Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 2/8/2013 16:41'(GMT+7)

Vai trò của Nhà nước trong chấn hưng điện ảnh dân tộc



Trong quan niệm của đông đảo người xem ở Việt Nam hiện nay, phim truyện màn ảnh lớn và phim truyện truyền hình đều là phim, đều là điện ảnh. Tuy nhiên, khi nhắc tới nền điện ảnh của một nước nào đó, giới hoạt động điện ảnh thường chỉ tính đến phim chiếu trên màn ảnh lớn tại rạp. Cũng như vậy, các Liên hoan phim trên thế giới, các giải thưởng dành cho tác phẩm điện ảnh xuất sắc cũng chỉ hàm nghĩa những bộ phim chiếu trên màn ảnh lớn. Tuyệt nhiên không tính tới các phim nhiều tập của truyền hình. Tách bạch rành rọt như vậy để thấy với thực trạng hiện nay, nền điện ảnh của nước ta như đang trong "cơn bĩ cực". Vào những năm 80 của thế kỷ trước, trên cả nước có tới ba đến bốn hãng phim lớn như Hãng phim truyện Hà Nội, Hãng phim Sài Gòn giải phóng, Hãng phim Nguyễn Ðình Chiểu,... Số đầu phim xuất xưởng hằng năm có lúc lên gần 30 bộ. Nay các hãng phim trên đều đã chuyển thành đơn vị một thành viên, tự tính toán lấy để làm phim và... nuôi nhau! Hầu hết nghệ sĩ và nhân viên kỹ thuật trong biên chế nhà nước, có thâm niên và trình độ tay nghề đều không sống nổi bằng đồng lương, mà phải tự đi kiếm việc ở ngoài mà làm thêm. Số đầu phim được làm ra bằng vốn của Nhà nước lèo tèo mỗi năm từ ba đến bốn bộ. Và những bộ phim này vẫn được xem là sản phẩm để "giữ gìn bộ mặt" cho nền điện ảnh nước nhà trước đồng nghiệp, bè bạn trong khu vực, trên thế giới. Ấy vậy mà thi thoảng, đây đó vẫn bắt gặp giọng điệu mỉa mai, chế giễu những bộ phim được làm ra bởi đồng tiền tài trợ của Nhà nước. 

  Ðành rằng trong lĩnh vực văn hóa, vấn đề xã hội hóa là xu thế và yêu cầu tất yếu. Nhưng có một thực tế cũng cần tỉnh táo nhìn ra: trong vài chục bộ phim điện ảnh do tư nhân bỏ vốn rất khó chọn lấy vài ba bộ để chiếu cho bạn bè đồng nghiệp trong khu vực và thế giới như những tác phẩm "giữ gìn thể diện" cho nền điện ảnh dân tộc hôm nay. Những người Việt Nam làm phim ở nước ngoài trong mấy chục năm qua cũng đã đóng góp cho nền điện ảnh dân tộc những bộ phim có giá trị như Con thú tật nguyền, Thời xa vắng (đạo diễn Hồ Quang Minh), Mùi đu đủ xanh (đạo diễn Trần Anh Hùng), Mùa len trâu (đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh) và gần đây hơn là Thiên mệnh anh hùng (đạo diễn Victo Vũ)... Nhưng như báo giới đã đánh động, một số người trong số họ khi về làm phim tại Việt Nam, đã đánh mất giọng điệu và sự nghiêm cẩn trong nghề nghiệp, để nhanh chóng hội nhập dòng phim chỉ đặt một mục đích duy nhất là lợi nhuận!

  Ðến đây lại nảy sinh một câu hỏi: Vì sao Nhà nước cần tiếp tục có sự đầu tư kinh phí, sự quan tâm hơn nữa để vực dậy và nuôi sống nền điện ảnh nước nhà? Lý do đầu tiên mà ai cũng biết, giống như mọi hoạt động văn hóa nói chung. hoạt động điện ảnh ở nước ta phải góp phần định hướng văn hóa, tinh thần. Nghĩa là sản phẩm điện ảnh không chỉ thuần túy mang thuộc tính hàng hóa, mà còn bảo đảm chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ... Ðể đạt tới các mục đích ấy, không thể chỉ đặt lên "đôi vai" nhà sản xuất phim tư nhân; cũng không thể đòi hỏi sản phẩm điện ảnh của họ đạt tới những yêu cầu như vậy, vì dẫu thế nào thì kinh doanh vẫn là mục đích quan trọng của họ. Chính Nhà nước đã từng chi kinh phí ra để gột dựng một nền điện ảnh, tạo ra những sản phẩm đạt yêu cầu về tư tưởng - thẩm mỹ của xã hội. Và cũng cần khẳng định rằng, các sản phẩm điện ảnh giàu giá trị tư tưởng - thẩm mỹ ấy đã được làm ra bởi đội ngũ những người có trình độ tay nghề cao, lại không bị chi phối  bởi các phép tính lỗ lãi - xu hướng điện ảnh ấy sẽ giữ chuẩn mực và làm đối trọng với các sản phẩm điện ảnh thuần túy thương mại. Cũng xin nói thêm, tại hội thảo Nâng cao chất lượng sản xuất phim truyện truyền hình, trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế phim vào công nghệ truyền hình 2013 tại Hà Nội vào tháng 6 vừa qua, khi bàn về việc làm sao để phim truyện truyền hình có thể xuất khẩu được, các đạo biểu của Truyền hình Thái-lan, Malaysia, Indonesia, Singapore... đã nhấn mạnh đến vai trò đầu tư của nhà nước. Thí dụ: năm 2010, Chính phủ Malaysia đã đầu tư cho việc làm phim truyện truyền hình tới 1,6% GDP và tới năm 2020 dự định sẽ tăng tới 6,5% GDP của quốc gia này.

  Lý do thứ hai thường được xem là điều đương nhiên, cho nên còn ít người nhận ra. Ðó là chúng ta đã có một nền điện ảnh được đặt nền móng bởi những thước phim thời sự, phóng sự quay ngay tại nơi bom rơi đạn nổ; những bộ phim truyện phục vụ đắc lực việc động viên, cổ vũ đồng bào, chiến sĩ trong chiến đấu cũng như xây dựng trong hòa bình. Ai đó có coi sản phẩm phim ảnh thuở đó còn xơ cứng, giáo điều thì cũng xin đừng quên rằng, điện ảnh thuở lành mạnh, tôn vinh những giá trị tinh thần đạo đức, luôn luôn phấn đấu vươn lên đạt tới những chuẩn mực thẩm mỹ, nghề nghiệp cao. Các mặt mạnh này, ngay từ những năm tháng xa xưa, đã bắc nhịp cầu cho điện ảnh nước ta mở ra con đường đến với những nền điện ảnh tiến bộ trên thế giới. Về phương diện này, phim thương mại được sản xuất trong thời thị trường hiện nay thật sự là một bước lùi so với những gì mà điện ảnh chính thống đã đạt được. Bởi lẽ đó, điện ảnh được nhà nước cưu mang, nuôi dưỡng, nền điện ảnh do chính Nhà nước khai sinh và làm mọi việc tích cực nhất giúp cho điện ảnh dân tộc mau chóng hòa nhịp với các nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới.

  Mới đây, tại hai cuộc hội thảo diễn ra tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh về Ðề án chiến lược phát triển điện ảnh, ý kiến đóng góp khá tập trung khi bàn tới các giải pháp tổng thể để làm một cuộc "lột xác" cho nền điện ảnh dân tộc trước yêu cầu "số hóa" của điện ảnh toàn cầu. Ðó là phải nhanh chóng đổi mới, hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật của quá trình sản xuất tác phẩm điện ảnh, đồng thời phải mau chóng đào tạo thế hệ nghệ sĩ, kỹ thuật viên... qua đào tạo ở nước ngoài cả về nghệ thuật lẫn kỹ nghệ làm phim; học một cách cơ bản, dài ngày. Cả hai công việc này đòi hỏi một lượng vốn đầu tư rất lớn. Liệu một cá nhân hoặc một nhóm các nhà sản xuất phim ảnh nào có khả năng bỏ ra một lượng kinh phí như vậy không? Chờ đợi ở sự gom nhặt, tích tụ của họ ư? Nếu vậy, nền điện ảnh nước nhà sẽ phải "dậm chân tại chỗ" trong khoảng vài chục năm, trong khi nghệ thuật và công nghệ làm phim trên thế giới vẫn phát triển với tốc độ chóng mặt. Thành thử, chỉ có thể trông cậy ở vai trò của nhà nước. Tuy nhiên, có một vấn đề không thể bỏ qua, để Ðề án chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thật sự có tính khả thi cần có sự đầu tư đồng bộ. Bởi vì, tại hai cuộc hội thảo ở Hà nội và TP Hồ Chí Minh mới đây, vẫn thấy bóng dáng một số vị đại biểu, nguyên là lãnh đạo ngành điện ảnh, từng khá lớn tiếng kêu gọi phải đổi mới điện ảnh, hiện đại hóa điện ảnh với các động thái "thiết thực" như xây dựng công trình này, làm xưởng kia; hoặc rất chăm chỉ ra nước ngoài mua máy móc và trang thiết bị điện ảnh mà hầu như không ngó ngàng tới khâu đào tạo người sử dụng, kết quả là máy móc, trang thiết bị trùm bạt, hoen gỉ và thành đống sắt vụn. Thêm nữa, là sự vụ thất thoát khoảng 40 tỷ đồng tại Cục Ðiện ảnh. Ðã hai năm trôi qua kể từ ngày vụ thất thoát bị phanh phui. Vì sao đến tận giữa năm 2013 này vẫn chưa có lời đáp về số tiền thất thoát kia và ai sẽ phải là người chịu trách nhiệm về sự thất thoát đó? Nếu chưa được làm sáng tỏ, liệu có làm suy giảm nhiệt huyết và niềm tin lành mạnh của những người tâm huyết với sự nghiệp chấn hưng điện ảnh hay không? 

  Chấn hưng điện ảnh dân tộc là đòi hỏi tất yếu của sự phát triển. Ðiều đó phụ thuộc trước hết vào việc đào tạo những con người có ý thức nghiêm túc trong sáng tạo để làm ra tác phẩm nghệ thuật và đưa tác phẩm đó đến với công chúng. Tuy nhiên, trước khi đầu tư đào tạo, Nhà nước cần tổ chức tham vấn, khảo sát, tìm hiểu để tìm ra các địa chỉ đào tạo điện ảnh chuyên nghiệp, có uy tín quốc tế, phù hợp với kinh phí mà có hiệu quả, không đào tạo tràn lan, thiếu chọn lọc để rồi gây lãng phí, hoặc hiệu quả không cao. Cũng cần lưu ý tới vấn đề sau khi đào tạo, Nhà nước và những người tổ chức, lãnh đạo ngành điện ảnh cần tạo điều kiện để họ làm việc (nói cách khác là "tạo công ăn việc làm" qua các kế hoạch làm phim). Ðặc biệt, cần lưu ý tới hiện tượng có người "chân trong, chân ngoài", sao nhãng trách nhiệm với Nhà nước, chỉ dành tâm huyết phục vụ các hợp đồng sản xuất phim tư nhân, rồi dần dà xa rời, thậm chí thiếu trách nhiệm với Nhà nước - nơi đã đầu tư kinh phí để họ được đào tạo cơ bản.

  Con đường xã hội hóa sẽ là Nhà nước xuất vốn mua trang thiết bị để làm phim, xây dựng các phim trường, cho tư nhân làm phim thuê lại. Nhà nước xuất vốn cử người đi học làm phim ở nước ngoài và khi anh chị em thành đạt Nhà nước thu lại vốn qua các hợp đồng để sản xuất các bộ phim có chất lượng tư tưởng - nghệ thuật. Và vấn đề còn lại chính là tình yêu và nhận thức đúng đắn về vị trí và tầm quan trọng của ngành nghệ thuật điện ảnh trong đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội. Có được hai điều này, mỗi người làm điện ảnh sẽ có tầm nhìn xa về tương lai điện ảnh nước nhà...

 
TÔ HOÀNG/Theo Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất