Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 30/12/2008 18:15'(GMT+7)

Đảng cần là người nuôi dưỡng cảm xúc sáng tạo, trong sáng cho người nghệ sĩ

Đồng chí Trương Tấn Sang (thứ hai từ trái qua) trao đổi cùng các đại biểu tại hội thảo.

Đồng chí Trương Tấn Sang (thứ hai từ trái qua) trao đổi cùng các đại biểu tại hội thảo.

Sau hơn một ngày tổ chức Hội thảo, chúng ta đã nghe 34 tham luận, phát biểu của nhiều đại biểu là các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ, các doanh nhân hoạt động trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật (VHNT).
Có thể thấy các ý kiến phát biểu rất phong phú: phong phú về cách tiếp cận, phong phú về nội dung. Với cách tiếp cận khác nhau, có ý kiến thiên về lý luận chung, có ý kiến lại xuất phát từ thực tiễn phong phú, sinh động của đời sống VHNT; có ý kiến đề cập tới những vấn đề thuộc phạm trù quản lý, có ý kiến lại xuất phát từ những vấn đề bức xúc hiện tại; cũng có ý kiến đề cập đến những kinh nghiệm nước ngoài trong quản lý VHNT. Điều đặc biệt ở đây là: các ý kiến không chỉ là những vấn đề học thuật thuần túy mà còn là những trăn trở, mong muốn của các đại biểu về sự phát triển lành mạnh nền VHNT nước nhà.

Trước hết, xoay quanh chủ đề Hội thảo, vẫn còn ý kiến băn khoăn rằng văn hóa không có hội nhập mà chỉ có giao lưu, vì hội nhập có nghĩa là hòa đồng. Lại cũng có ý kiến cho rằng hội nhập được hiểu theo nghĩa rộng hơn là sự tiếp nhận những tinh hoa của dân tộc khác và quảng bá văn hóa dân tộc mình ra bên ngoài. Thật ra tiêu đề này được viết gọn, nếu hiểu đầy đủ hơn phải là “Văn học, nghệ thuật trong cơ chế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế, giao lưu văn hóa quốc tế”.

Cuộc Hội thảo của chúng ta nhằm giải quyết câu hỏi: trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế, giao lưu văn hóa quốc tế, văn nghệ sĩ phải làm gì, Đảng và Nhà nước phải có trách nhiệm gì để phát triển nền VHNT nước nhà trong sự bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Như vậy chủ đề cuộc Hội thảo của chúng ta đã rõ, các tham luận và ý kiến phát biểu đã đề cập đúng và trúng vấn đề cấp bách đang đặt ra.

Ý kiến các đại biểu tại Hội thảo khoa học này rất phong phú, đa dạng và cụ thể về từng ngành văn học, mĩ thuật, kiến trúc, sân khấu, điện ảnh, múa, nhiếp ảnh,... Những ý kiến đó đã được Ban thư ký ghi chép đầy đủ để tổng hợp, báo cáo Ban Bí thư. Tại buổi bế mạc này, tôi chỉ trình bày tóm lược các ý kiến thảo luận và xin nhấn mạnh 5 vấn đề lớn được nhiều đại biểu quan tâm.

1. Về thị trường VHNT

- Một số đại biểu còn băn khoăn: liệu sản phẩm VHNT có phải là hàng hóa không? Hẳn rằng, trong nền kinh tế thị trường, mọi thứ đều chịu sự ràng buộc và chi phối của các qui luật thị trường: qui luật giá trị, qui luật cạnh tranh, qui luật cung cầu,... Trong cơ chế đó VHNT không là ngoại lệ.

- Tuy nhiên, trong Hội thảo này các đại biểu cũng đã làm rõ tính chất đặc biệt, đặc thù của những sản phẩm VHNT. Những sản phẩm VHNT là hàng hóa, vừa có thuộc tính thương mại nhưng cũng lại vừa có thuộc tính xã hội. Có người cho rằng với sản phẩm VHNT, thuộc tính thương mại là phương tiện còn thuộc tính xã hội là mục đích. Thuộc tính xã hội của sản phẩm VHNT là giáo dục con người, thiên chức của VHNT là cải tạo xã hội. Với VHNT, quan hệ giữa người sản xuất với người tiêu dùng không đơn thuần là quan hệ mua bán mà đó là quan hệ giữa người sáng tạo với người tiếp nhận, hưởng thụ. Lẫn lộn hoặc nhấn mạnh thái quá một trong hai thuộc tính này sẽ dẫn đến tình trạng lệch chuẩn, lạc chuẩn. Xác định được tính chất đặc biệt, đặc thù của sản phẩm VHNT, chúng ta có trách nhiệm bảo vệ giá trị đích thực của nó, không để lệch chuẩn, không để thị trường làm ô nhiễm và trách nhiệm đó trước hết thuộc về Đảng, thuộc về chủ thể sáng tạo ra nó là các văn nghệ sĩ.

2. Về đánh giá tác động của thị trường đối với VHNT

Về mặt được, cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế đã:

- Kích thích và tạo điều kiện cho sáng tạo cá nhân, bởi vậy khi thị trường được mở rộng thì dù chất lượng còn có hạn, lực lượng văn nghệ sĩ cũng tăng lên rất nhiều so với trước, nhất là văn nghệ sĩ trẻ.

- Tạo cơ hội để công chúng được tiếp xúc với VHNT phong phú, đa dạng hơn, theo đó nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng được nâng cao.

- Cho phép huy động nhiều nguồn lực để phát triển xã hội trong đó có VHNT.

- Cho phép tiếp cận với thế giới để chắt lọc, tiếp thu những tinh hoa, những thành tựu tiên tiến nhất.

Như vậy, kiên định đường lối thị trường là đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên nếu chỉ nhìn thấy mặt được của cơ chế thị trường mà không thấy tác hại ngược lại của nó là phiến diện.

Về tác hại, có thể thấy tuy kinh tế thị trường kích thích tăng trưởng nhưng cũng gây ô nhiễm xã hội nặng nề. Có đại biểu đã khái quát 5 nguy cơ của VHNT trong cơ chế thị trường là:

- Chạy theo lợi nhuận thiết thực, VHNT tìm đến thị hiếu số đông, trở thành “hàng xén”.

- Cơ chế thị trường với yêu cầu “thu hồi vốn” nhanh dễ dẫn người sáng tạo đến những sản phẩm kiểu “mì ăn liền”.

- Chạy theo nhu cầu giải trí, VHNT rơi vào tình trạng lạc đường, bỏ rơi tính giáo dục và tính định hướng.

- Hội nhập quốc tế, hiện tượng sao chép lại những kịch bản nước ngoài tràn lan, một nền VHNT “nhai lại” ra đời.

- Không hướng tới đỉnh cao, không hướng tới những đề tài lịch sử mang tính cộng đồng, VHNT trở nên “đãng trí”, xa rời cuộc sống, xa rời những sự kiện trọng đại của đất nước, không nhìn thấy các nhân tố mới đang xuất hiện ngày càng nhiều trong các tầng lớp công nhân, nông dân, trí thức.

3. Nguyên nhân

Từ nhận diện, đánh giá thực trạng VHNT trong cơ chế thị trường, chúng ta quan tâm đến vấn đề nguyên nhân ở đâu?

- Có nhiều ý kiến khẳng định nguyên nhân trước hết là sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Một mặt chúng ta khẳng định rằng trong những năm qua, Đảng ta đã rất quan tâm đến VHNT, Nhà nước cũng đã tạo dựng một cơ chế mới, dành nguồn đầu tư lớn hơn cho VHNT, nhưng bên cạnh mặt được đó cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Chúng ta chưa lường hết được những biến đổi nhanh chóng, phức tạp của nhiều lĩnh vực xã hội, trong đó có VHNT, khi bước vào cơ chế thị trường, hội nhập; tư duy lý luận của ta còn lạc hậu, hạn chế, không phản ánh được, không lý giải được, không định hướng được nhiều vấn đề vừa mới nẩy sinh trong thực tiễn VHNT; sự hiểu biết của đội ngũ quản lý VHNT còn nhiều hạn chế, còn cũ về nhận thức, về phong cách; nhiều cơ chế chính sách không đồng bộ, sớm lạc hậu trước sự phát triển rất nhanh chóng của thực tiễn xã hội nhưng chậm được bổ sung, chậm được đổi mới, vì thế hiệu quả của sự quan tâm chưa cao.

- Trong hạn chế của VHNT còn có cả trách nhiệm của chính các văn nghệ sĩ. Sự gắn bó với cuộc sống, sự vượt lên chính mình để nâng cao trình độ tiếp cận được cái mới, cái tiên tiến còn hạn chế.

Từ sự phân tích hiện trạng và nguyên nhân như vậy, chúng ta cũng xác định thái độ bình tĩnh, nhưng tích cực và quyết liệt, không sốt ruột, không dao động và bi quan, nhìn nhận nó để tìm cách khắc phục chứ không thể mang tâm sự bi quan vào sáng tác.

4. Vấn đề dự báo

- Thời kỳ mới với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin đã làm đảo lộn mọi suy nghĩ, phong cách con người. Trong giai đoạn hiện nay và tương lai, với sự phát triển ồ ạt của Internet, thông tin đến được với từng nhà, từng người, không thể dùng biện pháp kỹ thuật để quản lý, để ngăn cản; cái chính là VHNT phải xây dựng, phải bồi đắp trí tuệ, nền tảng văn hóa, đạo đức cho công chúng để họ có thể sàng lọc, tiếp nhận thông tin, giữ được bản lĩnh của con người Việt Nam.

- Điều thứ hai được các đại biểu dự báo là vấn đề con người và quyền con người. Càng ngày con người cá thể, con người tự do với những nhu cầu của nó càng được tôn trọng, càng được đề cao. Chúng ta phải định hướng để cái tự do, cái dân chủ phải được tôn trọng, phải được phát huy, nhưng phải đúng hướng. Chủ đề về tự do, dân chủ của con người là một xu thế mà VHNT phải hướng theo, phải định hướng tới cái tự do chân chính, dân chủ chân chính.

- Càng ngày, xu thế công bằng, tiến bộ xã hội càng trở thành tất yếu. Cho nên, cần kết hợp công bằng xã hội với việc định hướng giáo dục chủ nghĩa yêu nước, giáo dục về CNXH mà chúng ta theo đuổi là công bằng, dân chủ, văn minh. Điều đó thuận với qui luật và xu thế phát triển của thời đại. Phải đổi mới cả nhận thức và cách tuyên truyền về chủ nghĩa yêu nước, về CNXH.

- Vấn đề dân tộc, tôn giáo cũng được chú ý trong Hội thảo này. Có thể thấy về lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, VHNT của ta tiếp cận còn ít. Trong xu hướng sắp tới, vấn đề dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng sẽ là vấn đề rất lớn. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã dành một phần nói về văn hóa tôn giáo. VHNT không thể chối bỏ trách nhiệm đi sâu vào lĩnh vực này để khai thác những giá trị văn hóa, những mặt tích cực của nó.

5. Những kiến nghị với Đảng, Nhà nước và trách nhiệm văn nghệ sĩ

Mỗi lĩnh vực văn học, nghệ thuật các ý kiến phát biểu đều có những kiến nghị riêng, nhưng trên bình diện chung, có hai điểm cần quan tâm.

* Đối với Đảng và Nhà nước

- Hầu hết các ý kiến đều khẳng định, lúc này càng cần đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Ai đó muốn thoát ly ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước là không được. Trên thế giới này không đâu VHNT không sống trong một thể chế chính trị, không chịu sự tác động của chính trị, của giới cầm quyền, cho nên đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng vừa là nguyên tắc, vừa là giải pháp. Tuy nhiên phải đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước để làm sao cho sự lãnh đạo, quản lý đó tạo điều kiện cho VHNT phát triển.

- Về giải pháp, các ý kiến khẳng định Đảng phải làm thế nào để nuôi dưỡng cảm xúc sáng tạo của văn nghệ sĩ, trước hết để họ có lòng tin và niềm yêu mến đối với Đảng. Để có được điều đó, Đảng phải là người cầm trịch làm sạch môi trường xã hội, lành mạnh hóa môi trường xã hội, tạo cảm xúc trong sáng cho người nghệ sĩ.

- Đảng phải quan tâm xây dựng hệ thống lý luận VHNT bị bỏ ngỏ lâu nay. Phải nhanh chóng chỉ đạo xây dựng những chuẩn mực về lý luận VHNT trước sự du nhập ồ ạt của đủ thứ chủ nghĩa (hiện đại, hậu hiện đại,...). Đâu là hệ lý luận VHNT đích thực của chúng ta? Có được hệ lý luận đích thực, chuẩn mực mới hy vọng có được một nền phê bình lành mạnh, không lạc chuẩn, không lăng xê, không cảm hứng tùy tiện.

- Phải đặc biệt quan tâm công tác xây dựng đội ngũ, phải bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ từ Trung ương đến cơ sở. Những người làm công tác quản lý VHNT cũng phải có tâm, có tầm.

- Đối với Nhà nước, phải thể chế hóa đường lối, quan điểm về VHNT của Đảng thành cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho VHNT phát triển. Có thể thấy nhiều nội dung trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đến nay chưa được thực hiện.

- Nhà nước phải mở rộng nguồn đầu tư, phải tính toán giảm những nguồn đầu tư không hợp lý để có thể đầu tư nhiều hơn, hợp lý hơn cho VHNT. Phải khai thác nguồn đầu tư của các doanh nghiệp nhưng không phải bằng cơ chế tự nguyện, mà bằng các cơ chế chính sách; phải huy động cả nguồn lực bên ngoài. Trong đầu tư phải đúng hướng, trước hết về cơ sở hạ tầng, từ trung tâm biểu diễn đến các thiết chế về VHNT. Phải đầu tư cho con người, cho văn nghệ sĩ, phải có đãi ngộ xứng đáng cho hoạt động sáng tạo của họ. Có thể có những đãi ngộ khác nhau như mua lại sản phẩm, tăng lương, tăng đầu tư... Nhưng lại có ý kiến cho rằng sáng tạo là hoạt động tự thân, không đầu tư các văn nghệ sĩ vẫn làm, vì vậy cần tăng mức giải thưởng thật cao, cho xứng đáng với lao động sáng tạo của văn nghệ sĩ.

- Phải tổng kết quá trình xã hội hóa trong lĩnh vực VHNT, định rõ lĩnh vực nào có thể xã hội hóa, lĩnh vực nào không, cũng như mức độ xã hội hóa trong từng lĩnh vực. Phải thấy rằng xã hội hóa có mặt tích cực nhưng cũng có những hạn chế, hơn nữa không phải lĩnh vực nào cũng xã hội hóa được.

- Phải chấn chỉnh, sắp xếp lại một cách nghiêm minh hệ thống phát thanh, truyền hình để quảng bá tác phẩm cả trong nước và ra nước ngoài.

* Đối với văn nghệ sĩ

- Các ý kiến tham luận nêu rõ: văn nghệ sĩ cần bám sát cuộc sống, bám sát thực tiễn. Có ý kiến cho rằng hiện nay các văn nghệ sĩ của ta “tham quan” thực tiễn nhiều hơn là đi sâu vào thực tiễn để phát hiện những nhân tố mới của cuộc sống cũng như những bi kịch cuộc sống trong cơ chế thị trường, nên tác phẩm ít có chiều sâu.

- Văn nghệ sĩ phải chăm lo tự đổi mới mình, nâng trình độ của mình theo kịp yêu cầu thời đại, trên nền tảng của nền văn hóa dân tộc.

- Đội ngũ văn nghệ sĩ phải đoàn kết, thống nhất, vừa khoan dung, vừa có tính chiến đấu. Chính văn nghệ sĩ là người phải phân biệt được cái đúng - cái sai, cái tốt – cái chưa tốt, dũng cảm đấu tranh chống lại cái xấu, bảo vệ cái tốt.

Tóm lại, đối chiếu với mục đích yêu cầu mà Hội thảo đặt ra, có thể kết luận cuộc Hội thảo của chúng ta đã thành công tốt đẹp./.

* Lược ghi bài phát biểu Tổng kết Hội thảo khoa học “Văn học, nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hội nhập” , tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 17-18/11/2008. Đầu đề là của Toà soạn.
GS, TS. Phùng Hữu Phú
Uỷ viên TW Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TW, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật TW

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất