TĂNG TRƯỞNG GRDP ĐỨNG THỨ 2 KHU VỰC ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Năm 2023, tình hình thế giới,
trong nước, trong tỉnh tiếp tục có những khó khăn, thách thức, tác động
đến sự lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Trà Vinh. Song, với tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo, sự nỗ
lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, sự phấn đấu của các cấp, các
ngành và sự cố gắng vượt khó vươn lên của nhân dân và cộng đồng doanh
nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh tiếp tục phát triển,
hầu hết các chỉ tiêu đều đạt kế hoạch đề ra.
Tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 của tỉnh đạt 8,25%, xếp thứ 2/13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) và thứ 12 của cả nước; quy mô nền kinh tế ước đạt 83.375 tỷ đồng, tăng 10.477 tỷ đồng so cùng kỳ, xếp thứ 7/13 tỉnh ĐBSCL. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng định hướng, tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 30,78% còn 28,64%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 81,75 triệu đồng/người, vượt 7,6% so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (tăng 10,23 triệu đồng, xếp hạng 3/13 tỉnh ĐBSCL).
Trong năm 2023, toàn tỉnh có thêm 10 xã nông thôn mới nâng cao, 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu; hoàn chỉnh hồ sơ trình Trung ương công nhận huyện Trà Cú đạt chuẩn huyện nông thôn mới, huyện Cầu Kè và Tiểu Cần đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao.
Tổng thu ngân sách đạt 17.175 tỷ đồng, vượt 33,28% dự toán. Công tác cải cách hành chính, cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh đạt hiệu quả tích cực; các chỉ số phản ánh năng lực cạnh tranh PCI, PAPI, SIPAS, PAR index đều tăng điểm, tăng hạng, giữ thứ hạng khá so khu vực và cả nước; đặc biệt, Trà Vinh là tỉnh đứng đầu Chỉ số Xanh cấp tỉnh.
Đến cuối năm 2023, tỉnh đã đạt 9,6 bác sĩ/vạn dân (đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra), 28,45 giường/vạn dân (vượt 7,64% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra); tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95,47% (vượt 0,7% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra); tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội 29,31% (vượt 34,93% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra).
Giải quyết việc làm trong năm 2023 vượt 8,44% kế hoạch; đưa 1.192 lao động đi làm việc ở nước ngoài vượt 32,4% kế hoạch, đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tiếp tục được kéo giảm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết (giảm 0,69% hộ nghèo, trong đó hộ nghèo dân tộc Khmer giảm 1,58% và hộ cận nghèo giảm 1,45%), đến nay, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,19%, hộ cận nghèo còn 2,35%…
Những thành tựu đạt được trong lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023 đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2020-2025, khẳng định vị thế, sự phát triển của Trà Vinh trong khu vực ĐBSCL và cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, năm qua cũng còn không ít khó khăn, thách thức và những hạn chế, bất cập như: kinh tế tuy tăng trưởng nhưng chưa thật sự bền vững; khoảng cách về quy mô nền kinh tế so với các tỉnh trong khu vực chậm được rút ngắn (xếp hạng 7/13 tỉnh ĐBSCL); công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, ứng phó thiên tai tuy có tập trung nhưng còn bị động, chưa đạt hiệu quả cao; ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa đạt yêu cầu; công tác thu hút đầu tư chưa đạt được kết quả như mong muốn; một số mặt trong công tác quy hoạch, phát triển đô thị, môi trường còn hạn chế, chưa có sự chuyển biến rõ nét; số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động cao; chất lượng giáo dục phổ thông so với mặt bằng chung cả nước còn thấp; năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền có mặt hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu…
TĂNG TỐC THỰC HIỆN 6 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM, 3 NHIỆM VỤ ĐỘT PHÁ
Năm 2024 là năm tăng tốc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra, đặc biệt là mục tiêu thực hiện có hiệu quả 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 nhiệm vụ đột phá. Với phương châm hành động của Tỉnh ủy Trà Vinh là “Đoàn kết, Kỷ cương, Hành động, Sáng tạo, Đột phá, Phát triển”, toàn tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; phát huy tối đa lợi thế kinh tế nông nghiệp; phát triển đồng bộ giữa kinh tế với văn hóa, chú trọng an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân... gắn với khắc phục hiệu quả những hạn chế, yếu kém, bất cập trong năm 2023. Theo đó, Đảng bộ, quân dân tỉnh Trà Vinh xác định tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp lớn, trọng tâm sau:
Thứ nhất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, các kết luận của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ, nhất là các văn bản của Trung ương về Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.
Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, hành động trong toàn hệ thống chính trị, quyết tâm thực hiện hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết đã được xác định. Nâng cao chất lượng hoạt động, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp để tạo được sức hút mạnh trong tập hợp, đoàn kết, huy động sức mạnh của nhân dân trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy tối đa vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội.
Thứ hai, thực hiện quyết liệt phương châm hành động của Tỉnh ủy “Đoàn kết, Kỷ cương, Hành động, Sáng tạo, Đột phá, Phát triển”.
Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát; khắc phục tình trạng "4 không": 1) Không nghĩ ra để làm; 2) Cấp trên chỉ ra nhưng không làm, làm chậm tiến độ; 3) Không hoặc chậm phối hợp cơ quan khác để làm; 4) Triển khai mà không kiểm tra, giám sát, không nắm tiến độ để lãnh, chỉ đạo, đôn đốc mà để người dân tự làm, nếu có hiệu quả thì cuối năm báo cáo thành tích là của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Đẩy mạnh phát triển Chính quyền số, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhất là cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI, Par Index, PaPi, Sipas...). Khen thưởng, phê bình, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời; khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Tỉnh tiếp tục triển khai việc phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu chất lượng cao.
Thứ ba, tiếp tục triển khai có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực hiện đúng kế hoạch mở rộng thành phố Trà Vinh. Huy động và phân bổ hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông kết nối vùng, liên vùng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, nhất là ngoại giao kinh tế. Tập trung thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai dự án, sản xuất kinh doanh; hỗ trợ về thủ tục, tháo gỡ vướng mắc để triển khai các dự án đúng kế hoạch; đôn đốc thực hiện các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh.
Tập trung xây dựng nền kinh tế của tỉnh phát triển bền vững, nhưng có sự đột phá; trong đó tập trung phát triển kinh tế biển trên các lĩnh vực: năng lượng, giao thông vận tải, công nghiệp chế biến, du lịch...
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động sang công nghiệp, thương mại dịch vụ; nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của một số lĩnh vực thế mạnh của tỉnh. Tiếp tục chỉ đạo quán triệt, thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp; sản xuất bền vững, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, sản xuất liên kết, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có sức cạnh tranh cao.
Triển khai thực hiện tốt chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, bảo hộ sản phẩm hàng hóa và chỉ dẫn địa lý trên địa bàn tỉnh…
Thứ tư, tiếp tục chăm lo phát triển toàn diện văn hóa - xã hội. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng tốt, đáp ứng được thị trường sức lao động. Chú trọng thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, chăm lo người có công, gia đình chính sách và các đối tượng bảo trợ xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo.
Thực hiện tốt công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân. Tăng cường quản lý Nhà nước về tài nguyên, môi trường, nhất là quản lý, bảo vệ, khai thác hợp lý, hiệu quả, đúng pháp luật về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, nguồn lợi hải sản, quản lý chặt chẽ đất công; quan tâm chấn chỉnh trật tự xây dựng, cảnh quan đô thị, vệ sinh môi trường...
Thứ năm, thực hiện tốt các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Tập trung đấu tranh, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; kéo giảm tai nạn giao thông. Thực hiện tốt công tác tiếp, đối thoại công dân; giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội./.
NGUYỄN VĂN DŨ
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh