Thứ Tư, 25/9/2024
Chính sách
Thứ Ba, 7/9/2010 11:18'(GMT+7)

Triển khai đề án phát triển nghề công tác xã hội

Ngày 25/3/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020 (gọi tắt là Đề án 32). Mục tiêu của đề án là phát triển công tác xã hội thành một nghề ở Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề công tác xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến.

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm đã nhấn mạnh mục đích của Đề án. Trước mắt, Đề án tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến nghề công tác xã hội (mã ngạch, chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức công tác xã hội, tiêu chuẩn đạo đức viên chức, nhân viên công tác xã hội…). Theo Thứ trưởng, một yếu tố có tính chất quyết định là đào tạo con người được Ban chỉ đạo Đề án hết sức quan tâm. Người làm công tác xã hội cần phải được đào tạo, có chuyên môn, có kỹ năng, kiến thức để giúp đỡ người trong cộng đồng có hiệu quả nhất. Hiện nay, lực lượng cán bộ công tác xã hội cấp xã, phường phần lớn chưa được đào tạo. Các nhân viên công tác xã hội chỉ được đào tạo đến trình độ sơ cấp, càn tiến tới đào tạo tới trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ. Một mục tiêu cũng hết sức quan trọng là hình thành mạng lưới rộng khắp từ trung ương đến cấp xã, phường nhằm cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ, giải quyết vướng mắc… tới mọi người dân

Đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số hoạt động như thành lập ban chỉ đạo và tổ giúp việc Đề án 32; xây dựng, ban hành mã số ngạch, chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức công tác xã hội; ban hành tiêu chuẩn chăm sóc tối thiểu trong các cơ sở bảo trợ xã hội; xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn sử dụng viên chức, nhân viên, cộng tác viên và cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội các cấp... Bộ cũng đã nghiên cứu, xây dựng chương trình đào tạo công tác xã hội trình độ trung cấp hệ vừa học vừa làm cho nhân viên công tác xã hội; nghiên cứu, áp dụng ngạch bậc lương đối với các ngạch viên chức công tác xã hội.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch triển khai Đề án 32 giai đoạn 2011-2015 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2011. Theo kế hoạch, các hoạt động nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phát triển nghề công tác xã hội; thí điểm các trung tâm công tác xã hội tại cấp huyện, cấp tỉnh sẽ được chú trọng. Bộ cũng sẽ ban hành các giáo trình đào tạo công tác xã hội và tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ công tác xã hội cho đội ngũ nhân viên; tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác xã hội.

Tại buổi họp báo, bà Lê Hồng Loan, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em, UNICEF nhấn mạnh: Quyết định số 32 là một Quyết định hết sức kịp thời, hỗ trợ tích cực và có hiệu quả công tác an sinh xã hội, nhất là đối với người thu nhập thấp, người già, trẻ em. Trong thời gian tới UNICEF sẽ tiếp tục hỗ trợ việc xây dựng vvà ban hành mã ngạch, chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức công tác xã hội; củng cố chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ công tác xã hội có kỹ năng, trình độ; hỗ trợ tham gia các hiệp hội để trao đổi kinh nghiệm. Đặc biệt, bà cũng nhấn mạnh, để phát triển nghề công tác xã hội, không chỉ cần đẩy mạnh nguồn cung mà còn cần nâng cao nhu cầu của người dân. Vì vậy, cần tăng cường truyền thong để người dân nhận thức được tầm quan trọng và tác động tích cực đối với xã hội của nghề này, từ đó thúc đẩy nghề này phải triển.

Trong 2 ngày 9 và 10/9 tới, Hội nghị triển khai Đề án phát triển nghề công tác xã hội sẽ được tổ chức tại Hạ Long.

Theo Hiệp hội nhân viên công tác xã hội Quốc tế thông qua tháng 7/2000 tại Montréal, Canada (IFSW): “Công tác xã hội là một chuyên ngành để giúp đỡ cá nhân, nhóm hoặc cộng đồng tăng cường hay khôi phục việc thực hiện các chức năng xã hội của họ và tạo những điều kiện thích hợp nhằm đạt được các mục tiêu đó. Nghề Công tác xã hội thúc đẩy sự thay đổi xã hội, giải quyết vấn đề trong mối quan hệ của con người, tăng năng lực và giải phóng cho người dân nhằm giúp cho cuộc sống của họ ngày càng thoải mái, dễ chịu. Vận dụng các lý thuyết về hành vi con người và hệ thống xã hội, Công tác xã hội tương tác vào những điểm giữa con người với môi trường của họ. Nhân quyền và Công bằng xã hội là các nguyên tắc căn bản của nghề".

 Dương Ngọc

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất