TPP là
một bước ngoặt lớn và cũng là thách thức lớn đối với chúng ta. Trong sự
vui mừng có kèm những nỗi lo không nhỏ. Các tập đoàn kinh tế của các
nước tham gia TPP sẽ có quyền chơi một cuộc chơi sòng phẳng và ít có
nhân nhượng trên chính “sân nhà” của chúng ta, nơi mà lâu nay, hầu như
chúng ta chỉ chơi trong cuộc chơi đơn phương của chính mình. Những
người lãnh đạo đất nước hiểu rõ những thách thức không nhỏ đối với nền
kinh tế của chúng ta, nhưng cũng nhận thấy những cơ hội cho một Việt
Nam cường thịnh trong tương lai khi bước vào một cuộc chơi sòng phẳng.
Ngay từ bây giờ, chúng ta đã có thể hình dung một phần nào “sức khỏe”
của nền kinh tế chúng ta khi cỗ máy TPP khởi động và tăng tốc. Sẽ rất
nhiều các “kỵ sĩ” của nền kinh tế chúng ta ngã ngựa hoặc bỏ cuộc, nhưng
cũng sẽ có nhiều “kỵ sĩ” vượt qua được những cuộc đấu và trưởng thành.
Lúc đó, chúng ta mới có được những tập đoàn kinh tế thật sự và sẽ thúc
đẩy sự phát triển bền vững của xã hội Việt Nam.
Các hiệp định thương mại toàn cầu không bao giờ chỉ là thương mại vì vậy
TPP không chỉ là thách thức và cơ hội cho riêng lĩnh vực kinh tế, mà
cho cả một lĩnh vực khác tưởng rất ít liên quan, đó là văn hóa. Chúng
ta thường nghĩ văn hóa là một thứ gì đó thật thiêng liêng và vô hình,
thật khó có thể bị hoặc được kinh doanh. Cách nhìn đó đúng ở phía này
nhưng lại chưa đúng ở phía khác. Tôi chỉ xin lấy hai thí dụ về điện ảnh
và văn học. Về lĩnh vực điện ảnh, các nhà làm phim nước ngoài có thể
dựng lên trường quay ở Việt Nam và làm những bộ phim về Việt Nam với
kịch bản hay những câu chuyện được người Việt Nam viết ra, được làm ra
với tư duy và kỹ thuật điện ảnh của họ và những đạo diễn xuất sắc thế
giới mà họ thuê. Họ sẽ làm ra những bộ phim rất hấp dẫn về con người,
lịch sử và đời sống Việt Nam cho người xem Việt Nam. Một thực tế mà ai
quan tâm đến điện ảnh cũng đều biết là Hô-li-út đâu chỉ làm phim về
nước Mỹ cho người Mỹ, mà còn làm quá nhiều phim hay về một câu chuyện
của một nước nào đó cho người xem của nước đó. Với tư duy và kỹ nghệ
làm phim của Việt Nam hiện nay thì tôi đồ rằng các nhà làm phim nước
ngoài sẽ cho những nhà làm phim Việt Nam đo ván chỉ trong hiệp một.
Tương tự như với các nhà xuất bản hay các công ty sách nước ngoài. Họ
không chỉ trực tiếp (theo nghĩa đen) mang đến những cuốn sách hay của
thế giới mà có thể đặt hàng các nhà văn, nhà báo... Việt Nam viết cho
họ. Tất nhiên, các nhà văn viết rất tự do nhưng vẫn theo một cách nào
đó của họ bởi đây là bài toán kinh doanh, lợi nhuận chứ không phải đầu
tư cho nhà văn chúng ta. Và bởi họ có thể mang lại cho những tác giả
Việt Nam lợi nhuận cao hơn bất cứ nhà làm phim, nhà xuất bản nào trong
nước từ trước đến nay.
Một câu hỏi rất dễ được đặt ra là: Họ có phạm luật không? Câu trả lời là
không. Họ làm tất cả những điều này hoàn toàn theo một hành lang pháp
lý mà TPP quy định, với sự nhất trí của những quốc gia tham gia vào
hiệp định này. Nhưng cách nhìn của họ, tư duy của họ, kỹ thuật của họ
và nghệ thuật kinh doanh của họ là bậc thầy của chúng ta. Và như thế họ
thắng chúng ta là lẽ đương nhiên. Đến lúc đó, các hãng phim, các nhà
xuất bản, các công ty sách Việt Nam chỉ còn hai con đường: tự rút lui
hoặc trở thành người làm thuê cho các ông chủ mới. Bài học này đã có
quá nhiều và từ lâu trên thế giới. Nhưng làm thuê cũng chưa phải là điều
đáng sợ. Điều đáng sợ là khi văn hóa bị phụ thuộc ở bất cứ hình thức
nào, góc độ nào thì nó có nguy cơ biến dạng cho dù là một sự biến dạng
vô cùng êm ái. Êm ái tới mức mình vẫn tưởng là mình nhưng thật sự đã là
một phần của người khác hoặc hoàn toàn là một người khác. Lúc đó, để
xác định mình là ai quả là một khó khăn. Sự xác định ở đây không phải
một cái tên gọi hay chủng tộc, mầu da mà là xác định Căn cước văn hóa.
Căn cước văn hóa không phải là một thuật ngữ mới. Ngay từ đầu thế kỷ 20,
các nhà văn hóa, các nhà giáo dục thế giới đã cảnh báo nguy cơ con
người đánh mất Căn cước văn hóa của mình và khi đã đánh mất tấm căn
cước tối quan trọng đó thì thế giới sẽ trở nên rối loạn. Ô-xtrây-li-a
là một trong những nước đa văn hóa. Chính phủ nước này không bao giờ có
chủ trương đồng hóa những bản sắc văn hóa khác nhau mà các cộng đồng
cư dân mang theo sống trong xã hội của họ. Ô-xtrây-li-a quan niệm:
“Thêm một nhà thơ gốc Ấn Độ, đất nước Ô-xtrây-li-a thêm một ngôn ngữ.
Thêm một nhạc sĩ gốc Nam Tư, đất nước Ô-xtrây-li-a thêm một giai điệu.
Thêm một họa sĩ gốc Trung Quốc, đất nước Ô-xtrây-li-a thêm một mầu sắc.
Thêm một kiến trúc sư gốc Việt Nam, đất nước Ô-xtrây-li-a thêm một
không gian...”. Nghĩa là, ở quốc gia ấy, mỗi con người phải có một Căn
cước văn hóa của mình và chỉ CỘNG vào để làm nên tính đa dạng, phong
phú của văn hóa cho đất nước ấy chứ không phải HÒA LẪN mà triệt tiêu
nó.
Một điều chắc chắn là: trong tương lai Việt Nam sẽ càng ngày càng có
nhiều hơn những người nước ngoài đến làm ăn, sinh sống. Và như vậy, sẽ
có những nhóm văn hóa khác nhau cùng tồn tại trên đất nước chúng ta.
Cho dù các nhóm văn hóa không có ý đồ đồng hóa lẫn nhau, nhưng nếu một
nhóm văn hóa nào đó phát huy được quyền lực của nó cùng với khả năng
tạo ra sự hưởng lợi cho những nhóm cư dân của một nền văn hóa khác thì
nó sẽ vượt trội. Và như vậy, nguy cơ những nhóm văn hóa khác trở nên mờ
nhạt hay bị hòa lẫn là dễ hiểu. Vấn đề này là mối đe dọa với tất cả
các nền văn hóa khi giao lưu với những nền văn hóa khác.
Khi những chủ thể của một nền văn hóa không đủ khả năng gìn giữ, bảo tồn
và truyền bá thì biên giới của vương quốc văn hóa sẽ càng ngày càng bị
thu hẹp. Bởi văn hóa không có tính di truyền tự nhiên mà cần phải được
truyền bá, lan tỏa và tạo ra một đời sống đương đại cho chính “cơ thể”
văn hóa truyền thống ấy. Với TPP, cánh cửa cho các sản phẩm văn hóa,
trước hết là của các thành viên TPP vào Việt Nam bất ngờ được mở ra rất
rộng. Lời kêu gọi “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” có thể sẽ không
còn nhiều tác dụng nếu chúng ta không làm cho các sản phẩm made in
Vietnam quyến rũ hơn, ưu việt hơn các “đối thủ” của mình.
Lúc này, tôi có thể nói rằng: Tính thuần khiết của văn hóa dân tộc trong
tâm hồn những thế hệ trẻ hiện nay đã bị pha trộn ít nhiều bởi các nền
văn hóa khác và hiện thực cho thấy nó đang tăng lên. Biết cách hưởng
thụ những vẻ đẹp văn hóa là một “lợi tức” lớn với con người; nhưng bị
phụ thuộc, bị đồng hóa bởi một nền văn hóa khác lại là nguy cơ lớn nhất
đánh mất nền văn hóa gốc của mình. Khi một quốc gia không xác định
được danh tính văn hóa của mình thì quốc gia đó không phải là một dân
tộc mà chỉ là một quần cư. Và lời cảnh báo của các nhà văn hóa, các nhà
giáo dục trên thế giới từ đầu thế kỷ 20 về sự đổi màu tấm Căn cước văn
hóa đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.
Biết
cách hưởng thụ những vẻ đẹp văn hóa là một “lợi tức” lớn với con người;
nhưng bị phụ thuộc, bị đồng hóa bởi một nền văn hóa khác lại là nguy
cơ lớn nhất đánh mất nền văn hóa gốc của mình.