Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 28/6/2013 21:51'(GMT+7)

Tổng Bí thư: Lấy phiếu tín nhiệm là để cảnh tỉnh

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong 1 lần tiếp xúc cử tri (ảnh: tuoitre)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong 1 lần tiếp xúc cử tri (ảnh: tuoitre)

Chiều nay (28/6), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đại biểu Quốc hội khóa XIII và các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1 đã tiếp xúc cử tri quận Ba Đình báo cáo kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội.

Tại cuộc tiếp xúc, cử tri hoan nghênh những kết quả của kỳ họp thứ 5 với nhiều nội dung quan trọng như đánh giá về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế- xã hội; thông qua 9 dự án luật và 2 Nghị quyết. Nhiều cử tri cũng đánh giá cao việc Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Cử tri cũng kiến nghị nhiều vấn đề liên quan tới vấn đề tổ chức, quản lý đô thị; thực hiện dự án Luật Thủ đô; công tác giáo dục- đào tạo, y tế còn có những bất cập; việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm chưa tốt; đề nghị Quốc hội nâng cao vai trò giám sát với hoạt động của các cơ quan chính quyền kịp thời ngăn ngừa những yếu kém hoặc những quy định không phù hợp.

Phát biểu với cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao và cảm ơn, tiếp thu những ý kiến tâm huyết gửi tới Quốc hội, thể hiện tinh thần trách nhiệm của cử tri những vấn đề chung của đất nước và Thủ đô. Tổng Bí thư nêu rõ: kỳ họp thứ 5 vừa rồi tiếp tục thực hiện một bước nữa về dân chủ trong Quốc hội. Rất nhiều phiên làm việc đã được phát thanh và truyền hình trực tiếp công khai để cử tri và nhân dân theo dõi. Điều rất mừng là những nội dung của Quốc hội thảo luận cũng được nhiều người dân bàn bạc, toàn dân cùng bàn việc nước.

Trao đổi với cử tri về việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp vừa rồi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong đồng ý với nhiều ý kiến cho rằng kết quả bỏ phiếu phản ánh chân thực tình hình kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và các hoạt động tư pháp của đất nước: Đây là việc triển khai nội dung Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 11). Chúng ta sẽ vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.

Trước băn khoăn của cử tri về việc vì sao Quốc hội không tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm hay không tín nhiệm mà lại tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm ở 3 mức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giải thích: “Chúng ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, tức là lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Lấy phiếu tín nhiệm là thăm dò tín nhiệm, là một cách để xem một cán bộ làm việc đã được lòng dân chưa, được lòng cử tri chưa, được lòng đại biểu Quốc hội chưa. Và cũng không chỉ có Quốc hội mà các cơ quan Đảng cũng phải lấy phiếu tín nhiệm để kịp thời chấn chỉnh lại mình. Nếu thấy phiếu chưa được cao hoặc thấp quá là cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn trước. Còn nếu 2 năm liền lấy phiếu tín nhiệm anh đều không được quá bán, thì lúc bấy giờ mới làm quy trình để bỏ phiếu tín nhiệm hay bất tín nhiệm.”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhất trí với ý kiến của cử tri về việc cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng. Những kết quả trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng bước đầu tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của từng đảng viên, từng cán bộ.

Vừa qua, qua đợt phê bình và tự phê bình, theo Tổng Bí thư, có những kết quả tốt, cơ bản nhưng có những cái chưa được như mong muốn. Tổng Bí thư nói. “Vừa rồi, Bộ Chính trị quyết định kiểm tra đối với 31 tỉnh, thành phố về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và cho chủ trương biện pháp làm tiếp, thường xuyên hàng năm phải có sơ kết, phải làm, làm đi làm lại, như 'đánh răng rửa mặt hàng ngày'. Bác Hồ nói phê bình và tự phê bình, làm xong vấn đề này lại có vấn đề khác, lại phải chấn chỉnh. Chúng ta đặt xây dựng Đảng trong tổng thể bảo đảm đất nước phải ổn định, chính trị vững vàng, đối ngoại phát triển lên, quốc phòng an ninh phải vững".

Tổng Bí thư cũng trao đổi ý kiến với cử tri các nội dung như tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện, phường; việc sửa đổi Hiến pháp; việc tiếp thu và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri… Với việc cử tri nêu có những ý kiến khác nhau về cùng 1 vấn đề, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng đó là điều bình thường do cách nhìn nhận và nắm được thông tin khác nhau. Điều quan trọng là người lãnh đạo “cầm trịch” phải biết lắng nghe, chắt lọc để từ đó đưa ra quyết định chính xác nhất./. 

Theo VOV


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất