Nhân kỷ niệm 25 năm ngày
mất của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh cùng con trai,
Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức liên hoan các tác phẩm sân khấu
của ông (từ ngày 9 đến 15-9) tại Hà Nội.
Giá trị vượt thời gian
Một phần tư thế kỷ đã trôi qua
nhưng trong đời sống sân khấu, khoảng trống mà sự ra đi của ông để lại
vẫn chưa thể lấp đầy. NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu
Việt Nam, tâm sự: “Sân khấu kịch nước ta ngoài Lưu Quang Vũ còn có những
cây viết khác cũng có số lượng tác phẩm được dàn dựng khá nhiều như Tất Đạt, Xuân Trình…
nhưng chúng tôi lựa chọn kịch Lưu Quang Vũ vì tính thời đại trong các
tác phẩm của ông. Tức là những vấn đề Lưu Quang Vũ đề cập trong tác phẩm
không chỉ gắn với tính thời sự của đời sống xã hội thời điểm ấy mà còn
có một đời sống lâu dài”.
Chia sẻ về liên hoan đặc biệt này,
NSND Hoàng Dũng, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, cho rằng có thể một số
người lo ngại dựng những vở kịch đã được viết ra cách đây 25 năm liệu có
cũ? Song kịch bản của Lưu Quang Vũ không hề cũ. Thậm chí, những gì ông
viết còn đúng hơn rất nhiều so với thời điểm cách đây vài chục năm. “Khi
viết những kịch bản của mình, anh Vũ hội tụ được tất cả những gì thuận
lợi nhất về khán giả, thời điểm xã hội, đời sống sân khấu. Còn bây giờ,
rất nhiều thứ như vậy đang mất dần đi. Điển hình là bản thân nhiều tác
giả kịch bản vẫn còn chút loay hoay trước câu hỏi: Khán giả đang thật sự
quan tâm tới cái gì?”, NSND Hoàng Dũng nhấn mạnh.
25 năm sau khi mất, chúng ta đã có
đủ một độ lùi thời gian cần thiết để nhìn nhận lại những đóng góp của
Lưu Quang Vũ. Rõ ràng, những vấn đề mà ông đặt ra trong các tác phẩm của
mình như nhân tính, lòng trung thực, tình người, các giá trị đạo đức…
không bao giờ cũ. Minh chứng là ở thời điểm này, nhiều nhà hát vẫn dựng
lại các vở kịch của ông và các tác phẩm vẫn khiến người xem hôm nay rung
động và trăn trở với những vấn đề ông đặt ra. Về điều đó thì chưa một
tác giả nào vượt qua được Lưu Quang Vũ cả về số lượng và chất lượng tác
phẩm.
Khơi dậy sức sống sân khấu kịch
NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội
Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, cho biết hiện nay có 9 nhà hát trên khắp cả
nước đã gửi kế hoạch bằng văn bản đến hội để đăng ký tham dự sự kiện
này. Cụ thể, Nhà hát Kịch Quân đội đăng ký dựng vở Điều không thể mất, Nhà hát Chèo Hà Nội đăng ký vở Nàng Sita, Nhà hát Kịch Việt Nam đăng ký vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Nhà hát Tuồng Đào Tấn đăng ký vở Ông vua hóa hổ, Nhà hát ca kịch Huế cũng dựng vở Điều không thể mất, Nhà hát Tuổi Trẻ tham dự 2 vở, Hồn Trương Ba, da hàng thịt của đoàn kịch hình thể do NSND Lan Hương dàn dựng và vở Mùa hạ cuối cùng do NSƯT Chí Trung đạo diễn…
Theo thông báo của Hội Nghệ sĩ sân
khấu Việt Nam, với các nhà hát ngoài công lập, kinh phí để đi lại ăn ở
trong những ngày tham gia liên hoan các tác phẩm sân khấu của Lưu Quang
Vũ, nếu có khó khăn, hội sẽ hỗ trợ một phần. Ngoài ra, trong thời gian
diễn ra liên hoan sẽ có một cuộc hội thảo khoa học được tổ chức với chủ
đề Kịch Lưu Quang Vũ với sự phát triển sân khấu Việt Nam. Nhìn vào danh
sách đăng ký kịch mục tham dự liên hoan có thể thấy các loại hình khá
phong phú từ kịch nói, tuồng, chèo, cải lương, kịch hình thể… và khán
giả sẽ có nhiều lựa chọn cho mình.
NSƯT Lê Chức tâm sự, ở thời điểm
này, tình hình sân khấu nói chung vẫn đang hết sức khó khăn, trong khi
các loại hình nghệ thuật khác đang cố gắng hướng tới chuyên nghiệp, hiện
đại hơn để bắt kịp nhu cầu giải trí của khán giả thì sân khấu hầu như
vẫn giậm chân tại chỗ. Hy vọng liên hoan này sẽ có sức thu hút một lượng
khán giả trẻ từng nghe đến “hiện tượng kịch Lưu Quang Vũ” nhưng chưa có
cơ hội được xem. Bên cạnh đó còn có một lớp khán giả có tuổi từng yêu
thích kịch Lưu Quang Vũ sẽ đến xem để sống lại những kỷ niệm một thời.
MAI AN/SGGP