất và là một trong những người đầu tiên từ miền Bắc trở về Nam sau ngày giải phóng.

Trong thời gian này, Đảng ta đang thực hiện chính sách nâng cao chất lượng giáo dục, ưu tiên cho học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số. Điều làm ông trăn trở nhất là làm sao để giúp con em dân tộc mình có thể tiếp cận với kiến thức dễ dàng hơn khi sách vở, tài liệu đều là sách đơn ngữ, không có tiếng Khmer. Khắc sâu lời dạy của Bác, ông tự hứa với mình phải làm điều gì đó để giúp các em. Tiến sĩ Thanh Pôn quyết định dành thời gian và công sức biên soạn bộ sách song ngữ Việt – Khmer đầu tiên cho các em.

Thời gian đầu, ông mò mẫm dịch từ ngôn ngữ Khmer sang tiếng Việt, sau đó chọn ra những từ vựng thông dụng cho học sinh hệ phổ thông. Ông dành nhiều thời gian về các vùng quê người Khmer sinh sống, gặp gỡ giáo viên, nhà sư Khmer để tìm hiểu thêm về các từ các từ ngữ thông dụng, những từ gốc Khmer, những từ Việt-Khmer...

Đến tháng 10-1979, 4 bộ sách song ngữ dùng cho học sinh Khmer phổ thông cấp 1 do ông biên tập đã hoàn thành. Đây là bộ sách đầu tiên song ngữ Việt – Khmer và được Bộ giáo dục hoan nghênh và khen thưởng. Sau này một số nhà biên soạn căn cứ trên bộ sách này, chỉnh lý, bổ sung cho hoàn thiện hơn.

Nhờ có bộ sách ấy, học sinh Khmer ở tất cả các phum sóc đồng bằng sông Cửu Long học được tiếng Việt dễ dàng hơn. Để giúp học sinh Khmer hiểu được văn hoá dân tộc mình, ông còn sưu tầm, biên soạn và cho xuất bản cuốn sách ca dao, tục ngữ, hò vè, phong tục tập quán người Khmer. Nhờ những bộ sách ấy mà học sinh Khmer và bạn đọc hiểu sâu thêm nền văn hoá dân gian dân gian Khmer Nam Bộ.

Việc làm xuất phát từ tấm lòng

Là người luôn đến với nhân dân vùng sâu vùng xa, Tiến sỹ Thanh Pôn hiểu rõ, các dân tộc thiểu số khác cũng có cuộc sống vất vả như dân tộc Chăm, S"Tiêng, Bana, Ê Đê. Các em học sinh còn thiếu nhiều điều kiện học hành. Sau những chuyến đi khảo, ông thường ghi chép cẩn thận những địa điểm và điều kiện ăn học của học sinh dân tộc. Trở về TP Hồ Chí Minh, ông thường vận động các doanh nghiệp, các cơ quan đoàn thể ở tài trợ, giúp đỡ.

Chính những việc làm nghĩa tình đó mà nhiều trường cho học sinh thiểu số ở vùng sâu, vùng xa như Bảy Núi - An Giang, Thạnh Trị - Bạc Liêu…đã có các phòng học mới, các em có thêm sách vở để học tập. Ngoài ra, ông cũng vận động xây dựng được nhiều nhà đại đoàn kết tặng các gia đình nghèo ở các tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng…

Ông tâm sự: “Thời của tôi, con em dân tộc ít được đi học, cán bộ dân tộc rất ít, tôi muốn con em mình đổi đời, đi lên nhờ con chữ”.

Không dừng lại ở công việc vận động, ông còn trực tiếp tham gia giảng dạy, giúp đỡ học sinh, sinh viên người dân tộc Khmer ở các trường cao đẳng, đại học trên TP Hồ Chí Minh. Ông giành nhiều thời gian lo việc giấy tờ, nhập học…cho sinh viên dân tộc mới cũng như sinh viên dân tộc gặp khó khăn. Ngày cuối tuần, sinh viên Khmer vẫn thường hay tập trung ở nhà ông để được hướng dẫn, giúp đỡ. Nhiều bạn bè của ông cũng thường lui tới nhà ông gặp gỡ và giúp đỡ các bạn sinh viên dân tộc.

Nhiều người được ông giúp đỡ đã trở thành những tấm gương ham học như: Thạc sỹ Danh Son, đang giảng dạy ở Trường cao đẳng Kiên Giang; kiến trúc sư Danh Lum, công tác ở Hội kiến trúc Khmer, bác sỹ Xa Rum, ở bệnh viện Kiên Giang, dược sỹ Lý Tài ở Sóc Trăng.…Họ bây giờ đều thành đạt và không quên sự giúp đỡ của Tiến sỹ Thanh Pôn trong những tháng ngày học tập ở TP Hồ Chí Minh.

Khi được hỏi về những việc làm tình nghĩa ấy, ông chỉ nói: “Công lao của tôi rất nhỏ bé. Nếu có cũng chỉ là công đi vận động thôi. Tôi làm vì bản thân muốn giúp đỡ đồng bào”.

Tuy đã bước vào tuổi bảy mươi, ở độ tuổi đáng ra đã nghỉ ngơi an nhàn với tuổi già nhưng ông Thanh Pôn Vẫn miệt mài giúp đỡ học sinh, sinh viên các dân tộc thiểu số. Công việc âm thầm, lặng lẽ ấy nhưng mang lại kết quả không nhỏ cho sự phát triển của dân tộc thiểu số Khmer. Với ông, những công việc đó là làm theo những lời dạy của Bác cách đây hơn nửa thế kỷ./.

(
Phan Thị Hằng/QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất