Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 30/12/2008 9:26'(GMT+7)

Một Việt kiều đề xuất xây dựng Thành phố Văn Lang tại Việt Nam

Vợ chồng họa sỹ Trần Văn Liêm tại Hà Nội

Vợ chồng họa sỹ Trần Văn Liêm tại Hà Nội

“Thành phố Văn Lang”, đồ án về một kỳ quan cho Việt Nam trong tương lai của họa sỹ Việt kiều Trần Văn Liêm vừa được thuyết trình tại Việt Nam.

Kiến trúc mang tầm thời đại

Xuất phát từ khát khao xây dựng một biểu tượng quốc gia cho Việt Nam, họa sỹ Trần Văn Liêm đã miệt mài suốt 20 năm qua để xây dựng đồ án Thành phố Văn Lang.

Đồ án này được cấp bằng sáng chế tại Paris ngày 1/7/2008. Ông đã mang đồ án này về thuyết trình tại Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao và Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

Tổng thể Thành phố Văn Lang được thiết kế với sức chứa khoảng 1 triệu người. Từ trên cao nhìn xuống, thành phố Văn Lang hiện ra với 8 đại lộ có 8 cửa đi vào.

Dọc các đại lộ sẽ trồng các loại cây như thiên trúc, hoàng mai, trinh nữ, phượng vỹ, thiên thông, ô liu, vạn niên, dương liễu. Trên các đại lộ sẽ có những bia đá khắc các câu trích mang tư tưởng triết học của các triết gia lớn như: Khổng Tử, Lão Tử, Platon...

Đặc biệt, hai công trình tạo dấu ấn cho Văn Lang là Thiên tự tháp (thờ Lạc Long Quân) trên nền mặt bằng hình tròn và Hoàng tự tháp (thờ Âu Cơ) trên nền mặt bằng hình vuông.

Thiên tự tháp được thiết kế với 365 bậc thang đi lên (tượng trưng cho 365 ngày trong năm). Dọc hai bên lối đi được bố trí tổng cộng 90 chiếc trống đồng Đông Sơn.

Chính giữa thành phố là khu vực quảng trường có sân khấu âm thanh và ánh sáng được điều chỉnh bằng hệ thống máy vi tính hiện đại.

Đồ án “Thành phố Văn Lang” là ý tưởng hay với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tư duy Á Đông và  Phương tây với tầm nhìn thời đại nhằm tạo ra công trình nghệ thuật biểu tượng lớn lao- hướng tới một kỳ quan. Đó là đồ án vừa vĩ đại, vừa có tầm, thu hút sự tò mò. Tôi nghĩ, chúng ta nên khuyến khích những người có tâm huyết, có tầm nhìn sâu sắc và mới mẻ như vậy.

(
Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam)

Tại sân khấu này, đồ án đưa ra giả định sẽ là khu vực trình diễn nghệ thuật các tiết mục dựa trên âm vang trống đồng và đều có liên quan đến truyền thuyết Âu Cơ - Lạc Long Quân, truyền thuyết các Vua Hùng, sự tích bánh chưng, bánh giày...

Bên ngoài công trình sẽ là hệ thống kênh đào bao quanh với chiều rộng có thể đáp ứng được cho khoảng 300 du thuyền đi lại. Các du thuyền sẽ là những khách sạn du lịch có thể di chuyển dễ dàng phục vụ nhu cầu tham quan của khách.

Suốt 20 năm qua, họa sỹ Trần Văn Liêm vùi đầu vào đọc sách nghiên cứu về kiến trúc, triết học, lịch sử Việt Nam để hình thành đồ án.

Người bạn đời của ông, một phụ nữ Pháp, bà Martine đã gánh vác mọi công việc gia đình để chồng toàn tâm, toàn ý với đồ án. Họa sỹ nhẩm tính, nếu đi vẽ để mưu sinh, suốt 20 năm qua, ông đã có thể dành dụm được hơn 1 triệu euro.

Sau chuyến về thăm quê hương sau hơn 30 năm xa cách này, họa sỹ Trần Văn Liêm lại vội vã trở về Pháp vì vợ ông chỉ được nghỉ phép 1 tuần. Ông cho biết sẽ quay về Việt Nam và tổ chức một cuộc triển lãm về ý tưởng này bằng các mô hình trực quan sinh động.

Triển lãm này sẽ được tổ chức vào năm 2010 - đúng thời điểm Hà Nội tổ chức kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Họa sĩ Trần Văn Liêm sinh năm 1949 tại Bình Dương, sang Pháp định cư từ năm 1975, từng đoạt nhiều giải thưởng trong lĩnh vực hội họa tại Pháp.

Vốn là người luôn muốn tìm ra cái mới, tạo ra hướng đi mới, họa sỹ Trần Văn Liêm là người đã sáng tạo ra trường phái hội họa không gian năm chiều.

Nếu như danh họa Picasso đã thành danh với việc sáng tạo ra không gian 3 chiều, Marcel duchamp với không gian 4 chiều, thì họa sỹ Trần Văn Liêm đã sáng tạo ra trường phái hội họa không gian 5 chiều.

Ông tâm sự: “Tôi có ý định trở về quê hương lập viện bảo tàng không gian năm chiều, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm với các họa sỹ trẻ cũng như góp phần phát triển hội họa Việt Nam”./.

(Theo: Báo Tiền Phong)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất