Từ năm 1961 đến 1971, Quân đội Mỹ đã sử dụng hơn 80 triệu lít chất độc hoá học các loại với tên gọi “chất khai quang, diệt cỏ và làm rụng lá” để rải xuống các chiến trường miền Nam Việt Nam, trong đó có 50 triệu lít chất da cam. Ước tính có khoảng 360 kg dioxin trong tổng số 80 triệu lít chất độc hoá học đã được rải xuống 10% diện tích miền Nam nước ta.
Chất da cam là hỗn hợp gồm 2 chất diệt cỏ và làm rụng lá chủ yếu là 2,4-D (Dichlorophenoxyacetic acid) và 2,4,5-T (Trichlophenoxyacetic acid). Do 2,4,5-T có khả năng gây ung thư và quái thai nên đã bị cấm dùng ở Hoa Kỳ và nhiều nước khác từ đầu 1970. Tuy vậy, chất này vẫn được Quân đội Mỹ sử dụng dưới dạng chất da cam với liều lượng gấp 13-14 lần cao hơn mức cho phép dùng trong nông nghiệp. Mặt khác, trong quá trình sản xuất 2,4,5-T ở nhiệt độ cao đã sinh ra một chất khác có tên là 2,3,7,8-TCDD (Tetra Chloro Dibenzo-para-Dioxin và gọi tắt là dioxin).
Dioxin là chất cực kỳ độc hại mà con người đã tìm ra cho đến nay: với nồng độ một phần tỷ gam (nanogam) trên 01 kg trọng lượng cơ thể, nó có thể gây ung thư; suy giảm miễn dịch và các tai biến sinh sản. Chất này lại rất bền vững, thời gian bán huỷ trong đất là 100 năm, trong các mô mỡ của người từ 7 - 11 năm. Như vậy, phải mất 200 năm sau, dioxin mới bị tiêu huỷ hoàn toàn trong đất và nước; còn khi nó đã thâm nhập vào cơ thể người thì dù vài chục năm sau, chất này mới bị tiêu huỷ hết nhưng chỉ cần một thời gian ngắn tiếp xúc, nó đã có thể gây nên các hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe con người. Do khối lượng chất da cam chiếm chủ yếu trong số chất độc hóa học mà Quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam (50/80 triệu lít) và trong thành phần chất da cam có chứa dioxin, vì vậy nói đến chất da cam là nói đến dioxin.
Tác hại của chất da cam đối với sức khỏe con người:
Chất da cam tác động đến con người bằng 2 cách: trực tiếp là khi chúng ta tiếp xúc với chúng qua ăn, uống, hít thở hoặc qua da; gián tiếp là khi những người con (thế hệ thứ 2) hoặc cháu (thế hệ thứ 3) sinh ra bị dị tật bẩm sinh hoặc quái thai do người bố hoặc người mẹ (thế hệ thứ nhất) trước đó đã bị tác động trực tiếp của chất da cam hoặc dioxin (do các chất hoá học này làm tổn thương tế bào sinh dục của thế hệ thứ nhất rồi di truyền lại cho các thế hệ kế tiếp; tại các “điểm nóng” còn tồn lưu dioxin hiện nay, các chất hoá học này có thể tác động trực tiếp lên phát triển phôi nếu người mẹ bị nhiễm khi mang thai).
Hiện nay, hầu hết các khu vực mà trước đây đã bị rải chất độc hoá học, chất da cam đã không còn, nồng độ dioxin ở mức cho phép. Tuy nhiên, còn một số “điểm nóng” (như các sân bay: Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát,… đã từng là kho chứa các hóa chất này; nguồn: “Đánh giá ô nhiễm dioxin trong môi trường và dân cư ở vùng lân cận căn cứ không quân Đà Nẵng, Việt Nam”, Hatfield, 4/2007) thì nồng độ dioxin vẫn còn ở mức rất cao, thậm chí gấp hàng trăm hoặc hàng nghìn lần mức cho phép. Những năm gần đây, Chính phủ Mỹ phải tài trợ kinh phí nhằm tẩy độc môi trường và khắc phục hậu quả nhân đạo tại các vùng đó.
Khi có tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với chất da cam, tùy mức độ tiếp xúc nhiều hay ít, sức đề kháng của cơ thể tốt hay không mà có các biểu hiện sau đây:
Tác hại tức thì: chất da cam tác động trực tiếp vào cơ thể có thể gây chết người ở trạng thái suy kiệt; gây suy giảm miễn dịch dẫn đến các bệnh nhiễm khuẩn; gây rối loạn chuyển hoá nội tiết và vitamin (đặc biệt thiếu vitamin A gây mù lòa).
Tác hại lâu dài, gồm các bệnh lý:
- Xuất hiện bệnh lý chung ở các bộ máy tiêu hoá (như: giảm chức năng gan, xơ gan; viêm loét dạ dày, tá tràng, đại tràng); làm suy nhược thần kinh; cao huyết áp, xơ vữa động mạch, rối loạn tuần hoàn não; các bệnh ngoài da (xạm da, viêm da)...
- Các tai biến sinh sản: sẩy thai tự nhiên, đẻ non; thai chết lưu; chửa trứng, ung thư màng nuôi; dị tật bẩm sinh (vô não, não teo nhỏ, não úng thuỷ, dị tật cột sống, sứt môi, hở hàm ếch, khoèo chân tay); quái thai (thai đôi dính nhau); vô sinh. Đáng lưu ý là một cặp vợ chồng có thể xuất hiện liên tiếp nhiều con (thế hệ thứ 2) hoặc cháu (thế hệ thứ 3) bị dị tật (ở Cà Mau, Thái Bình có 5 đến 6 con trong một gia đình liên tiếp bị dị tật). Cũng có trường hợp bố hoặc mẹ bị ảnh hưởng trực tiếp chất da cam nhưng không xuất hiện dị tật ở thế hệ thứ 2 (con) mà xuất hiện ở thế hệ thứ 3 (cháu), đó là những trường hợp thế hệ thứ 2 mang gen lặn. Về mặt di truyền, chúng ta chưa thể khẳng định tác hại của chất da cam, dioxin chỉ dừng lại ở thế hệ thứ 3 hoặc thứ 4.
- Ung thư: đặc biệt là ung thư gan nguyên phát; ung thư tế bào nuôi của nhau thai; ung thư họng, hầu và ung thư máu.
- Suy giảm miễn dịch dẫn đến mắc các bệnh nhiễm khuẩn.
Cách nhìn nhận và giải quyết của Chính phủ Mỹ đối với Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC):
- Trước năm 1979, các Chính phủ kế tiếp nhau của Hoa Kỳ và các cơ quan khoa học do Chính phủ Mỹ tài trợ ra sức phủ nhận mọi hậu quả của các chất hoá học đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đối với sức khoẻ con người.
- Từ năm 1979, nhiều cựu chiến binh Mỹ đấu tranh đòi bồi thường về những bệnh tật nghi do chất da cam. Theo luật của Hoa Kỳ, các cựu chiến binh không được phép kiện Chính phủ về các việc đã xảy ra trong chiến tranh, vì vậy, các đơn kiện tập trung vào các công ty hoá chất đã cung cấp các chất đó. Tháng 5/1984, vụ kiện thắng lợi, các công ty hoá chất đóng góp 180 triệu USD để hình thành Quỹ bồi thường cho các cựu chiến binh Mỹ được thừa nhận bị tác hại của chất da cam (đến năm 1988, Quỹ này lên tới 240 triệu USD). Trong số 68.000 đơn khiếu nại, có khoảng 40.000 người đã nhận được trợ cấp hàng tháng với mức ít nhất 256 USD và cao nhất không quá 12.800 USD cho một người hoặc một gia đình.
- Cuối thập kỷ 80, việc nghiên cứu hậu quả chất da cam mới được đẩy mạnh sau khi có sự tham gia của nguyên Đô đốc Hải quân Mỹ E. Zumwalt (là người quyết định cho rải chất da cam dọc các kênh rạch ở miền Nam Việt Nam để bảo vệ tàu tuần tra Hải quân Mỹ. Bi kịch đã xảy ra với chính gia đình Zumwalt: con trai ông ta, đại uý Elmo Zumwalt, lúc đó đang thực hiện các cuộc tuần tra trên các dòng sông và thường bơi lội vào các buổi chiều, ăn uống ở các chợ ven sông. Hết nhiệm kỳ ở Việt Nam, Elmo trở về Mỹ lấy vợ và sinh con. Đứa trẻ đã phát triển không bình thường, bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh, còn Elmo bị mắc 2 bệnh ung thư và chết vào năm 1988. Bên giường bệnh của Elmo, hai cha con Zumwalt đã nghĩ tới tác hại của chất da cam). Chính E. Zumwalt đã phát hiện những sai lầm trong các công trình nghiên cứu trước đó và đấu tranh đòi Quốc Hội nước này phải mở cuộc điều trần công khai 28 loại bệnh liên quan đến chất da cam và dioxin.
- Năm 1994, Viện Quốc gia Y học Hoa Kỳ đã công bố danh sách các loại bệnh do chất da cam gây nên. Cũng từ năm 1991, Chính phủ Mỹ bắt đầu bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam, theo đó, nếu mất 10% sức lao động, được trợ cấp 89 USD/tháng; nếu mất 100% sức lao động thì mức trợ cấp là 1.823 USD/người/tháng. Chính phủ còn có trách nhiệm bồi thường cho gia đình có người chết vì chất da cam; trợ cấp tàn phế; trợ cấp khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng cho các nạn nhân.
Chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với NNCĐDC
- Tháng 4/1998, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 74/1998/QĐ-TTg về điều tra, xác định nạn nhân bị hậu quả chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam và tháng 02/2000, đã ký Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg về một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học.
- Ngày 29/6/2005, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (số 26/2005/PL-UBTVQH 11) và Chính phủ đã có Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 quy định người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học là người có công với cách mạng. Theo đó, ngoài chế độ trợ cấp, các đối tượng này được hưởng các ưu đãi khác như bảo hiểm y tế; điều dưỡng phục hồi sức khoẻ, phục hồi chức năng lao động; cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, ... con đẻ của họ được hưởng trợ cấp hàng tháng và các chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo.
- Căn cứ Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT ngày 20/02/2008 của Bộ Y tế ban hành danh mục 17 bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liến quan đến phơi nhiễm chất độc da cam, dioxin, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học được Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh trở lên xác định mắc 1 trong 17 bệnh tật, dị dạng, dị tật do Bộ Y tế quy định thì được giải quyết chế độ; tỷ lệ suy giảm khả năng lao động là căn cứ để xếp hưởng trợ cấp ở mức 1 (từ 81% trở lên) hoặc mức 2 (từ 61-80%).
Có thể nói rằng, nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách đối với NN.CĐ.DC; hàng năm, Chính phủ đã chi khoảng 800 tỷ đồng cho việc khắc phục hậu quả chất độc hoá học. Tính đến tháng 6/2009, có khoảng 175.000/600.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị ảnh hưởng của chất độc hoá học đã được hưởng chế độ ưu đãi (chiếm 29,2%). Tuy nhiên, chính sách này vẫn phải tiếp tục hoàn thiện do diện được trợ cấp mới gần 30%; những người dân thường và con của họ cũng như thế hệ thứ 3 (cháu) của những người tham gia kháng chiến và của dân thường chưa được hưởng.
Các NN.CĐ.DC Việt Nam kiện các công ty hoá chất Mỹ, đòi công lý
Tháng 01/2004, Nhóm bảo vệ quyền lợi của NNCĐDC là Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã khởi kiện 37 công ty hoá chất Mỹ đòi phải bồi thường do trách nhiệm gây ra thương tích vì đã sản xuất các chất hóa học này. Đó là các công ty Dow Chemical, Montaso Ltd, Phamacia Corporation và Hercules Incorporated.
Cho đến nay, vụ kiện đã qua phiên tòa sơ thẩm (Tòa án Liên bang tại quận Brooklyn) và tòa phúc thẩm (Tòa kháng án liên bang khu vực 2 ở New York) nhưng đều bị bác đơn kiện với lý do: bên nguyên đơn chưa có bằng chứng khoa học chứng minh mối quan hệ giữa bệnh tật của họ với chất dioxin; không có căn cứ pháp luật quốc tế; các công ty hóa chất chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng của chính phủ Mỹ nhưng chính phủ Mỹ lại có quyền miễn tố. Ngày 02/3/2009, Toà án Tối cao Mỹ đã bác đơn thỉnh cầu của nguyên đơn VAVA.
Mọi người chúng ta đều rất dễ hiểu là các công ty hoá chất này cũng như Chính quyền Mỹ không dễ dàng thừa nhận những tội ác mà họ gây ra đối với người dân Việt Nam do việc sử dụng chất da cam, dioxin. Chúng ta chỉ yêu cầu họ phải bồi thường cho các NNCĐDC ở Việt Nam như chính các NNCĐDC ở Mỹ.
Nhiều tổ chức xã hội đã kêu gọi ủng hộ NNCĐDC, ủng hộ bên nguyên đơn. Đặc biệt, ông Len Aldis - Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Anh Việt đã lập một trang web để kêu gọi ký tên vì công lý của các NNCĐDC Việt Nam.
Trong 2 ngày 15 và 16/5/2009 tại Pari, Cộng Hoà Pháp, theo sáng kiến của Hội Luật gia Dân chủ Thế giới, Toà án Lương tâm của Nhân dân thế giới đã xét xử tội ác của các chính quyền Hoa Kỳ từ năm 1961 đến 1971 liên quan đến việc rải chất độc hoá học xuống miền Nam Việt Nam đã gây tác hại ghê gớm về sức khoẻ con người, môi trường và hệ sinh thái. Hậu quả là 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc, trong đó 3 triệu người hiện là nạn nhân của chất độc da cam, trở thành khuyết tật về thể chất và tinh thần, cũng như dị dạng và quái thai và di chứng lâu dài cho nhiều thế hệ. Dựa trên các chuẩn mực của pháp luật quốc tế và luật tập quán quốc tế, các thẩm phán chủ toạ phiên toà đã kết luận: việc chính quyền Hoa Kỳ sử dụng chất độc da cam là hành động tội ác chiến tranh chống loài người và tội diệt chủng về con người và môi trường ở Việt Nam. Toà cũng kết luận rằng, các công ty hoá chất Mỹ là những kẻ đồng phạm của những hành động vi phạm pháp luật quốc tế này cùng với chính phủ Hoa Kỳ. Vì vậy, toà tuyên án chính phủ Hoa Kỳ cùng với các công ty hoá chất Mỹ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và bồi thường cho những NNCĐDC, cho sự huỷ diệt môi trường và sinh thái của Việt Nam. Toà án cũng yêu cầu cần phải thành lập một Uỷ ban Chất độc Da cam nhằm đánh giá khoản tiền bồi thường đối với mỗi NNCĐDC, gia đình và cộng đồng của họ,….
Đề xuất các giải pháp giải quyết vấn đề NNCĐDC ở Việt Nam
a. Trước hết, cần tiến hành rà soát, thống kê và phân loại số NNCĐDC (trực tiếp và gián tiếp) căn cứ theo 2 nhóm tiêu chí: (i) sống trong vùng có rải chất da cam trong những năm 1961 đến 1975 hoặc đang sống tại các “điểm nóng”; (ii) bị mắc 1 trong các nhóm bệnh có liên quan đến chất da cam (các nhóm bệnh này cũng phải được bổ sung, hoàn chỉnh trên cơ sở tham khảo tiêu chí của các nhà khoa học Mỹ).
b. Trên cơ sở thống kê và phân loại NNCĐDC mà bổ sung, hoàn chỉnh chính sách hiện hành về bảo trợ xã hội, bao gồm cả chính sách đối với dân thường và con, cháu của họ bị di chứng của chất da cam.
c. Đối với những người bị ảnh hưởng trực tiếp chất da cam trong chiến tranh (từ 1961 đến 1975), đến nay hầu hết đã cao tuổi (trừ các khu vực “điểm nóng”), vì vậy cần khám sức khỏe định kỳ cho họ nhằm phát hiện các bệnh mới và tái điều trị bệnh cũ (nếu có). Đối với những người nam giới đã có tiền sử kết hôn và sinh con bị dị tật, cần tư vấn về mặt di truyền để họ lựa chọn cách sinh những đứa con lành lặn và khỏe mạnh.
d. Đối với những người bị ảnh hưởng gián tiếp chất da cam (từ thế hệ thứ 2 trở đi, tức là con, cháu, chắt,...của thế hệ thứ nhất đã bị ảnh hưởng trực tiếp chất da cam), có 3 dạng sau đây:
- Người có thể chất và tinh thần khỏe mạnh, không có dị tật, khả năng lao động và học tập bình thường như những người khác: Khi kết hôn và mong muốn có con, vẫn cần tư vấn cho họ về mặt di truyền nhằm đảm bảo sinh ra những đứa con khỏe mạnh (đây là biện pháp đề phòng các trường hợp mang gen lặn ở thế hệ thứ hai).
- Người có dị tật ở cơ quan vận động hoặc ở vùng hàm mặt làm mất hoặc giảm khả năng đi lại, khả năng phát âm: Các cơ quan chức năng và các đoàn thể xã hội cần phối hợp chặt chẽ để giúp đỡ họ theo mô hình phát triển bền vững mà Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đang làm ở 5 tỉnh Tây Nguyên và Tây Ninh, bao gồm 5 công đoạn nối tiếp nhau: (i) Phẫu thuật chỉnh hình; (ii) Phục hồi chức năng cơ quan vận động; (iii) Đào tạo nghề phù hợp; (iv) Cho vay vốn phát triển sản xuất theo nghề đã được đào tạo để tăng thu nhập,...
Trong trường hợp những người này muốn kết hôn và có con, cần tiến hành tư vấn di truyền kết hợp với chẩn đoán trước sinh (phát hiện rối loạn nhiễm sắc thể bằng kỹ thuật di truyền; phát hiện các dị tật từ tháng thứ 3 trong bụng mẹ bằng chẩn đoán hình ảnh) nhằm hạn chế việc sinh ra những đứa con bị dị tật bẩm sinh.
- Người có đa dị tật, người có dị tật nặng làm mất khả năng vận động và tư duy, cần đảm bảo cho họ được sống tại các trung tâm bảo trợ xã hội hoặc tham gia chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
TS Võ Đình Vinh
Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam