Thứ Bảy, 28/9/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 19/1/2016 16:39'(GMT+7)

Trao giải thưởng Văn học Nghệ thuật 2015

Trao giải cho các tác phẩm xuất sắc (Ảnh: Hoàng Sơn)

Trao giải cho các tác phẩm xuất sắc (Ảnh: Hoàng Sơn)

Đây là giải thưởng hằng năm của Liên hiệp nhằm khích lệ, động viên tinh thần sáng tạo nghệ thuật không ngừng nghỉ của anh chị em văn nghệ sỹ. Tính đến ngày 30/10/2015, Ban tổ chức đã nhận được 09 tác phẩm đứng đầu của 09 Hội VHNT chuyên ngành Trung ương; 340 tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả thuộc 55 Hội VHNT tỉnh, thành phố gửi về xét tặng giải thưởng.

Chỉ tính riêng trong năm 2015, 55/63 Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố gửi tác phẩm tham dự Giải thưởng Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Có thể nói, gần như đầy đủ lực lượng sáng tạo Văn học nghệ thuật cả nước hưởng ứng tham dự giải thưởng hàng năm của Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam để thấy được sự quan tâm của giới văn nghệ sỹ đối với sự phát triển văn học nghệ thuật nước nhà trong những năm qua. Nhiều tác phẩm có chất lượng cao của các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương đã được Nhà nước đặt hàng đã tham dự xét giải và nhận giải đã làm nên một diện mạo mới chất lượng cho Giải thưởng thưởng niên của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam – xứng đáng là một tổ chức đứng đầu nhằm tập hợp, đoàn kết, sáng tạo văn học nghệ thuật của cả nước.

Số lượng tác giả và tác phẩm dự giải VHNT 2015 của 55 Hội VHNT tỉnh, thành phố tham dự cho thấy sự đa dạng rải đều ở các chuyên ngành như sau: Thơ (47 tác phẩm), Văn xuôi (64 tác phẩm), Lý luận phê bình văn học (5 tác phẩm), Mỹ thuật (98 tác phẩm), Nhiếp ảnh (61 tác phẩm), Điện ảnh (02 tác phẩm), Âm nhạc (51 tác phẩm), Sân khấu (02 tác phẩm), Múa (02 tác phẩm), Văn nghệ dân gian (08 tác phẩm).

Trao đổi với phóng viên, Ban tổ chức đánh giá giải thưởng Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2015 đã lựa chọn được những tác phẩm xuất sắc nhất trong năm của các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương và các hội VHNT tỉnh, thành phố. Những tác phẩm này đã được xuất bản, tham dự triển lãm hoặc được công bố, trình diễn, được công chúng mến mộ và báo chí quan tâm; giải thưởng VHNT năm 2015 cũng phản ánh một cách khách quan các tác phẩm VHNT đi theo khuynh hướng truyền thống, các tác giả trẻ trong trong sáng tạo nghệ thuật có tìm tòi, đổi mới nhưng về nội dung, chủ đề vẫn bám sát đời sống và truyền thống đạo lí của dân tộc, gìn giữ bản sắc. Đặc biệt, nhiều tác phẩm đi vào đề tài thời sự của đất nước như vấn đề bảo vệ chủ quyền biên giới và hải đảo được quan tâm thể hiện qua nhiều góc cạnh mới; mỗi chuyên ngành VHNT có đặc thù riêng, chất lượng giải thưởng các chuyên ngành năm 2015 cũng thể hiện ít nhiều tính riêng biệt đó...

Ở thể loại Văn xuôi, các tác giả được trao giải đều hướng tới việc phản ánh cuộc sống đa dạng, nhiều chiều, đặt trong mối quan hệ phức tạp giữa cá nhân với cộng đồng, giữa quá khứ và hiện tại, giữa hiện tại và xu hướng phát triển... Đề tài chiến tranh cách mạng vẫn được nhiều tác giả quan tâm thể hiện có chiều sâu, cô đọng, gây được ấn tượng khá đậm nét về những hi sinh mất mát trong chiến tranh. Đặc biệt mảng viết về đời sống thường ngày được nhiều tác giả quan tâm đề cập đến. Đó là quan hệ con người trong công việc, là tình bạn, tình yêu, mối quan hệ trong gia đình, tình đồng đội sau cuộc chiến được thể hiện sâu sắc, như tập truyện ngắn Người về sau cuộc chiến (Nguyễn Hiền Lương – Yên Bái), hoặc là sự cảm thông da diết với những số phận nghịch cảnh như tập Đỉnh khói (Nguyễn Thị Kim Hòa – Ninh Thuận). Quan hệ của người nông dân ở vùng nông thôn mới Bắc bộ đang ngày một đổi thay được viết khá kỹ và hóm hỉnh như tập truyện ngắn Đi qua đồng cói của Nguyễn Thanh Lịch – Ninh Bình. Một số tập truyện ngắn đi sâu vào đề tài nông thôn, nông nghiệp và cuộc sống của người nông dân hôm nay, đề cập đến hiện thực cuộc sống ở nông thôn, miền núi, vùng dân tộc khá đa dạng, nhiều trăn trở, bức xúc, lo toan trong cơ chế thị trường và trong thời kì công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra khá ồn ào, sôi động hiện nay. Một số tập truyện đề cập về đề tài tình yêu và các vấn đề xã hội phức tạp, giúp người đọc nhận ra được những trăn trở của cuộc sống trong vận động phát triển, làm cho người đọc thêm tin yêu cuộc sống dẫu còn nhiều tiêu cực. Tuy nhiên, chất lượng truyện ngắn ở một số tác giả chưa đều tay. Có truyện ngắn có cốt truyện hay nhưng thiếu sự tìm tòi công phu trong xây dựng nhân vật và còn đơn giản trong thể hiện. Rất tiếc, có một hai tập truyện viết khá nhuần nhuyễn, giàu vốn sống, chắc chắn trong bố cục và câu chữ nhưng lại để lọt đề tài hoặc chi tiết nên chưa thể đưa vào giải thưởng. Kể cả những tác phẩm được giải cũng mắc những thiếu sót tương tự. Chính vì vậy, năm nay, văn xuôi không có giải A và giải B.

Về Thơ, dự giải thưởng năm 2015 có 47 tập thơ được các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố chọn gửi dự xét giải. Hầu hết các tác giả thơ từ các vùng miền đất nước vẫn lựa chọn phong cách sáng tác thơ truyền thống. Cá biệt có tác giả theo đuổi lối viết hậu hiện đại, tân hình thức như là thể nghiệm mang tính hình thức. Đề tài chiến tranh và sự khốc liệt của cuộc chiến vẫn tiềm ẩn trong đời sống xã hội sau mấy chục năm đất nước hòa bình. Bên cạnh đó, các mảng đề tài về quê hương, đất nước, tình yêu, đạo đức xã hội, thế sự... cũng được nhiều tác giả ấp ủ và dành nhiều tâm huyết sáng tạo với nhiều góc nhìn đa dạng, nhiều chiều. Đặc biệt, giải A thơ năm nay được trao cho tập Thơ và đời của Phan Duy Nhân, một tác giả 76 tuổi nhưng ông đã có thơ in rất sớm từ những năm 50,60 của thế kỷ trước trong các tập san thơ yêu nước của thanh niên, học sinh Quảng Nam, Đà Nẵng, Sài Gòn; là một trong những thành viên đầu tiên của Hội Liên hiệp thanh niên, sinh viên, học sinh Giải phóng và là hội viên Hội Văn nghệ Giải phóng Trung – Trung bộ năm 1965. Trong cuộc Tổng tấn công Mậu Thân năm 1968, ông bị trọng thương, bị địch bắt giam ở nhà tù Côn Đảo đến năm 1974 mới được trao trả theo Hiệp định Pari. Tập Thơ và đời của Phan Nhân là chân dung một thế hệ trí thức – văn nghệ sỹ sinh viên học sinh trong phong trào yêu nước trước năm 1975 ở các đô thị miền Nam.

Về Mỹ thuật, có gần 100 tác phẩm dự giải trên tổng số 111 tác phẩm được Hội đồng cơ sở giới thiệu từ Triển lãm Mỹ thuật khu vực năm 2015. Nhìn chung, Giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam được hội viên mỹ thuật các vùng, miền tham dự rất đông đảo nhờ sự giúp đỡ và bảo trợ của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Có thể nói, mỗi triển lãm khu vực là ngày hội của tác giả Mỹ thuật các khu vực. Các cuộc triển lãm được tổ chức khá bề thế, nhiều tác phẩm được lựa chọn trưng bày, thu hút đông đảo người yêu mến bộ môn tạo hình. Hội đồng nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam làm việc nghiêm túc và chu đáo.

Về Âm nhạc, hội đồng chuyên ngành Âm nhạc đã xem xét 50 ca khúc của 50 tác giả. Các tác phẩm âm nhạc được thể hiện bằng hình thức ca khúc là chính, có gửi kèm theo CD hoặc DVD (một số tác giả). Chủ đề nói về quê hương, biển đảo, về người lính, về các miền quê... Các nhân vật lịch sử như Trần Nhân Tông, chiến sỹ Trần Cao Vân, về Bác Hồ, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về Tổ quốc, người mẹ...Ngôn ngữ âm nhạc trong sáng, giản dị, thuộc dòng âm nhạc chính thống, dễ hát dễ nghe, tuy nhiên, thiếu những yếu tố mới về giai điệu, ca từ, cấu trúc tác phẩm. Nhiều ca khúc mang âm hưởng Dân ca đậm nét các vùng miền như: quan họ, hát Xoan Ghẹo, Ví Giặm - Nghệ Tĩnh, Dân ca Tây Nguyên...Tuy chất lượng các tác phẩm khá đồng đều, không có tác phẩm nào yếu nhưng Hội đồng nhất trí không có giải A. Có 02 giải B, 03 giải C và 01 giải khuyến khích.

Về Văn nghệ dân gian, số lượng tác giả dự giải năm nay không nhiều (08 tác phẩm), Hội đồng trao giải C cho công trình nghiên cứu Tín ngưỡng và phong tục của người Tày tỉnh Lạng Sơn của tác giả Hoàng Văn Páo - Lạng Sơn và giải Khuyến khích cho tác phẩm Khảo cứu về tục ngữ của tác giả Nguyễn Công Hảo - Bắc Ninh. Hội cũng đề nghị Liên hiệp trao giải cho tác phẩm xuất sắc nhất của Hội là tác phẩm Đời sống xã hội, kinh tế, văn hóa của ngư dân và cư dân vùng biển Nam bộ của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phan Thị Yến Tuyết. Đây là công trình nghiên cứu xuất sắc, tiêu biểu về đời sống xã hội, kinh tế, văn hóa của ngư dân vùng biển Nam bộ.          Về Nhiếp ảnh, các tác phẩm Nhiếp ảnh tham dự Giải thưởng Liên hiệp năm nay hầu hết là tác phẩm tốt phản ánh đa dạng mọi mặt của cuộc sống, đáp ứng cả về nội dung và nghệ thuật thể hiện. Nhiều tác phẩm đã từng đoạt giải cao tại các cuộc thi cấp quốc gia, khu vực, tỉnh thành... Giải A thuộc về tác phẩm Thăng hoa của tác giả Nguyễn Trung Kiên (Cần Thơ). Tác phẩm này cũng đã đoạt Huy chương Vàng cuộc thi ảnh quốc tế VN-15 ở chủ đề Khoảnh khắc thăng hoa. Với bố cụ chặt chẽ, nguồn sáng đẹp, khoảnh khắc bấm máy tốt, bức ảnh vừa có chất báo chí vừa mang đậm tính nghệ thuật, hàm chứa nhiều thông điệp trong một bức ảnh, thể hiện được hơi thở của cuộc sống, của thời đại. Các tác phẩm đoạt giải B, giải C và khuyến khích đều là những tác phẩm sử dụng rất tốt ngôn ngữ nhiếp ảnh để thể hiện các mặt khác nhau của cuộc sống như bảo tồn văn hóa dân tộc, vẻ đẹp trong lao động... Hình ảnh đẹp về con người trong đó có cả nạn nhân chất độc da cam dù chịu nhiều khó khăn, thiệt thòi vẫn ánh lên nụ cười lạc quan hay vẻ đẹp hồn nhiên của em bé vùng cao...

Về các chuyên ngành: Điện ảnh, Sân khấu, Múa, thành tựu nghệ thuật của các lĩnh vực điện ảnh, sân khấu, múa trong những năm qua là khá ấn tượng với nhiều tác phẩm ra đời được quần chúng mến mộ và giới chuyên môn đánh giá cao. Năm nay, Hội nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam đề nghị Liên hiệp trao giải xuất sắc nhất của Hội cho tác phẩm Mai Hắc Đế (Tác giả: Nguyễn Thế Kỷ, Đạo diễn: NSUT Triệu Trung Kiên, Đơn vị biểu diễn: Nhà hát Cải lương Việt Nam). Đây là vở cải lương đề tài lịch sử. Tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã cân nhắc từng chi tiết, lựa chọn câu chữ giản dị, dễ hiểu. Nhà hát Cải lương Việt Nam lần đầu tiên dàn dựng vở diễn với quy mô lớn phản ánh một thời kỳ hào hùng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Mai Hắc Đế, vị chỉ huy kiệt xuất này không chỉ huy động toàn dân tộc mà ông đã huy động được cả hàng chục vạn quân sỹ của các nước láng giềng chung sức chống lại cuộc bành trướng của nhà Đường từ hàng nghìn năm trước. Vở Cải lương Mai Hắc Đế của Nguyễn Thế Kỷ càng có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi hiện nay giặc giã đang ngày đêm tìm cách vi phạm, xâm lấn chủ quyền đất nước; Hội Điện ảnh Việt Nam đề nghị Liên hiệp trao giải xuất sắc nhất của Hội cho tác phẩm Những đứa con của làng (tác giả NSUT Nguyễn Đức Việt). Giải C của Liên hiệp cho tác phẩm Hát đình – Áo cơm và nghiệp tổ (Phim tài liệu của tác giả Ngô Văn Hiếu); Riêng Kiến trúc, sau nhiều năm vắng bóng tác phẩm tham dự Giải thưởng Liên hiệp, năm nay, Hội Kiến trúc sư Việt Nam giới tác phẩm xuất sắc nhất của Hội là Bạc Liêu Tower của tác giả, KTS Khương Ngọc Huy (TP. Hồ Chí Minh).

 
 Nhà thơ Hữu Thỉnh vui mừng trước các kết quả đạt được của giải thưởng VHNT năm 2015 (Ảnh: Hoàng Sơn)
 
 Trao giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc (Ảnh: Hoàng Sơn)

Với 340 tác phẩm của 55 Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố tham dự giải, kết quả có 30 Hội có giải. Có 58 tác phẩm đoạt giải (02 giải A, 10 giải B, 20 giải C, 16 giải Khuyến khích và 10 giải dành cho Tác giả Trẻ).

Như vậy, tổng hợp kết quả Giải thưởng VHNT năm 2015 của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam là 67 giải được trao cho các tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất.

Giải thưởng phân bố trong các chuyên ngành như sau: Văn xuôi (11 tác phẩm), Thơ (09 tác phẩm), LLPB Văn học (04 tác phẩm), Mỹ thuật (11 tác phẩm), Âm nhạc (06 tác phẩm), Điện ảnh (01 tác phẩm), Nhiếp ảnh (10 tác phẩm), Múa (02 tác phẩm), Văn nghệ dân gian (02 tác phẩm), Sân khấu (02 tác phẩm). Một số Hội VHNT tỉnh, thành phố có nhiều tác phẩm đoạt giải: Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An:05 tác phẩm, Hội Liên hiệp VHNT Phú Thọ: 04 tác phẩm...

Nhật Minh, Hoàng Sơn 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất