Thứ Tư, 2/10/2024
Thể thao
Thứ Bảy, 8/1/2011 16:13'(GMT+7)

Trước mùa giải 2011: Có chuyên nghiệp được hay không?

Giải VĐQG đứng hàng đầu Đông Nam Á và là một giải bóng đá hấp dẫn thứ 76 thế giới, chúng ta vẫn tự hào như vậy. Nhưng xem ra cái sự xếp hạng này dựa vào tiêu chí nào thì... chẳng ai rõ. Sau tròn 10 năm thử nghiệm (không dài nhưng cũng không ngắn), mùa giải 2011 sẽ là mùa giải chuyên nghiệp chính thức, chứ không còn phải là “chuyên nghiệp thử” nữa. Rất đáng để chờ đợi…

Con đường tiến lên chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam còn nhiều chông gai


Đã là “chuyên nghiệp thật”, thì tất cả các yếu tố của nền bóng đá ấy phải chuyên nghiệp, từ nhà tổ chức, điều hành đến các đội bóng; từ ông vua sân cỏ, cầu thủ cho đến cả khán giả đến sân cũng phải chuyên nghiệp. Ngay trước thềm mùa giải, VFF đã ra thông báo yêu cầu CLB Đồng Tháp phải thi đấu trên sân có dàn đèn đủ tiêu chuẩn, chỉ một yêu cầu nhỏ nhưng nhận được sự hoan nghênh rất lớn, chứ không thể chấp nhận việc giữa trưa nắng xua đội khách ra đá trên một cái mặt sân nóng như sa mạc. Đã chuyên nghiệp là phải cạnh tranh sòng phẳng bằng năng lực chuyên môn.

Các ông vua sân cỏ cũng được đưa vào một khu nghỉ mát để tập huấn lại, với yêu cầu đơn giản và tối thiểu là trọng tài không chỉ biết tuýt còi cho chuẩn trên sân mà còn phải rành cả... internet. Chức vụ trưởng giải cũng đã do người có chuyên môn là ông Dương Nghiệp Khôi lên nắm, sau 2 năm “đứng sau hậu trường” chỉ đạo.

Nhìn từ phía các CLB, nhiều ông chủ giờ đã dè dặt tiêu tiền hơn, ký hợp đồng chuyển nhượng dựa trên các qui định chặt chẽ, con dấu đỏ đàng hoàng. Một vài ông chủ mới chân ướt chân ráo nhảy vào làm bóng đá vẫn tung tiền tấn đánh bóng thương hiệu, nhưng đa phần đã có cách tiêu tiền, cách làm bóng đá chuyên nghiệp và bài bản hơn.

Nhưng rồi giữa cả rừng thông tin của một mùa giải mới chuyên nghiệp thật sắp đến, đâu đó người ta vẫn thấy những sự thiếu chuyên nghiệp. Chẳng hạn như việc Việt Nam có suất play-off để đá ở AFC Champion League, nhưng rồi vì một lý do bí ẩn nào đó, đội bóng vô địch Việt Nam chỉ có thể thi đấu ở AFC Cup.

Tiếp đến là loạt chuyện rắc rối hợp đồng của một vài ông Tây đá bóng. Nghe theo lời giật dây của “cò” cầu thủ, có ngoại binh bùng luôn khỏi đội bóng, có ngoại binh đùng đùng đòi ra đi dù vẫn còn hợp đồng. Đội bóng chủ quản thì chơi cái bài “muốn đi thì chi tỷ, không thì ngồi đấy”, còn cầu thủ thì giở chiêu “không cho đi, ở lại tôi cũng… chẳng đá”.

Một đội bóng nổi tiếng đại gia trót vung tiền mua quá nhiều Tây, sát ngày khai mạc mùa giải vẫn cố tìm cách lách luật bằng việc nhập tịch cầu thủ để có thể chơi với càng nhiều Tây trong đội hình càng tốt. Ở giải hạng nhất, số suất lên hạng vẫn còn phải phụ thuộc vào quá trình chuyển đổi mô hình sang chuyên nghiệp của các đội bóng, và điều này chắc chắn sẽ vẫn còn gây nhiều rắc rối.

Rồi thì chuyện một đơn vị đã mua được bản quyền truyền hình của V-League trong vòng 20 năm và năm đầu sẽ cho tiếp sóng miễn phí, nhưng các đơn vị khác có tiếp sóng hay không, người dân có được xem V-League hay không vẫn còn là chuyện... từ từ tính.

Mới chỉ điểm qua một số thông tin đã thấy con đường tiến lên chuyên nghiệp, làm bóng đá chuyên nghiệp thực sự của bóng đá Việt Nam vẫn còn nhiều chông gai. Qua hết 10 năm thử nghiệm vẫn còn nhiều điều phải thử nghiệm tiếp. Thế nên, bước vào mùa giải thứ 11, chuyện chuyên nghiệp thật hay không, hay chuyên nghiệp được bao nhiêu phần trăm vẫn còn là điều phải đợi đến cuối mùa mới biết được./.

TheoVOV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất