(TCTG) - “Bệnh” phô trương hình thức đã được cảnh báo rất nhiều lần. Nhưng xem ra, “căn bệnh” này không những không có chiều hướng suy giảm, mà ngược lại, nó đã và đang nảy sinh nhiều… triệu chứng mới!
1- Địa phương nọ tổ chức lễ kỷ niệm ngày truyền thống và đón nhận huân chương bậc “vừa vừa” do Nhà nước trao tặng. Ngoài “cờ, đèn, kèn, trống” linh đình, rầm rộ, huyện còn giao cho mấy anh cán bộ Đoàn ra “nghênh tiếp, chào hỏi, giới thiệu” các đoàn đại biểu, các vị quan khách đến dự lễ rất hoành tráng. Mỗi khi có đoàn khách nào đến và đăng ký ghi tên, nhận quà tặng xong, một cán bộ đoàn địa phương đứng bên cạnh tổ lễ tân cầm micrô rồi “phóng” to ra loa phát thanh giới thiệu tên tuổi, chức vụ, cơ quan của đại biểu đến dự. “Đoàn đại biểu Công ty X, do đồng chí Y, Bí thư Đảng ủy kiêm Giám đốc đến dự và chúc mừng huyện nhà. Tuổi trẻ huyện nhiệt liệt chào mừng và xin trân trọng cảm ơn sự hiện diện của các đồng chí”!
Đó chỉ là một ví dụ trong gần 100 lời giới thiệu như thế nối tiếp nhau trong suốt 1 giờ đồng hồ đón tiếp khách. Đến khi chính lễ, phần giới thiệu đại biểu cũng được người làm công tác tổ chức “tua lại” danh sách đại biểu đến dự dài… dằng dặc như cũ! Do địa điểm tổ chức chật chội, thời tiết lại nóng nực nên rất nhiều người cảm thấy mình “bị” tra tấn bởi những lời giới thiệu oang oang kéo dài như… súng liên thanh đến “inh tai, nhức óc”!
2- Trong một ngày diễn ra hội nghị của một ngành có tới 2 nội dung sơ kết và 2 nội dung tổng kết. Sau mỗi nội dung sơ, tổng kết như vậy đều có phần khen thưởng. Một cán bộ đứng đầu của một cơ quan có đến 4 lần đứng lên bục sân khấu nhận bằng khen và giấy khen vì đã có những “thành tích xuất sắc” trong thực hiện các nội dung sơ, tổng kết. Người làm công tác tổ chức tỏ ra “rất mỏi mồm” khi 4 lần giới thiệu vị này như sau: “Xin trân trọng kính mời đồng chí Trần T, Huyện ủy viên, Phó chủ tịch ủy ban nhân dân huyện N, Trưởng ban chỉ đạo cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, lên nhận bằng khen”; “Xin trân trọng kính mới Thạc sĩ Trần T, Huyện ủy viên, Phó chủ tịch ủy ban nhân dân huyện N, Phó trưởng ban chỉ đạo liên ngành văn hóa - giáo dục - y tế - nông nghiệp và phát triển nông thôn - mặt trận tổ quốc - hội nông dân - hội cựu chiến binh - liên minh hợp tác xã, lên nhận giấy khen”…
Hai lần giới thiệu sau còn dài dòng hơn thế nên không tiện trích lại ở đây. Chỉ biết rằng, những lời giới thiệu “dây cà ra dây muống” càng làm “bực mình” thêm các đại biểu dự hội nghị vốn đã quá mệt mỏi sau một ngày ngồi lì trong hội trường để toàn nghe báo cáo và… báo cáo!
3- Đoàn thanh niên cơ quan một ngành của thị xã tổ chức đại hội nhiệm kỳ. Đồng chí trưởng phòng đến dự và phát biểu ý kiến. Đại hội chỉ có khoảng trên dưới hai chục đoàn viên, nhưng người chủ trì đại hội cũng có lời “đáp từ” rất “ngọt”: “Mặc dù bận nhiều công việc, nhưng hôm nay đại hội chi đoàn cơ quan chúng ta rất vui mừng được đón đồng chí Chu S., trưởng phòng N đến dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo đại hội. Đó là những ý kiến rất quan trọng. Tôi đề nghị các đồng chí đoàn viên tiếp thu và thực hiện nghiêm túc những ý kiến chỉ đạo quan trọng này. Với cương vị quan trọng của mình, đại hội chúng ta kính mong được đồng chí trưởng phòng thường xuyên quan tâm, theo dõi và giúp đỡ để chi đoàn hoàn thành thắng lợi những phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới”!
Nghe mấy từ “quan trọng” trong lời đáp từ của người chủ trì đại hội, có người nhếch mép… cười ruồi; Có người thì thào: “Lời phát biểu bình thường thôi, có gì cao siêu đâu mà cứ “quan trọng hóa vấn đề thế nhỉ”?; Có người lại chép miệng: “Ối dào, cũng là một kiểu “ton hót” nhau, nhưng mà hơi… kệch cỡm”! Riêng vị trưởng phòng ngồi ở ghế hàng đầu nghe lại những lời đáp từ ấy, mặt bỗng “đo đỏ” hơn vì chẳng biết phấn chấn hay là…ngượng!
* * *
Xuất phát từ việc sử dụng “quá nhiều, quá dài” những từ như “giới thiệu đại biểu”, “trân trọng”, “kính thưa” trong các hội nghị, hội thảo, nghi lễ mà Chính phủ đã phải ban hành chỉ thị để giảm bớt những thủ tục phiền toái, phiền hà này. Tuy vậy, chỉ thị ra đời đã mấy năm nay rồi, nhưng không ít nơi hoặc là vẫn “ngoảnh mặt làm ngơ”, hoặc là “biết rồi… để đấy”, cho nên cái bệnh phô trương hình thức không bị đẩy lùi, ngăn chặn để “teo tóp” đi, mà những triệu chứng mới lại xuất hiện khiến nguy cơ “căn bệnh” này mỗi ngày “phình to” hơn. Thật buồn thay!
Thiện Văn