Những cuộc hội thảo về chất lượng phim truyền hình vừa qua đã là tiếng chuông báo động về sự tuột dốc không phanh của phim truyện truyền hình Việt Nam hiện nay.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đã được các nhà làm phim phân tích căn kẽ với nỗi bức xúc của những người làm nghề chân chính.
Đó là do cơ chế hợp tác bất hợp lý giữa các nhà đài và các đơn vị sản xuất đã đưa đến tình trạng làm nhanh, ẩu, rẻ để kéo kinh phí làm phim xuống thấp tối đa. Ai cũng biết bất kỳ sản phẩm nào được làm với tiêu chí này cũng cho ra đời những thứ kém chất lượng, huống hồ đó là một tác phẩm nghệ thuật.
Chỉ cần làm một so sánh về thời gian thực hiện một tập phim thôi, ta sẽ thấy rõ mức độ đáng báo động của phim truyện truyền hình hiện nay. Nếu như ở thập niên 90, các nhà làm phim tư nhân bị khán giả tẩy chay vì chạy theo lợi nhuận với những loại phim “mì ăn liền” làm 1 tuần 1 tập thì hiện nay phim truyền hình chỉ quay 1 ngày 1 tập, thậm chí có đạo diễn đạt kỷ lục là quay 36 tập trong 30 ngày?!
Làm nhanh tất phải làm ẩu và tất nhiên sẽ kéo giá thành bộ phim xuống đến mức tối đa. Đó là lẽ đương nhiên cho một chuỗi hệ lụy khác như diễn viên không có thời gian học thoại nói gì đến chuyện hiểu và cảm thụ nhân vật. Chuyện diễn viên phải đi thực tế để nắm bắt và đồng cảm với nhân vật, phân tích nhân vật để thấu hiểu đời sống nhân vật mình thể hiện đã trở thành câu chuyện cổ tích.
Và hơn hết, đa phần những người đứng trước ống kính hiện nay đều không qua trường lớp, chỉ cần có nhan sắc và đôi chân dài là ai cũng có thể trở thành diễn viên (!). Vì thế đòi hỏi ở họ những giọt nước mắt thực với nỗi đau đáu với nghề diễn là điều không tưởng. Ngày xưa, đến với nghệ thuật các nghệ sĩ coi sân khấu như một thánh đường và sống chết với nghề, nhưng bây giờ, người ta xem đó như một cuộc dạo chơi và là bàn đạp để đạt đến mục tiêu nằm ngoài nghệ thuật.
Chưa kể do số lượng phim tăng chóng mặt, từ 300 đến 5.000 tập mỗi năm thì tìm đâu ra người chuyên nghiệp để thực hiện từng ấy tập phim. Ai cũng biết điện ảnh là một công nghiệp đòi hỏi dây chuyền sản xuất hoàn toàn chuyên nghiệp, chỉ một bộ phận bị hỏng là sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bộ phim. Nhưng ngay ở khâu đầu tiên để hình thành nên bộ phim là kịch bản đã là vấn đề nan giải, bởi muốn làm cho nhanh, cho rẻ, mà chắc chắn mang lại nhiều quảng cáo thì chỉ có cách Việt hóa các bộ phim hay của nước ngoài là thượng sách. Bởi khâu kịch bản không phải đầu tư nhiều, lại đánh được vào tâm lý tò mò của khán giả, nên dù hay, dở gì thì phim vẫn thu hút được quảng cáo. Mà có nhiều quảng cáo thì coi như thành công.
Điều đó đã làm nên một tiêu chí đánh giá lạ lùng về chất lượng phim truyền hình một cách công khai giữa nhà đài và nhà sản xuất hiện nay là phim càng có nhiều quảng cáo, càng được đánh giá cao. Nghĩa là tất cả chỉ tựu trung vào một chữ tiền. Chuyện nghệ thuật và phục vụ khán giả trở thành chuyện xa vời. Vì thế, người ta có quyền nghi ngờ mục tiêu tốt đẹp của Nghị định 96 khi quy định 30% phim Việt trên sóng truyền hình đã trở thành một chỗ dựa cho những phi vụ ở đằng sau bức bình phong nghệ thuật.
Vấn đề chính của phim truyện truyền hình hiện nay là cơ chế hợp tác bất hợp lý giữa nhà sản xuất và các nhà đài, sự cào bằng các thể loại phim bằng con số 180 - 200 triệu đồng mỗi tập, quy đổi thành các post quảng cáo. Đó chính là tiền đề để nảy sinh bao nhiêu hệ lụy cho phim truyền hình. Đó là lý do vì sao kịch bản chỉ 30 tập, nhưng nhà sản xuất kéo dài thành 60 tập, là lý do để kéo giá thành tối đa mỗi ngày 1 tập phim, là lý do cho những cai đầu dài kịch bản, đạo diễn và những “góc tối” ra đời.
Phim ký hợp đồng sản xuất qua các đề cương kịch bản, nên đến khi ra thành phẩm dù chỉ là đồ phế thải, nhà đài vẫn bấm gan cho phát sóng. Những cái tên phim Những người độc thân vui vẻ, Anh chàng vượt thời gian và Xin thề anh nói thật đã trở thành nỗi ám ảnh tồi tệ trong lòng khán giả. Cho nên hơn bao giờ hết, chính các nhà đài chứ không ai khác sẽ có liều thuốc đặc trị cho căn bệnh trầm kha này nếu không muốn có một cái kết không vui về Một cái chết đã được báo trước!
NGÔ NGỌC NGŨ LONG/SGGP online