Đây là nhận định của PGS.TS Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo). PGS Ngọc nguyên là Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế Quốc dân), là người có rất nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu dân số.
Để giải quyết vấn đề khó khăn này, Chính phủ đã có Đề án 468 phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025, tập trung vào các biện pháp tuyên truyền vận động và thúc đẩy chương trình về bình đẳng giới; Tăng cường thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở tuyên truyền, quảng cáo, cung cấp các dịch vụ về chẩn đoán sớm giới tính thai nhi cũng như can thiệp lựa chọn giới tính khi sinh. Với việc thực hiện đồng bộ, tích cực các biện pháp nêu trên, tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh thời gian qua đã chậm lại.
Truyền thông "mưa dầm thấm lâu" được xác định là biện pháp hiệu quả để phá vỡ quan niệm "ưa thích con trai", giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam. Ảnh: Hải Nguyễn
Theo PGS.TS Lưu Bích Ngọc, trong tất cả các giải pháp quan trọng nhất vẫn là công tác truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi của người dân. Bên cạnh đó, việc tăng cường cam kết chính trị phải được đặt lên hàng đầu.
"Một mình ngành Dân số không thể đạt được sự thành công trong việc kiểm soát, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh nếu không có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với sự tham mưu nòng cốt của ngành Dân số-KHHGĐ và sự tham gia tự nguyện của người dân" - PGS Ngọc bày tỏ ý kiến.
Đồng tình với ý kiến này, ông Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục thuộc Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho hay để thay đổi nhận thức của người dân về tâm lý ưa thích con trai hơn con gái, không phải là chuyện "một sớm một chiều" mà phải dùng các biện pháp "mưa dầm thấm lâu". Thực tế, trong suốt thời gian dài, tư tưởng "trọng nam khinh nữ" hay phải có con trai để nối dõi tông đường và là chỗ dựa cho bố mẹ... đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người Việt.
Các biện pháp "mưa dầm thấm lâu", theo ý kiến của ông Phương, trước hết là đẩy mạnh công tác truyền thông tới các cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của nữ giới trong việc khẳng định vị thế của họ trong việc xây dựng tổ ấm gia đình và tham gia xây dựng đất nước. Nữ giới tăng cường công tác truyền thông để chuyển đổi nhận thức về vấn đề bình đẳng giới, từ đó mới từng bước chuyển đổi được hành động về vai trò của nam lẫn nữ đều có vai trò và trách nhiệm như nhau.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có những biện pháp hành chính để xử phạt những cơ sở hay gia đình lạm dụng, phân biệt giới và lựa chọn giới tính khi sinh. Đồng thời đưa ra những cá nhân, những gia đình điển hình về vai trò của người phụ nữ để phổ biến và nhân rộng trong toàn quốc.
Những hoạt động trên được triển khai rộng khắp có bề rộng lẫn chiều sâu, đặc biệt vào những dịp ngày Quốc tế Phụ nữ, tháng Gia đình Việt Nam (tháng 6) và ngày Gia đình Việt Nam (28/6), ngày Quốc tế trẻ em gái (11/10), ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10)... để vinh danh, ngợi ca và tri ân vai trò cũng như sự đóng góp to lớn của phụ nữ trong thời hội nhập.
Ông Phương nhận định, trên thực tế, những năm gần đây, nhờ sự quan tâm trực tiếp của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, sự ủng hộ của nhân dân và sự vào cuộc của cơ quan giúp việc cho Bộ Y tế (là Tổng cục Dân số), nhận thức và hành động của nhân dân đã có nhiều thay đổi, đóng góp những kết quả tích cực, hạn chế được tình trạng "trọng nam khinh nữ", "ưa thích con trai". Rất nhiều gia đình sinh con một bề là gái đã khẳng định được tổ ấm gia đình, vợ chồng hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn, học giỏi và thành đạt, có đóng góp to lớn cho cộng đồng và xã hội./.
Theo giadinh.net.vn