Văn hóa Thăng Long - Hà Nội là một dòng chảy bền bỉ và mạnh mẽ. Dòng chảy ấy đã vượt qua bao thăng trầm, bao quanh co, biến động của lịch sử thành phố nghìn năm. Nếu chỉ nhìn từ bên ngoài, có vẻ như đó là một dòng chảy tự thân, một quá trình tự vận động. Nhưng thực tế, để dòng chảy ấy mạnh mẽ và vượt qua những khó khăn, luôn có những con người âm thầm chở chuyên, giữ gìn. Chính họ đã và đang góp sức mình cho mạch chảy ấy vững bền.
Trung tuần tháng 9 vừa qua, nhà nghiên cứu Giang Quân được đề cử nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2015 do Báo Thể thao và Văn hóa trao tặng. Không học hàm, không học vị, chưa từng làm ở cơ quan nghiên cứu nào, nhưng nhà nghiên cứu khả kính viết hơn 30 đầu sách cho đời. Nhiều người nói đùa ông là một “nhà nghiên cứu nghiệp dư”. Có lẽ sẽ đúng hơn, nếu gọi ông là “nhà nghiên cứu nhân dân”, hay một nhà “Hà Nội học”, bởi tất cả hơn 30 đầu sách ông đều viết về Hà Nội, bao quát nhiều lĩnh vực: lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán, danh nhân, nghề truyền thống, ngạn ngữ, ca dao...
Quê đất Cẩm Giàng - Hải Dương, ngay từ lần đầu đến Hà Nội, ông như một chàng trai bị “hút” bởi một cô gái duyên ngầm. Ông thừa nhận rằng mình “phải lòng” văn hóa Kẻ Chợ và “si mê” văn hiến Thăng Long. Cái ngày đầu đến Hà Nội sáu, bảy mươi năm trước ấy, ông đã thấy ở Hà Nội có điều gì khó lý giải. Những cô gái nhà tư sản giàu có, khi ra đường cũng chỉ trang sức nhẹ, vừa đủ để làm duyên. Những con phố sầm uất nhất như Hàng Đào cũng có nét hấp dẫn theo một cách rất lạ. Không có cảnh người tranh bán, tranh mua. Khách hàng có làm phiền thế nào, người chủ vẫn một mực nhẹ nhàng. Người nghèo cũng giữ nếp thanh tao. Chỉ cần nhìn dáng là biết một người con gái có phải người Hà thành hay không... Từ “phải lòng”, ông đã “chung tình” đến trọn đời. Nhà nghiên cứu Giang Quân đi giải mã những điều khó lý giải ấy. Hồi còn trẻ, ông công tác tại Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội. Mỗi chuyến đi, vừa thực hiện công việc của một cán bộ văn hóa - thông tin, ông vừa tranh thủ tìm hiểu, ghi chép tỉ mỉ về các vấn đề lịch sử, phong tục, văn hóa... của từng địa phương. Khối tư liệu cứ lớn dần. Năm 1984, kỷ niệm 30 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, ông đã cho xuất bản cuốn Thủ đô Hà Nội. Đây là cuốn sách đầu tiên của ông về Hà Nội, cũng là cuốn sách đầu tiên mang tính chất “cẩm nang” về Thủ đô. Người ta vừa thấy yếu tố địa chí như: sông suối, đường thủy, đường bộ, chợ... đến yếu tố văn hóa như: nghề truyền thống, đặc sản ẩm thực... Cuốn sách đặc biệt hữu ích với những người muốn tìm hiểu về Hà Nội một cách khái quát mà không tốn nhiều thời gian, công sức.
Khi về hưu, có điều kiện hơn, ông toàn tâm, toàn ý cho những nghiên cứu. Viết về những vùng đất, con người, ngay cả lúc có sẵn tài liệu, ông vẫn đến tận nơi khảo sát tỉ mỉ. Có thể hình dung ra nhà nghiên cứu đã mất nhiều công sức thế nào khi ông viết cuốn Từ điển đường phố Hà Nội, Ký sự địa chí Hà Nội... Đến giờ, bất kỳ ai muốn hiểu về văn hóa Hà Nội, đều không thể không đọc những cuốn in tên tác giả Giang Quân như: Hà Nội trong ca dao ngạn ngữ, Văn hóa gia đình người Hà Nội, Thăng Long - Hà Nội nghìn năm truyền thống và thanh lịch... ông đã phải ngồi trên xe lăn khi nhận giải thưởng. Đôi chân tê liệt sau những lần bệnh trọng, nhưng trái tim nhà nghiên cứu Giang Quân vẫn đầy nhiệt huyết, ông vẫn tiếp tục cho ra đời những công trình nghiên cứu hết sức giá trị.
Tròn một năm về trước, cũng ở bục nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội, một con người rất đặc biệt đã được vinh danh: Nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán. Đặc biệt, vì ông đã khơi những nguồn chưa ai khơi, đã dày công nghiên cứu văn hóa Thăng Long - Hà Nội ngay từ khi ý thức về bảo tồn chưa cao, khi mà xã hội còn nhiều lầm lạc về di sản. Đáng chú ý, vì đến thời điểm nhận giải thưởng, ở tuổi 100, ông vẫn đọc sách, hiệu đính tư liệu... Cụ nội là nhà nho. Ông nội nối nghiệp ông đồ. Cụ thân sinh ra ông cũng theo nghề giáo. Vũ Tuân Sán uyên thâm cổ học ngay từ thời trai trẻ. Những năm 60 của thế kỷ trước, ông là cán bộ bảo tồn, bảo tàng của ngành văn hóa Hà Nội. Cuộc sống khó khăn, đói kém. Hà Nội lại liên tục bị bom Mỹ oanh tạc. Đi đến các cơ sở nghiên cứu thì gặp những ánh mắt ngờ vực. Nhưng, vẫn chiếc túi dết đeo hông, chứa đồ ăn, sách bút, ông đạp xe đến khắp các di tích. Ông mày mò, thậm chí “ăn dầm ở dề” tại những nơi đó... Nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán và nhà nghiên cứu Giang Quân có nhiều điểm chung. Cùng là cán bộ của cơ quan quản lý nhà nước, nhưng lại “lấn sân” sang lĩnh vực nghiên cứu. Đối tượng nghiên cứu đều là văn hóa Hà Nội. Cả hai có chung tình yêu với mảnh đất nghìn năm văn vật này. Chỉ khác con đường. Với vốn Hán học bề thế, nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán từ hơn nửa thế kỷ trước đã trăn trở về kho báu di sản của Hà Nội, ông mất ăn mất ngủ khi thấy quá nhiều di tích vẫn chưa được nghiên cứu đến nơi đến chốn. Ông muốn gom góp tất cả lại trước khi nó bị tàn phá. Dẫu chỉ là lĩnh vực mà mình “lấn sân”, nhưng với vốn cổ học dày dặn được tích lũy từ ông cha cụ kỵ, nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán khiến nhiều nhà khoa học hàng đầu phải nể phục. Mãi sau này, năm 1975, ông mới thật sự làm việc trong môi trường nghiên cứu khi được Viện Hán Nôm mời về. Khi ấy ông đã tròn 60 tuổi...
Nhưng bù lại cho sự muộn màng, ông được trời phú cho sự dẻo dai khi đã vào độ tuổi mà bạn bè đồng lứa rủ nhau về với tiên tổ. Ngoài một số công trình đã xuất bản thành sách như: Hà Nội xưa và nay, Hà Nội nghìn xưa (đồng tác giả), Danh nhân Hà Nội (đồng tác giả)…, ông còn viết hàng chục báo cáo khoa học, bài nghiên cứu, hàng trăm bài báo, mà mỗi bài viết đều có những tìm tòi, khám phá về Hà Nội xưa. Ngay từ lúc thành phố chưa có ý tưởng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông đã dày công viết về định đô Thăng Long của Vua Lý Thái Tổ, về thành Thăng Long - Hà Nội cùng một loạt địa danh lịch sử như núi Nùng, núi Khán, núi Sưa, bến Đông Bộ Đầu, mười ba làng Trại… và các di tích như miếu Đồng Cổ, chùa Hàm Long, đền Ngọc Sơn… Ông là tác giả của một loạt bài nghiên cứu về các sự kiện và nhân vật lịch sử Hà Nội. Nhiều vấn đề lịch sử, văn hóa nay đã hai năm rõ mười, nhưng vài chục năm trước, chính Vũ Tuân Sán là người đi khai phá.
Văn hóa Thăng Long - Hà Nội không chỉ là những công trình kiến trúc đền đài, không chỉ là những hệ thống di sản đồ sộ, hay những áng thơ văn... Tạo nên nền văn hóa ấy, là bởi những con người cụ thể, có thể sinh ra từ mảnh đất này, cũng có thể hội tụ về đây từ khắp các phương trời. Thời đại nào cũng thế, luôn có những tấm gương sáng, đóng vai trò như những người dẫn dắt về văn hóa, đạo đức, lối sống..., là mẫu mực cho sự cống hiến trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội. Trong cuộc sống hôm nay, những biến động xã hội ngày càng mạnh mẽ và sâu sắc. Văn hóa, nhất là văn hóa ứng xử có chiều hướng đi xuống. Giới trẻ say mê với công nghệ và giải trí du nhập từ nước ngoài hơn là di sản. Khi ấy, ta cảm nhận rõ hơn vai trò của những người đang âm thầm chở chuyên, gìn giữ những nét đẹp văn hóa của ông cha. Có người bảo rằng, sao những công trình nghiên cứu chuyên sâu về Hà Nội toàn của những “cổ thụ”? Một số tác giả đã về với tổ tiên mất rồi. Nhưng lại có nhà nghiên cứu khác cho rằng, với sức hút mãnh liệt của văn hóa Thăng Long - Hà Nội, luôn luôn có thế hệ kế tiếp nghiên cứu, gìn giữ truyền thống cha ông. Bất chợt khi nghe những tranh luận ấy, tôi nhớ đến cuốn sách Song xưa, phố cũ của nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế. Cuốn sách mở ra một chương mới chưa từng ai nghiên cứu, đó là di sản trang trí sắt mỹ nghệ Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20. Trang trí sắt là thứ du nhập, nhưng người Việt đã kết hợp tài tình với những yếu tố phương Đông để tạo nên những chấn song, ô cửa, ô gió, lan-can, ban công lịch lãm và tao nhã đúng với phong cách người Hà Nội. Cuốn sách được độc giả đón nhận nồng nhiệt, nó khiến người Hà Nội khám phá lại chính những điều bình thường chung quanh mình. Trần Hậu Yên Thế đã lần mò đo đạc, tìm hiểu khắp các con ngõ Hà Nội để hoàn thành cuốn sách này. Có ngạc nhiên không, khi một người dành thời gian từ lúc chưa đầy 30 tuổi đến lúc gần giữa tứ tuần để nghiên cứu một điều rất giản dị - những “song xưa, phố cũ”? Chính những sự “ngạc nhiên” ấy cho ta niềm tin về sự trường tồn của dòng chảy văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
Theo Nhân dân