Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 6/8/2013 14:14'(GMT+7)

Hà Nội: Nâng cao tri thức để xóa nghèo

Đông đảo độc giả đến đọc sách tại Thư viện thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín. Ảnh: Bá Hoạt

Đông đảo độc giả đến đọc sách tại Thư viện thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín. Ảnh: Bá Hoạt

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Hè này, ghé qua một số thư viện cơ sở trên địa bàn Thủ đô, có vẻ như số lượng bạn đọc giảm so với những năm trước. Thư viện cấp huyện, ngày nhiều thì đón vài chục lượt bạn đọc, ngày ít chỉ vài người. Thư viện, tủ sách cấp xã thì nơi mở hằng ngày, nơi không. Thống kê của Thư viện Hà Nội cho thấy, năm 2012, mạng lưới thư viện quận, huyện, thị xã cấp mới 3.491 thẻ cho bạn đọc, tổng số lượt bạn đọc là 163.363, giảm so với năm 2011. Gần 7 tháng qua, số lượng bạn đọc đến mạng lưới thư viện cơ sở hầu như không tăng.
Theo Giám đốc Thư viện Hà Nội Trần Văn Hội, ngoài những nguyên nhân khách quan, thư viện cơ sở chưa thực sự hấp dẫn bạn đọc còn do điều kiện cơ sở vật chất chưa bảo đảm, kinh phí đầu tư thấp, cán bộ ít hoặc kiêm nhiệm, thiếu chuyên môn… Thực tế chứng minh, thư viện nào được quan tâm đầu tư thì thư viện đó thu hút nhiều bạn đọc và ngược lại. Các thư viện quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ… có mức đầu tư 200-450 triệu đồng/năm, thu hút hàng vạn lượt bạn đọc. Thư viện huyện Thạch Thất, Thanh Trì, Ứng Hòa… được cấp vài chục triệu đồng để hoạt động, chỉ có vài nghìn lượt bạn đọc mỗi năm. Một số thư viện cấp huyện hiện nay vẫn phải sử dụng chung trụ sở, diện tích nhỏ hẹp (thư viện huyện Hoài Đức vỏn vẹn 20m2, Thanh Oai 40m2, Phú Xuyên 50m2, Đan Phượng 60m2…) khiến việc sắp xếp, bảo quản tài liệu, tổ chức phục vụ bạn đọc bị ảnh hưởng. "Về việc bổ sung tài liệu ở hầu hết các thư viện cấp huyện, cách làm hiện nay mới là quan tâm đến số lượng bản sách, chưa xây dựng được cơ cấu sách phù hợp với đặc điểm và điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tài liệu về nông nghiệp chưa được chú trọng ở các huyện thuần nông, một số huyện có ngành tiểu thủ công nghiệp phát triển nhưng chưa được quan tâm bổ sung tài liệu về mảng này. Đến nay, toàn thành phố mới có thư viện quận Hoàn Kiếm, Hà Đông và huyện Mê Linh xây dựng được kho sách luân chuyển và thực hiện luân chuyển về các thư viện, tủ sách xã, phường, thị trấn" - Bà Vương Thị Lý, Trưởng phòng Phong trào (Thư viện Hà Nội) nhận xét.

Cũng theo bà Vương Thị Lý, xuất phát từ nhu cầu đọc sách của nhân dân Thủ đô, hơn 100 thư viện cấp xã, phường, thị trấn, hơn 800 thư viện, tủ sách tại các khu dân cư, thôn, làng đã được thành lập, song chính quyền thôn, xã mới chỉ tạo điều kiện về mặt thủ tục để thành lập chứ chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động này.

Đưa sách về nông thôn - một cách xóa nghèo văn hóa

Theo phân cấp, ngành văn hóa quản lý, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho mạng lưới thư viện cơ sở, còn chính quyền địa phương đầu tư trụ sở, trang thiết bị, nhân lực, nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên.

Hằng năm, Thư viện Hà Nội luân chuyển hàng vạn bản sách xuống cơ sở, duy trì tổ chức liên hoan thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách hè nhằm truyền đam mê đọc sách cho trẻ. Từ năm 2011 đến nay, trẻ em nghèo ngoại thành còn có điều kiện đọc sách nhờ chương trình "Thư viện lưu động - Bánh xe tri thức" do Thư viện Hà Nội phối hợp với Quỹ Quốc tế Singapore thực hiện.

Với chiếc xe tải chuyên dụng, có khoảng 1.000 đầu sách tiếng Việt, 500 đầu sách tiếng Anh và nhiều dụng cụ học tập, đồ chơi, "Bánh xe tri thức" đã tới nhiều xã nghèo, không có thư viện như: Châu Sơn (Ba Vì), Hòa Xá, (Ứng Hòa), Phù Lưu Tế (Mỹ Đức)… "Bánh xe tri thức" hoạt động đến hết năm 2014, dự kiến đưa 144 lượt thư viện lưu động đến với hàng vạn trẻ em nghèo.

Để duy trì và phát triển mạng lưới thư viện cơ sở, Sở VH,TT&DL Hà Nội đang tiến hành kiểm kê, rà soát hệ thống thư viện nhằm tạo cơ sở cho việc đề xuất giải pháp khắc phục hạn chế hiện nay. Sở VH,TT&DL sẽ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường chất lượng sách, báo tại các điểm bưu điện văn hóa xã. "Hiện nay, điểm bưu điện văn hóa đã phủ kín các xã ngoại thành Hà Nội nhưng nhiều xã chưa có thư viện. Bởi vậy, việc tận dụng ưu điểm của mô hình bưu điện văn hóa xã sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới đưa tri thức, văn hóa đọc về vùng nông thôn" - Bà Lê Thị Tân Trang, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội khẳng định.

Nông thôn còn nghèo, khó khăn về vật chất đã đành, điều kiện hưởng thụ văn hóa, nâng cao tri thức cũng chưa bằng khu vực đô thị. Hệ thống thư viện cơ sở mà Hà Nội đang chăm chút, vì thế, đáng được coi là nhân tố xóa nghèo trong tương lai gần.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất