Đề án 30 đã có tác động lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân và tác động to lớn đến hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước. Đây là nền tảng quan trọng để tiến hành cuộc cải cách hành chính sâu hơn, mạnh mẽ hơn.
Chiều 31/8, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã làm việc với Đoàn công tác của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về việc giám sát thực hiện Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước giai đoạn 2007-2010 (Đề án 30).
TS. Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, cá nhân ông và nhiều thành viên trong Ủy ban Pháp luật đánh giá cao những kết quả mà Đề án 30 mang lại cho người dân và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh, Chính phủ cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa để tiến tới nâng cao tính minh bạch và chuyên nghiệp của nền hành chính quốc gia.
Ủy ban Pháp luật luôn ủng hộ và chia sẻ những nỗ lực to lớn của Chính phủ trong quá trình thực hiện Đề án 30.
Đề án 30 đã có tác động lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân và tác động to lớn đến hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước. Đây là nền tảng quan trọng để tiến hành cuộc cải cách hành chính sâu hơn, mạnh mẽ hơn.
Dẫn đầu Đoàn công tác OECD, ông Josef Konvitz, Trưởng ban cải cách thể chế, cho rằng, việc xây dựng kế hoạch cho Chương trình cải cách TTHC giai đoạn 2011-2020 cần tạo tính đột phá để thu hút được sự quan tâm, vào cuộc của các lực lượng, ngành nghề trong xã hội.
Trước đó, ngày 30/8, Đoàn công tác OECD đã làm việc với đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Hiệp hội nghề nghiệp, ngành hàng về sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào Đề án 30./.
(Theo: chinhphu.vn)