Những năm qua, việc tổ chức thực hiện phong trào được các cấp, các ngành ở Cần Thơ đồng tâm, hiệp lực tham gia với tinh thần trách nhiệm cao, các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực ở cộng đồng dân cư. Nội dung phong trào ngày càng được phát triển đa dạng và phong phú, nhất là các hoạt động tương trợ, chăm lo bồi dưỡng sức dân, phát huy dân chủ, nâng cao ý thức tự quản, huy động và khai thác mọi nguồn lực, ra sức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương.
Sau 15 năm thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH đã góp phần to lớn tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bộ mặt nông thôn được đổi mới, đời sống dân cư được cải thiện, dân trí, dân chủ có bước tiến triển tích cực, nếp sống và sinh hoạt cộng đồng được hướng dần đến văn minh hiện đại, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chế độ xã hội chủ nghĩa được tăng cường, nguồn lực xã hội được khai thác và phát huy hiệu quả, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và mở rộng, các tệ nạn xã hội và tiêu cực được kiềm chế và đẩy lùi, hệ thống chính trị các cấp ngày càng đi vào họat động hiệu quả.
Phong trào làm chuyển biến nhận thức, nêu cao truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc như: Tinh thần đoàn kết cộng đồng, tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm, giúp nhau phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo; xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, xóa bỏ dần mê tín dị đoan; vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thông qua các phong trào do Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận đã tổ chức, tiêu biểu như phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, bảo vệ môi trường phát triển bền vững theo các tiêu chí 5 không, 3 sạch”…được nhân rộng trong đời sống hằng ngày và trở thành nét đẹp luôn được trân trọng phát huy. Sự cảm thông chia sẻ, cưu mang, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng ngày một tốt hơn, người già cô đơn được quan tâm, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được đến trường, các gia đình thương binh-liệt sỹ, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng từng bước được chăm sóc chu đáo; nhiều mô hình hợp tác kinh tế, xóa đói giảm nghèo được hình thành, từ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh giảm khá nhanh, từ 15,73% năm 2010 giảm xuống còn 10,01% cuối năm 2012; kịp thời vận động và tiếp nhận hàng trăm tấn lương thực, nhu yếu phẩm phân phối giúp đỡ cho hàng chục ngàn người trong những đợt thiên tai, lũ lụt; vận động giúp đỡ khác cho người nghèo bằng nhiều hình thức như cung cấp cây, con giống, hỗ trợ đời sống, cứu trợ lương thực, thực phẩm, xuồng, lưới…trị giá hàng trăm tỷ đồng. Nổi bật nhất là đến nay toàn tỉnh xây dựng mới được 27.006 căn nhà tình thương, sửa chữa được 13.403 căn nhà cho người nghèo, với tổng số tiền tương đương 200 tỷ đồng, đã có 76 xã, phường, thị trấn và 02 huyện, một thị xã hoàn thành việc xoá nhà tạm bợ, dột nát cho người nghèo được Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp Bằng ghi công; sau gần 3 năm hoạt động, quỹ Nguyễn Sinh Sắc đã vận động được trên 20 tỷ đồng; các vụ trọng án và phạm pháp hình sự, tình trạng vi phạm pháp luật giảm đáng kể, tệ nạn xã hội được đẩy lùi, đến nay đã có 75/144 xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma tuý; 65 xã không có tệ nạn mại dâm; tỷ lệ học sinh bỏ học giảm từ 1,54% (năm 2010) còn 1,36% (năm 2012); giải quyết việc làm tăng từ 103% (năm 2010) lên 121% (năm 2012); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 4,63% (năm 2010) còn 0,1% (năm 2012). Có thể nói, nhân dân đã tham gia và tự giải quyết hàng loạt vấn đề kinh tế-xã hội mà trước đây họ chưa làm được.
Phong trào đã huy động được các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng văn hóa, nhất là tạo sự chuyển biến bộ mặt nông thôn qua việc đầu tư xây dựng nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng (điện, đường, trường, trạm…); 100% khóm, ấp có điện sinh hoạt; số hộ sử dụng nước sạch trên 75%; 100% trạm y tế xã, phường có bác sĩ phục vụ; các hoạt động giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc được mọi người quan tâm và tích cực tham gia, đến nay toàn tỉnh có hơn 200 câu lạc bộ đờn ca tài tử, 100 câu lạc bộ hát với nhau, nhiều cuộc thi tiếng hát hay, nữ sinh duyên dáng, công nhân viên chức thời trang công sở…. đã góp phần quan trọng cho việc giáo dục nhân cách con người.
Ngoài ra, còn có hơn 100 khóm, ấp văn hoá có các loại hình thư viện, sân luyện tập thể dục thể thao, 100% số xã trong tỉnh được xây dựng bưu điện văn hoá; 100% xã, phường, thị trấn đều có các tuyến đường trải nhựa, rải đá, bê tông hoá (nhất là các tuyến đường đến trụ sở UBND rất thuận lợi), các tuyến đường nông thôn liên khóm, ấp cơ bản được nâng cấp vượt lũ và thuận tiện lưu thông, sinh hoạt...; tạo nền tảng vững chắc để xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Ước tính mức đóng góp của nhân dân vào hoạt động này trên 500 tỷ đồng.
Thông qua phong trào, đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên được rèn luyện, thử thách, từng bước trưởng thành có bản lĩnh chính trị và quan điểm quần chúng. Bồi dưỡng phát triển cán bộ trẻ, cán bộ nữ có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu phát triển của thời đại. Tỷ lệ tăng trưởng đảng viên từ 0,6% lên 2% dân số, hội viên, đoàn viên tăng từ 20% lên trên 65% dân số, góp phần nâng cao chất lượng về xây dựng hệ thống chính trị trong toàn tỉnh lên một bước mới.
Việc xây dựng gia đình văn hoá là một trong những nội dung quan trọng được các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm thực hiện, từ đó số lượng đăng ký xây dựng gia đình văn hoá tăng dần, đến năm 2012, kết quả qua bình xét toàn tỉnh có 86,79% hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa (tăng gấp 15 lần so với năm 1995); có trên 70.000 hộ gia đình đạt chuẩn văn hoá 3 năm, 5 năm liên tục, năm 1998 khen thưởng 600 cá nhân, tập thể, năm 2012 khen tưởng 6.329 tập thể và cá nhân, tăng hơn 10 lần; năm 1996 có 9/11 khóm, ấp đăng ký được công nhận, nhưng đến năm 2012 đã có 692/692 khóm, ấp đăng ký xây dựng khóm, ấp văn hoá, đạt tỷ lệ 100%. Năm 2012, qua phúc tra có 86,85% khóm, ấp; 48,61% xã, phường, thị trấn (144) được công nhận đạt chuẩn văn hóa.
Nhằm động viên, khuyến khích các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng và giữ vững danh hiệu khóm, ấp đạt chuẩn văn hoá nhiều năm liên tục, UBND Tỉnh đã ban hành mức thưởng cho các khóm, ấp đạt chuẩn văn hoá 5 năm liên tục bằng công trình trị giá 500 triệu đồng và 10 năm liên tục bằng công trình trị giá 01 tỷ đồng, xã đạt chuẩn văn hóa thưởng công trình 1 tỷ đồng. Nguồn động viên, khích lệ này đã tác động tích cực đến sự quyết tâm thi đua, phấn đấu của các địa phương cơ sở làm tăng thêm những ý tưởng sáng tạo, nhiều phương thức đa dạng, phong phú được vận dụng hiệu quả ở khu dân cư, càng thúc đẩy phát triển KT-XH.
Việc xây dựng công sở văn hoá cũng được các ngành, các cấp trong tỉnh quan tâm thực hiện, công tác này phục vụ thiết thực cho công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng lề lối làm việc khoa học, nâng cao hiệu quả, năng suất, xây dựng phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, và thực hành theo phương châm “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, tránh nhũng nhiễu, phiền hà dân, thực hiện nếp sống văn minh nơi công sở, các đơn vị, cơ quan, tổ chức các cấp đạt chuẩn công sở văn hoá, đạt tỷ lệ 96,07 % …
Từ thực tiễn sinh động của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, cấp ủy, chính quyền ở Đồng Tháp đã vận dụng tốt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) vào việc phát huy, tập hợp gắn kết phong trào với các công tác trọng tâm của Đảng, làm cho nội dung và hình thức phong trào ngày càng phong phú và nâng cao.
Kinh nghiệm cho thấy, nơi nào có hệ thống chính trị vững mạnh, có sự quan tâm lãnh - chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền thì nơi đó phong trào phát triển mạnh và thực chất đi vào đời sống nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương. Phong trào TDĐKXDĐSVH đã góp phần thực hiện có kết quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng của địa phương; nội dung của phong trào đã đáp ứng được nguyện vọng và nhu cầu bức xúc của người dân nên phong trào đã sớm đi vào cuộc sống của nhân dân với sức sống bền vững.
Trần Thắng