Thứ Bảy, 30/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 23/6/2011 22:44'(GMT+7)

Đầu tư cho trúng, nội dung cho khéo

Biểu diễn Cồng chiêng Tây Nguyên tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Biểu diễn Cồng chiêng Tây Nguyên tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Kịch bản: Đơn điệu!

Ai đã từng tham dự một Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch đều có thể đoán trước được chương trình. Kịch bản sẽ diễn ra thế này: Các đoàn “nghệ thuật” (gồm cả quần chúng và chuyên nghiệp) sẽ tập trung ở một địa điểm nhất định. Sau đó các đoàn diễu hành; trong diễu hành có các loại pa-nô, khẩu hiệu, xe hoa, xe cổ động… giới thiệu mục đích ý nghĩa, cảnh sắc của địa phương; tiếp đến là vừa diễu hành vừa múa hát, văn nghệ... Ngày thứ hai cũng có biểu diễn văn nghệ, hoặc các nghi lễ được sân khấu hóa tại các địa điểm đã được ấn định trước. Những hoạt động này sẽ thu hút nhiều người, nhưng hầu hết là dân địa phương, du khách khó tham gia.

Song song với các hoạt động văn hóa, sân khấu hóa, đó là các hoạt động thể thao (hầu hết là thể thao quần chúng, không chuyên) diễn ra tại một số nhà thi đấu, sân vận động, du khách có thể tham quan những hoạt động này, nhưng sẽ không cảm thấy đặc sắc. Bởi các môn: Bóng chuyền, bóng đá, bắn ná, cà kheo, kéo co… dường như ở đâu cũng vậy. Người xem phải có “đội nhà, đội khách” mới cảm thấy hào hứng và thu hút. Ngày thứ ba thường là lễ bế mạc, và làm sạch môi trường. Thời điểm này thường chỉ có “chủ nhà” và những đoàn đoạt giải mới quan tâm. Du khách đã “rút êm” từ đêm trước.

Trong bất cứ lễ hội nào đều xảy ra tình huống “ùn tắc cục bộ”. Dù là giao thông đi lại; nơi ăn, chốn ở; hay địa điểm tham quan… đều đông đặc người. Lý do: Ban tổ chức thường tập trung một lượng lớn “diễn viên quần chúng”, “nhân viên phục vụ lễ hội” lực lượng này đã chiếm đáng kể tại các địa điểm trên. Đơn cử gần đây nhất có Liên hoan Văn hóa, Thể thao, Du lịch 11 xã điểm, tại xã Tam Phước (Phú Ninh, Quảng Ngãi) đã có khoảng 400 diễn viên, vận động viên, quần chúng được huy động tham gia.

Ngày hội có hiệu quả không?

Ông Hoàng Đức Hậu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, đơn vị chuyên môn cố vấn, tổ chức các ngày hội, khẳng định: Có hiệu quả.

Hiệu quả được thể hiện ở nhiều mặt đời sống kinh tế, xã hội, du lịch. Nhưng theo ông Hậu, cái được lớn nhất là ở chất lượng hưởng thụ văn hóa của người dân địa phương. Ông Hậu kể lại chuyện những nghệ nhân dân gian tỉnh Hà Giang ở những làng xã vùng sâu, vùng xa được đi đến trung tâm tỉnh, hay được tới các tỉnh xa như một minh chứng cho nhận định đó. Về cơ bản, có thể thấy rằng, đây là mặt thành công của những “Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch”. Song nếu chỉ có vậy, e rằng chưa đủ.

Tiến sĩ Phạm Trung Lương, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch, nói: “Tôi cho rằng, Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch đã đạt được hiệu quả quảng bá cho du lịch. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả lâu dài, các ngày hội phải thể hiện được rõ mục tiêu, nêu được bản sắc vùng miền, hướng hoạt động tới đối tượng du khách nhất định”. Ông Lương cho biết thêm, theo quan sát của Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch thì các Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch đang diễn ra tại khu vực miền Nam Trung Bộ chưa đạt hiệu quả thu hút du khách ở tầm mức khu vực (khu vực Đông Nam Á). Dù vậy, ngày hội cũng thật sự cần thiết cho các hoạt động quảng bá du lịch.

Chúng tôi đã có dịp ghi nhận sự đổi thay “hậu” ngày hội này tại một số địa phương. Đơn cử như tỉnh Hà Giang (tỉnh đăng cai tổ chức Lễ hội Văn hóa-Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ 5-năm 2006); có thể thấy rằng “vốn” từ dịp quảng bá hình ảnh địa phương đã sử dụng 5 năm rồi mà vẫn chưa hết. Đồng chí Nguyễn Trùng Thương, Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Giang từng tâm sự với tôi về du lịch Hà Giang: Từ một tỉnh “không biết làm du lịch” (trước năm 2006) đến năng lực tổ chức những sự kiện lớn như đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu (2010) đã cho thấy sự tiến bộ vượt bậc trong nhận thức và phương pháp “làm” du lịch; đến nay, thực sự Hà Giang đã có đủ năng lực đón du khách trong nước và quốc tế. Như vậy có thể thấy rằng, những Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch đã có tác dụng lâu dài.

Bên lề cuộc họp báo về Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch các dân tộc Việt Nam khu vực Duyên hải miền Trung-Tây Nguyên, chúng tôi đã ghi nhận được một số ý kiến rất đáng chú ý. Đó là trong thời gian tới, Bộ VH-TT-DL chủ trương kéo dãn thời gian giữa các Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch để tránh lãng phí; chú trọng đến điểm nhấn của những ngày hội nhưng để cho người dân địa phương tự tổ chức các hoạt động chuỗi; tăng cường tổ chức các hoạt động ngày hội của các dân tộc (hiện nay ta mới tổ chức ngày hội cho 5 dân tộc: Mông, Mường, Chăm, Khơ-me, Hoa); và ghép chung một số ngày hội của các vùng miền (ví dụ trong tương lai, sẽ không tách riêng Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch các dân tộc Đông Bắc và Tây Bắc nữa).

Chúng tôi rất đồng tình với quan điểm mới này và xin được bàn thêm rằng: Hiện nay lễ hội ở các cộng đồng dân cư, các địa phương đã có đủ sức tự tổ chức. Vì vậy trong tương lai, hãy giao lại các lễ hội cho cộng đồng, địa phương để họ tự tổ chức theo nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần hoặc quảng bá hình ảnh du lịch. Thêm nữa, ở những lễ hội tầm mức quốc gia phải đặt mục tiêu quảng bá hình ảnh lên trên hết, mục tiêu phải thể hiện ở các hoạt động quảng bá nhắm vào những đối tượng nhất định, tránh tràn lan, chung chung thiếu bản sắc, thiếu hiệu quả./.

(Lê Đông Hà/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất