Theo đó, tổng mức đầu tư hạ tầng dự kiến cho giai đoạn 2020-2030 là 970.654 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm 40%. Giai đoạn 2021-2025, nhiều dự án trọng điểm được đầu tư như cao tốc TP.HCM-Mộc Bài, Vành đai 2, Vành đai 3, cầu Cát Lái, cầu Cần Giờ.
Nội dung đề án, TPHCM đặt chỉ tiêu trong 10 năm phát triển thêm hơn 652 km đường bộ, 212 km đường sắt, BRT, hơn 365 km đường thủy nội địa. Đồng thời, 81 dự án cầu lớn, 15 nút giao thông lớn, 31 dự án giao thông tĩnh được xây dựng. TPHCM cũng sẽ triển khai 7 dự án thuộc chương trình đô thị thông minh và đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường cao tốc, quốc lộ kết nối TP HCM với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo quy hoạch được phê duyệt. Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đến năm 2030 ước đạt 17,8%.
Giai đoạn 2021-2025, nhu cầu vốn khoảng 553.500 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách khoảng 181.300 tỷ đồng. Các công trình, dự án trọng điểm, cấp bách dự kiến đầu tư như cao tốc TPHCM-Mộc Bài; Vành đai 2, Vành đai 3; quốc lộ 1, quốc lộ 22, quốc lộ 50, quốc lộ 13; các công trình giao thông như cầu Thủ Thiêm 3, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, cầu Bình Giới, cầu Bình Tiên.
Đồng thời, TPHCM hoàn thành đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến Bến Thành-Suối Tiên); Triển khai xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 (tuyến Bến Thành-Tham Lương) và tuyến số 5 giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền-cầu Sài Gòn); Đường sắt nhẹ Thủ Thiêm-cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Cùng với đó, giai đoạn 2021-2025, TPHCM sẽ triển khai các tuyến đường trục chính, xuyên tâm như hoàn chỉnh trục đường Bắc-Nam (đoạn từ Nguyễn Văn Linh-cầu Bà Chiêm); đường nối đường Trần Quốc Hoàn-đường Cộng Hòa; hoàn chỉnh mặt cắt ngang Vành đai 2 (đường Võ Chí Công) từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Nguyễn Duy Trinh-Vành đai 2...
Các công trình kết nối vùng như cầu Cát Lái, trục động lực kết nối TPHCM-Long An-Tiền Giang; đường mở mới phía Tây Bắc; đường Võ Văn Kiệt nối dài; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa và xây dựng cầu Lớn; tuyến trên cao đi dọc theo đường tỉnh 25C, vượt sông Đồng Nai, đi theo đường trục Bắc Nam.
Riêng trong năm 2021, TPHCM dự kiến hoàn thành các công trình như Xây dựng hoàn thành 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ thiêm; cầu Thủ Thiêm 2; Mở rộng đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao thông Mỹ Thủy); Sửa chữa và nâng cấp đường Tỉnh lộ 9 (Đặng Thúc Vịnh); Đầu tư hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất thuộc Khu chức năng số 1 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Xây dựng cầu vượt trước Bến xe miền Đông mới trên Xa lộ Hà Nội; Cầu Long Kiểng; Xây dựng mới cầu Hang Ngoài, quận Gò Vấp; Cầu Vàm Sát 2, huyện Cần Giờ.
Các dự án trọng điểm, cấp bách lập, trình thông qua chủ trương đầu tư trong năm nay gồm: Cao tốc TP HCM - Mộc Bài; Khép kín đường Vành đai 2; Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Nguyễn Văn Bứa); Mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh; Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (đoạn từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu); Xây dựng nút giao An Phú; Làm cầu đường Nguyễn Khoái, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, cầu Cát Lái, cầu đường Bình Tiên, cầu Rạch Dơi, cầu Bình Quới, cầu Bình Quới-Rạch Chiếc.
Các công trình kết nối vùng: Cầu Cát Lái, trục động lực kết nối TPHCM - Long An - Tiền Giang; đường mở mới phía Tây Bắc; đường Võ Văn Kiệt nối dài, huyện Bình Chánh; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa (đoạn từ Ngã Ba Giồng - cầu TL9) và xây dựng cầu Lớn; tuyến trên cao đi dọc theo đường tỉnh 25C, vượt sông Đồng Nai, đi theo đường trục Bắc Nam (chiều dài 40 km).
Để triển khai kế hoạch, UBND TPHCM giao thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức và các đơn vị có liên quan tổ chức xây dựng kế hoạch, đề án cụ thể. Yêu cầu kế hoạch phải gắn với chương trình công tác hàng năm, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 của từng địa phương, đơn vị để triển khai thực hiện có hiệu quả đề án.
TPHCM đặt chỉ tiêu tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 12,76% năm 2021, mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố đạt 2,26 km/km2. Ngoài ra, UBND TPHCM yêu cầu các sở ngành, địa phương phải xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể gắn với chương trình hàng năm, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030 của từng địa phương, đơn vị để triển khai có hiệu quả đề án./.
Thanh Tùng