Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 4/8/2013 21:59'(GMT+7)

Hai điểm đột phá ở huyện Mê Linh (Hà Nội)

Đền thờ Hai Bà Trưng tại huyện Mê Linh. Ảnh: Mạnh Hà

Đền thờ Hai Bà Trưng tại huyện Mê Linh. Ảnh: Mạnh Hà

Chăm lo "sức khỏe" di tích

Mê Linh có 179 di tích, trong đó 71 di tích đã được xếp hạng. Đất này còn có các di chỉ khảo cổ nổi tiếng như thành Dền (xã Tự Lập), thành Ống (xã Mê Linh). Qua nhiềuNhận thức rõ giá trị, ý nghĩa của di tích, một mặt huyện Mê Linh huy động mọi nguồn lực để tu bổ, chống xuống cấp di tích, mặt khác có chế độ cho người trông coi nhằm bảo vệ sự toàn vẹn của di tích. Ông Phan Văn Luật, Trưởng phòng VH-TT huyện Mê Linh cho biết: Ngoài ban quản lý, tất cả các xã có di tích đã được xếp hạng đều cử ra một người có kinh nghiệm, có uy tín, có tinh thần trách nhiệm cao trông coi di tích thường xuyên. Việc trông coi di tích khá vất vả, mất nhiều thời gian và đôi khi nguy hiểm nên từ năm 2011 đến nay, Mê Linh dành một phần kinh phí hỗ trợ 450.000 đồng/tháng cho người trông coi di tích. "Mức hỗ trợ tuy chưa tương xứng với công sức mà họ bỏ ra nhưng là sự động viên kịp thời, giúp người trông coi di tích tâm huyết hơn với công việc. Bằng cách này, huyện Mê Linh nắm bắt rõ tình trạng của di tích, từ đó có biện pháp bảo tồn và phát huy phù hợp" - Ông Phan Văn Luật khẳng định.

Mê Linh là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước lập đề án "Quy hoạch bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa - cách mạng giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030". Theo đó, hệ thống di tích trên địa bàn từng bước được cắm lại mốc giới, xây dựng tường bao bảo vệ, gắn biển và lập bảng giới thiệu khái quát về di tích. Những di tích đã xếp hạng, có giá trị nổi bật được ưu tiên tu bổ; di tích chưa xếp hạng tiếp tục được lập hồ sơ để đưa vào quản lý. Từ năm 2008 đến nay, huyện thu hút được hơn 100 tỷ đồng xã hội hóa (hơn 70% tổng kinh phí đầu tư trong giai đoạn này). Chùa Xa Mạc (xã Liên Mạc), đình Yên Bài (xã Tự Lập), đình Yên Giáp (xã Tiến Bộ)… là những di tích được phân bổ phần lớn nguồn xã hội hóa để tu bổ.

Điều chỉnh quy ước làng xã

Sau lần điều chỉnh địa giới hành chính, cộng với sự thay đổi của thời cuộc, hệ thống quy ước, hương ước làng xã ở Mê Linh xây dựng từ nhiều năm trước đến nay không còn phù hợp, cần phải điều chỉnh. Theo ông Phan Văn Luật, việc xây dựng quy ước mới được tiến hành công phu. 100% số thôn, tổ dân phố thành lập tổ biên soạn gồm đại diện các ban, ngành, đoàn thể, bậc cao niên, lão thành cách mạng, những người hiểu biết, có uy tín với cộng đồng. Sau khi hoàn thành đề cương, các thôn, tổ dân phố nhiều lần lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, dân đồng thuận thì mới thông qua. Đến thời điểm này, hơn 50% số thôn, làng, tổ dân phố ở Mê Linh đã hoàn thành dự thảo quy ước xây dựng nếp sống mới, hầu hết mang tính kế thừa giá trị văn hóa tốt đẹp của người Việt vùng Đồng bằng Bắc bộ được quy định trong hương ước cũ nhưng có sự điều chỉnh cho phù hợp với các quy định hiện hành. Chẳng hạn, mục 2, chương 4 của dự thảo quy ước thôn Phú Mỹ (xã Tự Lập) có quy định rõ: Việc cưới phải được tổ chức theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, không tảo hôn, không được tổ chức cưới khi chưa đăng ký kết hôn. Trong tiệc cưới, chỉ mời cơm trong gia đình thân tộc, bạn bè và đồng nghiệp, phù hợp với điều kiện của từng gia đình; không bày thuốc lá, không mở nhạc trước 6h và sau 22h. Điều 7, dự thảo quy ước thôn Kim Tiền (xã Kim Hoa) yêu cầu các gia đình có người quá cố không tổ chức mời khách ăn uống, không để thi hài trong nhà quá 48 giờ (người mắc bệnh, không quá 24 giờ), chôn cất người quá cố theo sự sắp xếp của ban quản lý nghĩa trang hoặc chính quyền, hành tang vào buổi sáng, khuyến khích hỏa táng…

Dự kiến, 92/92 thôn, làng tổ dân phố ở Mê Linh sẽ hoàn thiện quy ước xây dựng làng văn hóa trong tháng 8. Qua đó, có thể thấy sau 5 năm về với Hà Nội, huyện Mê Linh đã có những đổi thay tích cực trong công tác quản lý văn hóa./.

Minh Ngọc (HNM)




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất