Ba yêu cầu: hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa và xã hội hóa chưa được thực hiện hiệu quả. Trong đó, hiện đại hóa phải từ mô hình chỉ đạo, quản lý đến mô hình tổ chức - hoạt động; chuyên nghiệp hóa từ con người đến quy trình sản xuất; xã hội hóa trong trật tự, kỷ cương và có định hướng. Tất cả hướng đến một mục tiêu, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Đất nước đang trong tiến trình đổi mới sâu sắc. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu. Cách mạng khoa học-công nghệ và xu hướng toàn cầu hóa, nhất là trong lĩnh vực truyền thông diễn ra vô cùng mạnh mẽ. Cách thức thu nhận, trao đổi, truyền bá thông tin, tư tưởng, văn hoá, cả mặt tích cực và tiêu cực diễn ra sôi động, phức tạp, trong đó, báo chí, xuất bản là những lĩnh vực bị tác động nhiều và rõ nhất.
Trong suốt quá trình phát triển, quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Đảng ta luôn coi báo chí và xuất bản là hai bộ phận quan trọng trên mặt trận tư tưởng-văn hóa. Nếu như báo chí là công cụ đắc lực để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phong trào cách mạng, cổ vũ, biểu dương những tấm gương tốt, đấu tranh với những cái xấu, cái ác và là vũ khí sắc bén tấn công kẻ thù nhờ tính thời sự, sức mạnh lan tỏa thì xuất bản, với đặc thù của mình, có vai trò quan trọng trong xây dựng nền tảng tinh thần và nền tảng tri thức của xã hội, làm nên những giá trị lâu dài và bền vững. Chỉ thị 42-CT/TW về Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản đã khẳng định rất rõ quan điểm này.
Những năm qua, các đơn vị ngành xuất bản đã có nhiều nỗ lực trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, từng bước nâng cao năng lực hoạt động, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc. Song, bên cạnh những thành tích, ưu điểm nêu trên, hoạt động xuất bản cũng đang tồn tại nhiều hạn chế. Ba yêu cầu: hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa và xã hội hóa chưa được thực hiện hiệu quả. Trong đó, hiện đại hóa phải từ mô hình chỉ đạo, quản lý đến mô hình tổ chức - hoạt động; chuyên nghiệp hóa từ con người đến quy trình sản xuất; xã hội hóa trong trật tự, kỷ cương và có định hướng. Tất cả hướng đến một mục tiêu, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Nguyên nhân chủ quan, cơ bản của tình trạng kém hiệu quả này chính là do nhận thức về vị trí, vai trò của hoạt động xuất bản, về trách nhiệm và đạo đức của những người làm công tác xuất bản còn chưa đầy đủ và sâu sắc.
Cơ chế thị trường bên cạnh những tác động tích cực tạo nên một thị trường sách sôi động, phong phú đáp ứng thị hiếu đọc đa tầng, đa dạng, đang đặt ra những thách thức rất lớn cho hoạt động xuất bản. Các đơn vị xuất bản do phải lo đáp ứng nhu cầu, các loại thị hiếu khác nhau của công chúng, phải coi độc giả là “thượng đế” nên đã có tình trạng xuất bản, phát hành cả các ấn phẩm “phản văn hoá”, độc hại, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần của xã hội, truyền thống văn hoá của dân tộc.
Hiện nay, có tình trạng lãnh đạo một số nhà xuất bản đã xem nhẹ chức năng tư tưởng văn hoá, buông lỏng quản lý, để nhà xuất bản của mình công bố những ấn phẩm có nội dung không tốt, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam, gây bức xúc trong dư luận xã hội, tạo cơ sở cho sự xâm nhập dễ dàng của chiến lược “Diễn biến hoà bình”.
Một thực trạng đáng lo ngại khác là sự xuất hiện ngày càng nhiều các loại sách “vô bổ”. Không đầu tư trong tìm kiếm, tổ chức bản thảo dễ dãi, cẩu thả trong công tác biên tập, bị tư nhân chi phối trong quá trình liên kết, nhiều nhà xuất bản đã đưa ra thị trường những sản phẩm văn hóa “thứ cấp”, nội dung xào xáo từ sách báo trong và ngoài nước, lượm lặt câu chuyện giật gân, chém giết, tình ái, ngoại cảm, thấu thị... Trong khi chúng ta còn đang rất thiếu những cây viết phê bình sách chuyên nghiệp, những tạp chí giới thiệu sách uy tín, giúp độc giả lựa chọn “món ăn” thực sự có chất lượng, thì sự xuất hiện của các sản phẩm “thứ cấp” này đã gây xáo trộn thật, giả trên thị trường xuất bản, làm một bộ phận người đọc chân chính quay lưng lại với sách, kéo thấp mặt bằng văn hóa đọc. Hệ quả là không chỉ khiến toàn bộ hệ thống nhà xuất bản, kể cả những nhà xuất bản làm sách nghiêm túc gặp khó khăn khi đưa sách đến với độc giả, gây lãng phí rất lớn nguồn lực xã hội, mà còn làm cho xuất bản xa rời chức năng văn hóa và giáo dục - yếu tố làm nên tính đặc thù của hoạt động xuất bản.
Có ý kiến cho rằng, những sai phạm do “đụng” vào những vấn đề “nhạy cảm” như trên là vì thiếu những văn bản qui định cụ thể. Thực ra đó chỉ là sự nguỵ biện, vì thực tế Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản về vấn đề này, như: Quyết định 281 - QĐ/TW ngày 26-1-2010 của Ban Bí thư về việc chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong nội dung xuất bản phẩm đã xác định cụ thể về phạm vi, tính chất, trách nhiệm và cơ chế xử lý nếu để xảy ra sai phạm khi thực hiện các loại sách này.
Trên phương diện quản lý nhà nước, Luật Xuất bản đã xác định rõ 4 loại hành vi bị cấm trong trong hoạt động xuất bản gồm: tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục; tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định; xuyên tạc sự thật lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.
Cùng với các quy định chung này, còn có một số quyết định khác có tính quy phạm điều chỉnh việc nói, viết về nhân vật, sự kiện lịch sử, tôn giáo...; đưa ra nhận định, đánh giá chính thức của Đảng và Nhà nước về một số nội dung thuộc phạm vi phức tạp, nhạy cảm.
Như vậy, có thể nói, tuy chưa có một văn bản nào lượng hóa toàn bộ những vấn đề có tính phức tạp, nhạy cảm nhưng từ các quy định đang có, phạm vi và tính chất của vấn đề đã được làm rõ. Không ai khác, lãnh đạo các nhà xuất bản chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, trước bạn đọc. Theo nguyên tắc nhất quán là, luôn đặt mục đích xuất bản trong lợi ích chung của đất nước, của sự nghiệp đổi mới, không để tổn hại đến uy tín của Đảng, Nhà nước cũng như các hoạt động trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước.
Công việc đó đòi hỏi bản lĩnh, tư duy chính trị nhạy cảm, sắc bén và trên tất cả, là cái “tâm” của người làm công tác văn hóa nói chung và những người làm công tác xuất bản nói riêng, mang món ăn tinh thần giá trị đến độc giả với tất cả trách nhiệm một công dân đối với xã hội, của một người làm văn hóa đối với nhân dân lao động.
Để góp phần khắc phục những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động xuất bản nêu trên, việc nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác xuất bản, về trách nhiệm, đạo đức của người làm công tác xuất bản có ý nghĩa rất quan trọng. Muốn vậy, cần quan tâm tới một số nội dung sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ trong nhà xuất bản. Các cấp uỷ, ban cán sự đảng, đảng đoàn, cơ quan chủ quản xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo nhà xuất bản; đánh giá công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nguồn; chuẩn bị đội ngũ kế cận các chức danh chủ chốt; bố trí cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín vào các vị trí quan trọng, nhất là ở khâu nội dung; kiên quyết đưa những người không đủ phẩm chất, năng lực ra khỏi cơ quan xuất bản.
Hai là, khẩn trương xây dựng, bổ sung và thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với xuất bản trước yêu cầu mới; coi trọng định hướng phát triển, định hướng thông tin, đổi mới công tác cán bộ; đổi mới chính sách tài chính đối với hoạt động xuất bản; hoàn thiện và thực hiện nghiêm Luật Xuất bản cùng các quy định khác của Đảng trong việc chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản; bổ sung chế tài đủ mạnh để vừa tạo điều kiện cho xuất bản phát triển, vừa xử lý kịp thời, dứt điểm các sai phạm trong hoạt động xuất bản; xây dựng và thực hiện một số chính sách, chế độ mới đối với cán bộ xuất bản, nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ phát triển lâu dài về nghề nghiệp.
Ba là, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới xuất bản dựa trên quan điểm định hướng phát triển của Đảng và Nhà nước. Chú ý đến quy mô, cơ cấu, số lượng, chất lượng các nhà xuất bản, đội ngu làm công tác xuất bản; sự phân bổ các loại hình, các nhà xuất bản cho các lĩnh vực, các vùng, miền, bảo đảm tính đa dạng; khắc phục tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.
Bốn là, cấp uỷ, ban giám đốc, ban biên tập các nhà xuất bản thường xuyên chăm lo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, nâng cao năng lực chuyên môn, tính chuyên nghiệp, kỹ năng tác nghiệp cho đội ngũ làm công tác xuất bản. Chú trọng chăm lo công tác xây dựng Đảng, nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong cơ quan xuất bản; đề cao trách nhiệm cán bộ, đảng viên, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, đảng viên ở các nhà xuất bản, cơ quan chủ quản, cơ quan chỉ đạo, quản lý về thi hành Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng trong hoạt động xuất bản.
Năm là, tăng cường trách nhiệm, năng lực của cơ quan chủ quản và người đứng đầu cơ quan xuất bản; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng và bố trí những người có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, trách nhiệm vào các vị trí quan trọng; đề cao quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan chủ quản, nhất là trong công tác quản lý cán bộ, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, xử lý sai phạm của lãnh đạo các nhà xuất bản.
Sáu là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội Xuất bản trong việc bồi dưỡng nghiệp vụ và rèn luyện phẩm chất, đạo đức, nghề nghiệp cho hội viên; hình thành quỹ cần thiết phục vụ cho công tác đào tạo.
Bảy là, đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, nghiên cứu, thực hành của các học viện, nhà trường, các cơ sở đào tạo cán bộ xuất bản trên cơ sở làm rõ mô hình nhân cách cán bộ xuất bản trong điều kiện mới./.
Nguyễn Nguyên