Thứ Tư, 25/9/2024
Chính sách
Thứ Ba, 17/8/2010 21:8'(GMT+7)

Chặt chẽ, khách quan và công bằng

Đây là sự khoan hồng đặc biệt của Đảng, Nhà nước ta, thể hiện truyền thống nhân đạo của dân tộc ta đối với những người phạm tội bị kết án phạt tù có nhiều thành tích trong quá trình cải tạo. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã làm việc với các cơ quan chức năng và tới một số trại giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để tìm hiểu việc triển khai thực hiện Quyết định 697 của Chủ tịch nước.

Những điểm mới trong đặc xá năm 2010

Các phạm nhân Trại giam Hoàng Tiến nghiên cứu điều kiện, tiêu chuẩn đề nghị đặc xá.

Ngoài đối tượng đang chấp hành hình phạt tù ở trại giam, trại tạm giam còn có thêm đối tượng đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù cũng được xem xét đề nghị đặc xá. Cụ thể đối tượng xem xét gồm: Phạm nhân phạm các tội về ma túy, thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại cao nhất là 3 năm trở xuống. Phạm nhân chưa thực hiện xong hình phạt tiền, nộp án phí, nếu có đủ điều kiện khác vẫn được đề nghị. Người bị kết án tù là Nghệ sĩ nhân dân, Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân hoặc người bị kết án tù về “các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế”, “các tội phạm về chức vụ” (quy định tại Bộ luật Hình sự năm 1999) không bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, nộp án phí và nghĩa vụ dân sự khác hoặc đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí và nghĩa vụ dân sự khác thì được hưởng điều kiện chấp hành 1/4 thời gian (đối với tù có thời hạn), 12 năm (đối với tù chung thân). Phạm nhân có thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại nhiều hơn (8 năm đối với đối tượng được hưởng 1/3, 10 năm đối với đối tượng được hưởng 1/4) cũng được đề nghị xét đặc xá.

Phạm nhân “xét duyệt” phạm nhân!

Một trong những điểm đáng chú ý để bảo đảm dân chủ, công khai trong xét duyệt đặc xá năm nay là việc lấy ý kiến đánh giá của các phạm nhân trong trại về đối tượng được đề nghị xét đặc xá thông qua hình thức bỏ phiếu kín. Theo Thượng tá Phạm Hữu Học, Giám thị Trại giam Ninh Khánh, Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp (Tổng cục VIII), Bộ Công an: Đây chính là tiền đề để Hội đồng xét duyệt đặc xá trại Ninh Khánh đánh giá chính xác về các đối tượng thuộc diện xét đặc xá lần này trước khi trình lên trên. Trại đã phổ biến đầy đủ ý nghĩa, nội dung công tác đặc xá, chính sách khoan hồng của Nhà nước, điều kiện tiêu chuẩn xét đặc xá tới các phân trại, các tổ và tới từng phạm nhân để họ nắm vững trước khi bỏ phiếu lựa chọn ra các phạm nhân đủ tiêu chuẩn đề nghị xét đặc xá. Tại các phòng giam thuộc trại Ninh Khánh, trại Hoàng Tiến... chúng tôi thấy, Quyết định về đặc xá năm 2010 của Chủ tịch nước và hướng dẫn của Hội đồng Tư vấn đặc xá được phô tô, niêm yết để các phạm nhân nghiên cứu.

Danh sách sơ bộ về những phạm nhân đủ điều kiện xét duyệt đặc xá 2010 cũng được các trại giam Ninh Khánh, Hoàng Tiến, Thanh Phong (Tổng cục VIII - Bộ Công an); Trại T82, Trại T771, 974, Trại tạm giam Binh đoàn Quyết Thắng (Bộ Quốc phòng)… thực hiện bình xét công khai, dân chủ. Thượng tá Đỗ Thanh Sơn, Phó giám thị Trại giam Thanh Phong cho biết, Ban Giám thị trại chọn những cán bộ có năng lực, kinh nghiệm để thành lập Hội đồng xét duyệt đặc xá. Sau khi Hội đồng xét duyệt của trại căn cứ vào điều kiện, tiêu chuẩn, quá trình cải tạo của các phạm nhân lập danh sách sơ bộ phạm nhân đủ điều kiện xét duyệt đặc xá rồi đưa xuống các phân trại để lấy ý kiến. Cán bộ các tổ, đội quản lý, giáo dục phạm nhân trên cơ sở đó xem xét, bổ sung, kiến nghị về bản danh sách rồi gửi lên Hội đồng xét duyệt đặc xá của trại để Hội đồng hoàn chỉnh danh sách lần một rồi mới đưa xuống các phòng, ban tự quản của phạm nhân để cán bộ quản giáo và phạm nhân xem xét, bổ sung ý kiến, sau đó tiến hành tổng hợp và tổ chức cho các phạm nhân bỏ phiếu kín để chọn ra các phạm nhân đủ tiêu chuẩn nhất trình cấp trên xét duyệt. Toàn bộ khâu bỏ phiếu, kiểm phiếu, thư ký và ban kiểm phiếu đều do phạm nhân các trại bầu ra, bảo đảm khách quan, dân chủ. Ý kiến các phạm nhân được coi là một trong những cơ sở quan trọng để Hội đồng xét đặc xá trại lập danh sách chính thức đề nghị đặc xá gửi lên trên.

Phạm nhân Cao Thị Lợi, sinh năm 1956, ở 1A, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội, đội viên đội tự quản Trại giam Hoàng Tiến cho chúng tôi biết: "Cách làm của trại rất chặt chẽ, khách quan, dân chủ, không có điều gì khiến các phạm nhân chúng tôi phải nghi ngại". Phạm nhân Trần Thế Vĩ, sinh năm 1974, quê Quốc Tuấn, Nam Sách, Hải Dương, lĩnh án 14 năm về tội giết người là một trong số 614 phạm nhân được Trại giam Hoàng Tiến đề nghị xem xét đặc xá lần này gặp chúng tôi sau khi vừa bỏ phiếu kín bình chọn. Khi được hỏi về việc tổ chức bình chọn của trại, Vĩ nói: "Cách làm của các cán bộ là rất dân chủ, khách quan. Vì thế chúng tôi, người được đề nghị xét đặc xá cũng như người không được đề nghị đều cảm thấy thoải mái. Nhiều người không có tên trong danh sách đề nghị đặc xá đợt này đều bày tỏ quyết tâm phấn đấu để có tên trong danh sách đề nghị đặc xá những đợt sau".

Giúp những người được đặc xá sớm hòa nhập cộng đồng

Các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng còn chuẩn bị chu đáo các điều kiện giúp đỡ người được đặc xá ngay sau khi trở về địa phương không để xảy ra phức tạp, đặc biệt là không tái phạm mà sớm trở thành công dân có ích. Trung tá Nguyễn Văn Tỏ, Phó giám thị Trại giam Hoàng Tiến cho biết: Ngay sau khi cấp trên thẩm định xong danh sách đề nghị đặc xá, Ban Giám thị Trại đã xây dựng kế hoạch giúp đỡ, giáo dục, tạo điều kiện để các phạm nhân sau khi ra tù sớm hòa nhập cộng đồng. Cụ thể trại sẽ tổ chức cho phạm nhân học Luật Cư trú, Luật Giao thông Đường bộ - Đường sắt, Luật Đặc xá...; trang bị cho phạm nhân những hiểu biết cần thiết về công tác phòng, chống ma túy, HIV/AIDS; các kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống để chống kỳ thị và tư vấn hướng tìm kiếm việc làm.

Các phạm nhân Trại giam Hoàng Tiến tập văn nghệ chuẩn bị cho lễ công bố Quyết định đặc xá năm 2010.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, lãnh đạo các trại còn phối hợp với Công an các địa phương có phạm nhân được đề nghị đặc xá về cư trú trên địa bàn đến tận các trại làm thủ tục cấp Chứng minh thư nhân dân cho những phạm nhân bị mất, hay chưa làm hoặc bị hỏng. Theo Thượng tá Phạm Hữu Học: Việc làm này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các phạm nhân trong thực hiện các giao dịch dân sự khi có nhu cầu, mặt khác cũng giúp các địa phương quản lý người được đặc xá trở về chặt chẽ, hiệu quả hơn. Phạm nhân Mùa A Chào, quê ở bản Chung Chải, xã Pà Về Sử, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, đang cải tạo tại Phân trại số 1, Trại giam Ninh Khánh thừa nhận: "Việc cấp Chứng minh thư nhân dân trước khi được đặc xá sẽ giúp cho phạm nhân về địa phương có thể sớm xin được việc làm hoặc đăng ký học các ngành nghề phù hợp với mình. Việc học tập pháp luật cũng giúp người được đặc xá cập nhật, hiểu rõ hơn về các quy định của Nhà nước. Bởi nhiều phạm nhân do chấp hành hình phạt tù quá lâu trong khi quy định của pháp luật có nhiều thay đổi, bổ sung nên không nắm được...".

Làm việc với Thượng tá Đỗ Quốc Phi, Trưởng phòng Công tác hòa nhập cộng đồng, Cục Giáo dục cải tạo và Hòa nhập cộng đồng (Tổng cục VIII) chúng tôi được biết, ngoài trang bị kiến thức cho người được đặc xá hòa nhập cộng đồng, Tổng cục VIII đã chỉ đạo các trại phối hợp chặt chẽ với Công an các tỉnh, thành phố, các cơ quan, ban, ngành và các địa phương chuẩn bị tốt các điều kiện để tiếp nhận, quản lý giúp đỡ người đặc xá. Nhất là việc bảo đảm phương tiện cho phạm nhân trở về địa phương, đặc biệt là đối với người đặc xá ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Những địa bàn có nhiều phạm nhân được đặc xá đợt cư trú, các trại đã phối hợp với công an, chính quyền địa phương và gia đình có phạm nhân được đặc xá bảo đảm phương tiện đưa phạm nhân về địa phương an toàn, hạn chế thấp nhất tình trạng phạm nhân được đặc xá nhiều ngày mà vẫn chưa trở về trình báo với địa phương./.

(Theo: Hoàng Gia Minh - Phạm Quân/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất