Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 7/8/2013 10:27'(GMT+7)

TP. Hồ Chí Minh: Để sân khấu cải lương sáng đèn

NSƯT Quế Trân (trái) và nghệ sĩ Hoàng Quốc Thanh trong vở Bến nước Ngũ Bồ. (Ảnh: Đỗ Hành)

NSƯT Quế Trân (trái) và nghệ sĩ Hoàng Quốc Thanh trong vở Bến nước Ngũ Bồ. (Ảnh: Đỗ Hành)

Một thời vang bóng

Một nền nghệ thuật như vậy làm sao có thể không có khán giả. Vậy mà hôm nay chúng ta phải nói nhiều đến sự tồn tại của nó. Nhiều nghệ sĩ đã tìm tòi, sáng tạo để tạo dựng không gian mới, hình thức diễn tả mới qua các vở dựng của nhà hát Trần Hữu Trang, nhóm Thắp sáng niềm tin. Một số đạo diễn bỏ sức làm thử nghiệm như NSƯT Hoa Hạ đạo diễn Kim Vân Kiều với hơn 500 diễn viên, rồi đưa hình thức chiếu phim điện ảnh vào sân khấu. Nhà hát cải lương Hà Nội dựng vở cải lương Yêu là thoát tội sử dụng màn hình lớn với các cảnh quay ngoài trời… Đạo diễn Vũ Minh mạnh dạn đưa các thủ pháp kịch vào vở diễn cải lương rất ấn tượng. Tất cả những nỗ lực ấy tuy có mang lại một số kết quả thu hút được sự quan tâm của người xem nhưng vẫn chưa đủ sức gây được ấn tượng như thời “vang bóng” của cải lương với các tên tuổi lớn có sức lôi cuốn khán giả.

Một trong những yếu tố làm nên thành công của vở diễn chính là cái hay của kịch bản văn học. Thế hệ tác giả đầu tiên của sân khấu cải lương là những trí thức, có trình độ, có ngoại ngữ và nhất là cái nền văn hóa. Một trong các yếu tố hấp dẫn của vở diễn là cốt truyện hay, được cấu trúc chặt chẽ, có ý nghĩa, đối thoại vừa văn học vừa sân khấu, bài ca được sắp xếp chuẩn, có nghề.

Ngày nay, những tác giả cải lương như vậy không còn nữa. Một số đã ra đi, một số lực bất tòng tâm vì tuổi tác, một số gác bút không còn thi hứng. Chỉ còn lại số ít rất nhiệt tâm nhưng tư duy cũng đã có triệu chứng cằn cỗi. Do vậy mà rất hiếm kịch bản hay. Để ứng phó với sự khan hiếm kịch bản, người làm sân khấu phải dùng biện pháp chuyển thể kịch bản kịch nói sang kịch bản cải lương. Cách làm này đã giúp sân khấu cải lương tiếp tục tồn tại. Tuy nhiên, nếu chuyển thể không khéo sẽ rơi vào tình trạng kịch hóa cải lương. Người viết kịch bản cải lương hôm nay có thể nắm được những vấn đề “nóng” phản ánh mâu thuẫn xã hội nhưng lại không bắt nắm được những đặc trưng căn bản của kịch hát nên vở diễn không đáp ứng nổi những đòi hỏi ca diễn. Đa số kịch bản sáng tác gần đây rất thiếu cái “chất” cải lương, chất kịch hát vừa trữ tình lại vừa kịch tính.

Nỗ lực trẻ hóa

Sân khấu cải lương cần được trẻ hóa ở tất cả các khâu làm nên tác phẩm như đội ngũ sáng tác, đạo diễn, diễn viên và nhất là khán giả trẻ yêu thích cải lương. Điều mong muốn này cần được thực hiện từ ý thức trách nhiệm của nhà quản lý, các hội chuyên ngành. Hoạt động đầu tư của nhà nước cho sân khấu công lập ở TP không nhỏ. Bên cạnh đó, phương thức xã hội hóa sân khấu cũng tạo thêm sức mạnh. Do vậy đã có những tác phẩm thuộc loại đỉnh cao đến với công chúng.

Tuy nhiên phong trào rộ lên một khoảnh khắc rồi tắt lịm do nhiều nguyên nhân mà một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng tác phẩm là diễn viên không có điều kiện tốt để tập dượt. Thời gian tập bị rút ngắn do chạy sô, ghi hình, đóng phim, hát quán… TP. Hồ Chí Minh dành rạp Hưng Đạo cho cải lương, nhưng khi phá đi để xây dựng rạp mới thì trong thời gian chờ đợi, cải lương bị mất rất nhiều điều kiện để tập và diễn. Tác phẩm diễn là một công trình tổng hợp rất phức tạp được phối hợp với nhau một cách hài hòa mới có thể lôi cuốn khán giả. Không có rạp là không có các điều kiện tổng hợp ấy.

Việc đào tạo đội ngũ mới và trẻ cho sân khấu cải lương đang được thực hiện khá tốt với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tài danh, giàu kinh nghiệm ca diễn và có khả năng sư phạm, truyền nghề. Một thế hệ trẻ xuất phát từ các lớp đào tạo của nhà hát Trần Hữu Trang kết hợp với khoa sân khấu trường Văn hóa nghệ thuật thành phố là một ví dụ về định hướng đúng đắn cho cách làm cải lương với tầm nhìn xa.

Muốn sân khấu cải lương trở lại thời vàng son là điều viễn tưởng. Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ thực tế hiện nay, vẫn có thể đưa cải lương lên một tầm khả thi. Giải pháp để làm được điều đó là phải thay đổi, phải chấp nhận cái sẽ mất đi vì không còn phù hợp với con người và xã hội hiện nay, đồng thời cũng chấp nhận cái lạ, cái chưa quen. Với tư duy ấy chúng ta phải thay đổi nhiều, chẳng hạn trong lĩnh vực đầu tư không nên bình quân mà là đầu tư cho các dự án sáng tạo thực sự. Phải quyết tâm tạo được bộ mặt sân khấu TP. Hồ Chí Minh bằng cách nâng cấp ba nhà hát công lập là Hát Bội, Cải lương và Kịch nói. Sự nỗ lực toàn diện của các sân khấu sáng tác, biểu diễn, cơ sở hạ tầng và quản lý là cần thiết cho một hiệu quả mong muốn./.

NSƯT Trần Minh Ngọc (SGGP)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất