Thứ Năm, 28/11/2024
Văn hóa
Chủ Nhật, 28/2/2016 20:40'(GMT+7)

TP. Hà Nội: Mạnh tay xử lý các hành vi sai trái ở lễ hội

Vẫn còn hình ảnh chưa đẹp của các liền anh, liền chị hát Quan họ ngả nón xin tiền tại Lễ hội Cổ Loa 2016.

Vẫn còn hình ảnh chưa đẹp của các liền anh, liền chị hát Quan họ ngả nón xin tiền tại Lễ hội Cổ Loa 2016.

Theo ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao (VHTT) Hà Nội, để quản lý, tổ chức tốt lễ hội, ngoài vai trò của cơ quan quản lý văn hóa, cần sự vào cuộc phối hợp của các ngành, nhất là ý thức của người dân.

PV: Thưa ông, tại sao mùa lễ hội năm nay tại các nơi là “điểm nóng” những năm trước của Hà Nội lại diễn ra khá suôn sẻ?

Ông Nguyễn Khắc Lợi: Rút kinh nghiệm từ những mùa lễ hội trước, đặc biệt là tình trạng cướp hoa tre ở hội Gióng đền Sóc và nhiều bất cập khác như đổi tiền lẻ, đánh bạc trá hình… ngay từ đầu năm 2016, Sở VHTT đã triển khai kế hoạch phối hợp với các quận, huyện và ban tổ chức lễ hội để quản lý và tổ chức lễ hội một cách chu đáo, không để xảy ra sự cố phản cảm.

Chúng tôi xác định công tác kiểm tra, giám sát, quản lý, tổ chức lễ hội không chỉ mang tính thường xuyên, mà là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để kịp thời xử lý những vấn đề bức xúc mà dư luận nêu ra. Gần đây nhất, Thông báo số 22 của Văn phòng UBND TP Hà Nội về kết luận của Chủ tịch UBND TP tại Hội nghị đánh giá công tác phục vụ Tết và triển khai công tác sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 cũng đã đề nghị các cấp thực hiện nghiêm túc. Theo đó, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu chấm dứt việc thăm hỏi, liên hoan, chúc Tết trong giờ làm việc; không sử dụng xe công đi lễ chùa, việc riêng… Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các địa phương phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, tổ chức các lễ hội trên địa bàn, tổ chức thanh tra, kiểm tra các loại hình dịch vụ trong lễ hội; sắp xếp hàng quán, dịch vụ trông giữ xe, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, xử lý nghiêm tình trạng ép giá, bắt chẹt, chèo kéo khách du lịch, cờ bạc, trộm cắp…

PV: Chùa Hương là một trong những điểm lễ hội dài nhất (khoảng 3 tháng), công tác quản lý, tổ chức lễ hội hằng năm cũng được đánh giá khá nghiêm túc. Tuy nhiên, vẫn có nhiều vấn đề tái diễn như: Tình trạng chèo kéo khách, “cò” đò, hàng quán bày không đúng nơi quy định, treo đồ tươi sống… Vậy các cấp quản lý có biện pháp gì để giải duyết dứt điểm tình trạng này, thưa ông?

Ông Nguyễn Khắc Lợi:
Lễ hội chùa Hương có quy mô lớn, không gian rộng, thời gian dài, số lượng khách thập phương đến đông. Danh thắng này lại nằm trong khu vực dân cư sinh sống, nên các vấn đề nảy sinh không thể tránh khỏi, đây cũng là áp lực với ban tổ chức lễ hội cũng như các cấp quản lý. Trước mùa lễ hội, thành phố đã tổ chức đoàn kiểm tra để đôn đốc, hướng dẫn cụ thể từng lĩnh vực như giao thông, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường… Ban quản lý di tích cũng như chính quyền sở tại rất tích cực kêu gọi người dân hợp tác để tổ chức các lớp tập huấn về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, chở đò, chụp ảnh…Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, lễ hội chùa Hương đã hạn chế được tình trạng đeo bám khách; giảm thiểu việc đổi tiền lẻ tràn lan và công khai trước các điểm di tích…

Vẫn còn hình ảnh chưa đẹp của các liền anh, liền chị hát Quan họ ngả nón xin tiền tại Lễ hội Cổ Loa 2016.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, những bất cập ở lễ hội mới chỉ được giải quyết phần ngọn. Lễ hội chỉ diễn ra êm đẹp ở ngày khai mạc, khi không có mặt đoàn kiểm tra thì mới là lúc lễ hội “biến tướng”?

Ông Nguyễn Khắc Lợi:
Với các vấn đề trong hoạt động lễ hội, không phải một sớm một chiều mà chúng ta có thể giải quyết một cách triệt để. Nếu có sai phạm trong các hoạt động như: Bày hàng quán tràn lan, treo đồ ăn không phù hợp nơi di tích, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, cờ bạc trá hình, đổi tiền lẻ ngang nhiên… thì có thể mạnh tay xử lý. Còn với nhiều hoạt động khác vẫn phải trên tinh thần vận động, hướng dẫn để người dân hưởng ứng. Đây không chỉ là vấn đề của các cấp quản lý, tổ chức lễ hội mà cần sự vào cuộc của tất cả các ngành cũng như người dân.

PV: Để giám sát chặt chẽ hơn nữa công tác tổ chức lễ hội cũng như phát huy giá trị tốt đẹp của các lễ hội, Hà Nội đã triển khai cụ thể tới từng địa phương như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Khắc Lợi:
Trên cơ sở kế hoạch quản lý, tổ chức lễ hội tại các địa phương, UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố năm 2016, do Giám đốc Sở VHTT làm trưởng đoàn.

Đoàn kiểm tra có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra phát hiện, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước trong tổ chức lễ hội; các hành vi gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; dịch vụ đổi tiền lẻ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; hiện tượng ép giá, bắt chẹt khách du lịch; ăn xin, bói toán, mê tín dị đoan, trộm cắp, cờ bạc dưới mọi hình thức; công tác vệ sinh môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm; công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ tại lễ hội… Trong đó, yêu cầu quản lý chặt chẽ các loại hình dịch vụ, xử lý nghiêm các hành vi lưu hành những ấn phẩm văn hóa trái phép, tuyên truyền mê tín dị đoan và tổ chức các hoạt động trái pháp luật trong lễ hội. Đồng thời khắc phục tình trạng phô trương hình thức, lãng phí, tốn kém và thương mại hóa, đặt hòm công đức và đặt tiền lễ tùy tiện.

Đối với các lễ hội gây dư luận có tính bạo lực, cụ thể là lễ hội chọi trâu ở Phúc Thọ, ngày 27-1 vừa qua, Sở VHTT đã có văn bản gửi UBND huyện Phúc Thọ yêu cầu dừng tổ chức lễ hội này. Công văn nêu rõ, việc dừng tổ chức nhằm thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và Bộ VH,TT&DL, trong đó có yêu cầu các địa phương giảm tần suất, quy mô tổ chức lễ hội, không tổ chức các lễ hội có nội dung “kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác, bao gồm những hoạt động có thể hiện cảnh trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam”.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

(Nguồn: Báo QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất