Thứ Bảy, 28/9/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 3/8/2011 21:27'(GMT+7)

Trường Trung cấp nghề số 10 (Hà Nội): Quan tâm đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ và con em gia đình chính sách

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Với nhiệm vụ đào tạo nghề chính quy cho các đối tượng là bộ đội xuất ngũ, con em các gia đình chính sách và một phần nhu cầu học nghề của xã hội, trường Trung cấp nghề số 10 hiện đang có 7 nghề hệ trung cấp và 11 nghề hệ sơ cấp. Năm 2011, trường đã được Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội quyết định đầu tư trọng điểm đối với 3 nghề, trong đó có nghề công nghệ ô tô được nâng cấp thành trọng điểm khu vực và hai nghề (hàn, điện công nghiệp) trọng điểm quốc gia. Dự kiến, đến năm 2012, trường sẽ phấn đấu trở thành trường Cao Đẳng nghề.

Chỉ tính năm 2010 và 6 tháng đầu năm 2011, trường Trung cấp nghề số 10 đã tuyển sinh đào tạo nghề cho hơn 2.500 học sinh, trong đó 100% là bộ đội xuất ngũ và con em gia đình chính sách xã hội. Kết quả, 1. 272 học sinh học nghề sau khi tốt nghiệp đã được giới thiệu việc làm ổn định tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận. Nhà trường cũng đã tư vấn về học nghề cho 20.000 người, trong đó có trên 15.000 người là bộ đội xuất ngũ; qua đó cũng giới thiệu, tìm việc làm cho 1.547 người. Trường đã tổ chức đào tạo và phối hợp với Sở Giao thông vận tải Hà Nội thi cấp giấy phép lái xe ô tô các hạng cho gần 6.200 học viên; thi cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1 cho 8.300 người. Ngoài ra, trường cũng mở 45 lớp ngoại ngữ tiếng Hàn Quốc cho 2.163 học sinh học nghề là bộ đội xuất ngũ phục vụ xuất khẩu lao động; làm thủ tục cho gần 700 ứng viên sang làm việc tại các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất…

Học sinh học nghề các trình độ tại nhà trường là bộ đội xuất ngũ có thẻ học nghề được miễn 100% học phí; trường hợp không có thẻ học nghề và con em gia đình chính sách xã hội miễn giảm một phần học phí. Toàn bộ học viên học tại trường đều được miễn phí chỗ ở nội trú.

Tuy nhiên, khó khăn của trường hiện nay là số lượng học sinh là bộ đội xuất ngũ và các đối tượng chính sách xã hội đăng ký rất đông trong khi kinh phí ngân sách, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Nhà trường kiến nghị thành phố tạo điều kiện cho nhà trường tham gia các dự án đào tạo, dạy nghề cho đối tượng lao động nông thôn ngoại thành và các dự án đào tạo nghề theo đơn đặt hàng trên địa bàn.

Theo tổng hợp báo cáo chung của các trường dạy nghề trên địa bàn Hà Nội cho thấy, mặc dù các trường rất tích cực trong việc đổi mới giáo trình, nâng cấp trang, thiết bị dạy và học cho phù hợp với các chương trình khung do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã ban hành; nghiên cứu và tìm hiểu nhu cầu của thị trường và người học để đào tạo những ngành nghề mới thay thế ngành nghề cũ … nhưng vấn đề khó khăn nhất mà các cơ sở đào tạo nghề gặp phải đó là công tác tuyển sinh dạy nghề, lượng tuyển sinh không đạt được như chỉ tiêu các trường đặt ra.

Nguyên nhân của tình trạng này được phản ánh là do tình trạng nở rộ các trường CĐ- ĐH trên điạ bàn những năm gần đây (khoảng 385 trường) cùng chính sách học liên thông từ trung cấp lên ĐH và tâm lý sính bằng cấp, khoa cử của nhiều người dân Hà Nội. Bên cạnh đó, cơ sở trang thiết bị của các cơ sở đào tạo nghề (nhất là các trường trung cấp nghề công lập) chậm được đầu tư đổi mới, mặt bằng cơ sở trường lớp còn chật hẹp, xuống cấp cũng là nguyên nhân khiến chưa hấp dẫn người học. Do đó, các trường đều kiến nghị thành phố cần quan tâm, tạo điều kiện để các trường tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, dạy nghề, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người lao động./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất