Thứ Năm, 10/10/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 19/11/2011 14:24'(GMT+7)

Triều Tiên triển khai pháo gần đảo tranh chấp với Hàn Quốc

Một ngôi nhà trên đảo Di-ơn-piêng bị phá hủy sau đợt nã pháo của Triều Tiên hồi tháng 11-2010. (Ảnh: AP).

Một ngôi nhà trên đảo Di-ơn-piêng bị phá hủy sau đợt nã pháo của Triều Tiên hồi tháng 11-2010. (Ảnh: AP).

Tháng 11 năm ngoái, Triều Tiên đã nã pháo vào Di-ơn-piêng làm chết hai lính Hàn Quốc và hai dân thường, đồng thời phá hủy nhiều tòa nhà. Đây là vụ tấn công đầu tiên làm chết dân thường Hàn Quốc kể từ sau chiến tranh liên Triều 1950-1953.

Cùng ngày 18/11, phía Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đang xây thêm khoảng 20 điểm đặt pháo mới dọc theo bờ biển gần đảo Di-ơn-piêng. Các chốt đặt pháo nằm ở huyện Cang-ri-ông, tỉnh Han-ghê, trên mũi Giang-xan và gần căn cứ quân sự Ka-ê-mô-ri của Triều Tiên. Trước đó, ngày 16-11, Triều Tiên được cho là bắn thử nghiệm các tên lửa đối hạm mới từ máy bay ném bom trên biển Hoàng Hải, khiến Hàn Quốc phải cảnh giác và đặt hệ thống phòng không trong trạng thái báo động.

Các động thái trên có thể làm thổi bùng căng thẳng giữa hai nước trong bối cảnh quan hệ hai nước đã có chút cải thiện trong thời gian gần đây. Mặc dù xuất hiện một số quan ngại về khả năng Triều Tiên có thể tấn công Hàn Quốc, song một quan chức Hàn Quốc nhận định rằng, động thái này không có nghĩa là miền Bắc đang khiêu khích. “Có thể họ phản ứng đối với hành động tăng cường quân sự và triển khai thêm pháo của chúng tôi ở đảo Baeknyeong và Di-ơn-piêng thời gian qua”, quan chức này nói.

Căng thẳng gia tăng trong quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc khi Xơ-un cáo buộc nước láng giềng phóng ngư lôi vào tàu chiến gần biên giới trên biển Hoàng Hải hồi tháng 3 năm ngoái, làm 46 binh sĩ Hàn Quốc thiệt mạng. Bình Nhưỡng phủ nhận cáo buộc này, trong khi Hàn Quốc liên tục tổ chức các cuộc tập trận độc lập hoặc chung với Mỹ nhằm đề phòng một cuộc tấn công tiếp theo từ phía láng giềng, làm cho căng thẳng giữa hai miền ngày càng nóng lên.

Quan hệ hai nước có dấu hiệu giảm căng thẳng rõ rệt trong những tháng gần đây khi Xơ-un quyết định thay Bộ trưởng Thống nhất và viện trợ y tế cho Triều Tiên. Bình Nhưỡng cũng bày tỏ thiện chí khi tuyên bố sẵn sàng trở lại vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của nước này mà không kèm theo một điều kiện nào.

Vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên cũng được Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ K. Cam-beo (Kurt Campbell), Trưởng đoàn đàm phán sáu bên Hàn Quốc Lim Sung-nam và Vụ trưởng Vụ châu Á - châu Đại Dương, Bộ Ngoại giao Nhật Bản, S. Xu-gi-y-a-ma (Shinsuke Sugiyama) đề cập đến tại cuộc gặp bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN đang diễn ra tại đảo Ba-li (In-đô-nê-xi-a). Ba nhà ngoại giao đã tái khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ để Bình Nhưỡng có các hành động cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ba quan chức cấp cao nói trên đã nhất trí rằng ba nước sẽ kêu gọi Triều Tiên có hành động cụ thể, trong đó có việc tạm ngừng chương trình làm giàu urani và tiếp nhận các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA)./.

(Theo: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất