Thứ Bảy, 30/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 14/6/2011 21:31'(GMT+7)

Nông thôn - mảng đề tài lớn của văn học nghệ thuật Việt Nam

Trao thưởng cho các tác giả đoạt giải

Trao thưởng cho các tác giả đoạt giải

Về mục đích của việc trao thưởng và phát động sáng tác về đề tài xây dựng nông thôn mới, ông Cao Đức Phát – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết: "Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Chính phủ. Mục tiêu chính là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Vì thế, bên cạnh việc xây dựng những dòng sông, cánh đồng, chuồng trại thì còn cần phải xây dựng đời sống văn hóa cho bà con nông dân. Chúng tôi muốn thông qua việc trao thưởng này để phát động một chặng đường sáng tác mới. Những sáng tác văn học nghệ thuật là món quà vô giá để động viên bà con nông dân, toàn xã hội tham gia vào xây dựng đời sống nông thôn mới”.

Cuộc vận động sáng tác ca khúc và tuyển chọn các tác phẩm văn học về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã chọn ra được nhiều tác phẩm xuất sắc. Về sáng tác ca khúc mới (từ 9/2009- 12/2010), từ 219 ca khúc của 98 tác giả, BTC đã chọn được 18 tác phẩm vào chung khảo, trong đó ba ca khúc: "Đất mẹ” (Nhạc Ngọc Khuê, thơ Hà Linh), "Màu xanh quê tôi” (Nhạc và lời Phạm Quê Nguyên) và "Tình ca đồng bằng” (Nhạc và lời Nguyễn Đình Bảng) được trao giải A. Về các tác phẩm văn học (viết từ thời kỳ đổi mới 1986 đến 2010), 10 tiểu thuyết, 7 truyện ngắn và 5 tập thơ được trao thưởng.

Mười tiểu thuyết đã được trao thưởng trị giá 15 triệu đồng của cuộc tuyển chọn gồm: "Lá non” (Ngô Ngọc Bội), "Người giữ đình làng” (Dương Duy Ngữ), "Thời xa vắng” (Lê Lựu), "Chân trời mùa hạ” (Hữu Phương), "Mưa mùa hạ” (Ma Văn Kháng), "Ma làng” (Trịnh Thanh Phong), "Mảnh đất lắm người nhiều ma” (Nguyễn Khắc Trường), "Bến không chồng” (Dương Hướng), "Thủy hỏa đạo tặc” (Hoàng Minh Tường), "Dòng sông mía” (Đào Thắng)

Nhà văn Lê Lựu tự hào nói: "Tôi tham gia cuộc vận động của Bộ Nông nghiệp với trách nhiệm của một anh nông dân. Cứ mang cuốc mà vạc mặt tôi ra cũng chẳng bao giờ hết được chất nông dân. Vậy nên tội gì tôi không viết về nông thôn chứ?”. Nhà văn Văn Chinh nói về nhà văn Ngô Ngọc Bội: "Trong các "lão nông văn học” giờ chỉ có Ngô Ngọc Bội còn son sắt với nông thôn. Nhà văn hơn 80 tuổi này có niềm tự hào lạ lùng. Từ Phú Thọ về Hà Nội nhưng chỉ viết một đề tài tam nông, chỉ in một báo (Văn nghệ) và chỉ đi một xe đạp. Sẽ hiểu hơn về sự gắn bó ấy nếu biết một nửa gia đình ông vẫn ở tại quê nhà là xã viên hợp tác”. Nhà văn Ngô Ngọc Bội chia sẻ: "Viết về nông thôn bao năm qua, điều thú vị nhất mà tôi nhận ra là: không phải từ ngày xưa mà đến bây giờ nông dân luôn là người đóng góp nhiều song công lao được ghi nhận thì quá ít. Giờ ít người viết về nông thôn lắm. Cũng từ thực tế thôi vì có mấy ai gắn bó với nông thôn nữa đâu. Đấy là một thiệt thòi. Dần dần những tác phẩm viết hay về nông thôn sẽ hiếm và nhà văn sẽ bị hổng – hổng ghê gớm về nguồn cội của mình”.

Cũng trong đợt trao thưởng này, 7 tập truyện ngắn và 5 tập thơ đã được tôn vinh. Vẫn là những gương mặt quen thuộc như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Lập Em, Phạm Công Trứ, Y Phương... Nhà thơ Nguyễn Công Trứ được Bộ Nông nghiệp tặng thưởng cho tác phẩm "Cỏ may thi tập”. Ông lý giải: "Tôi lấy thể thơ lục bát làm hình thức thể hiện, lấy "cỏ may” làm tứ thơ. Theo tôi, để thể hiện chất quê hay nhất vẫn là "cỏ may”, bởi nó tình tứ lắm, giăng mắc lắm...”.

Nhiều nhà văn, nhạc sĩ đều cho rằng dù hơi muộn song cuộc vận động và tuyển chọn này đã khích lệ thêm nhiệt huyết sáng tác của các nhà văn. Tuy nhiên, từ chính cuộc vận động này có một thực tế được đặt ra: phần lớn các tác phẩm được trao thưởng đặc biệt là tiểu thuyết đều sáng tác từ những thập niên 80-90 của thế kỷ trước. Tác phẩm văn học nổi trội viết về nông thôn trong thời kỳ hiện nay thì hiếm. "Hội Nhà văn Việt Nam có 900 hội viên thì có đến 500 ở Hà Nội, 200 ở TP. Hồ Chí Minh, số còn lại ở thành phố thị xã. Có một nhà văn duy nhất chính hiệu là nông dân là nhà văn Trần Quốc Kiến ở Nam Định.

Phạm Hồng Thinh/ĐĐK

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất