(TCTG) - Các tác phẩm điêu khắc ngoài trời của nước ta, trong đó có tượng đài, còn đơn điệu, đẹp ít, xấu nhiều. Thực trạng này một lần nữa được các nhà điêu khắc, nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật, nhà quản lý văn hoá nêu ra tại hội thảo "Điêu khắc ngoài trời trong thời kỳ hội nhập và phát triển" do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch) tổ chức ngày 29/12 tại Hà Nội.
Thiếu tượng đài và chất lượng xây dựng yếu
Điêu khắc ngoài trời bao gồm tượng đài, tượng vườn và các loại hình nghệ thuật mang ngôn ngữ điêu khắc, là bộ phận cấu thành nền mỹ thuật Việt Nam. Tượng đài là công trình văn hoá nghệ thuật được xây dựng ở ngoài trời, bằng chất liệu bền vững, là tiếng nói của thời đại, phản ánh sinh động đời sống văn hoá, chính trị, xã hội, với chức năng quan trọng nhất là giáo dục tư tưởng và thẩm mỹ cho công chúng.
Trong suốt nửa thế kỷ qua, nội dung chính của các tượng đài ở nước ta là tôn vinh và tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, danh nhân văn hoá, lãnh tụ cách mạng; ca ngợi những chiến công hiển hách của cha ông trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Việc xây dựng tượng đài thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc; mặt khác tượng đài còn tạo nên những trung tâm văn hoá, nghệ thuật làm đẹp cảnh quan môi trường, thu hút công chúng, khách tham quan tới chiêm ngưỡng.
Từ những năm 60 của thế kỷ trước, chúng ta đã xây dựng những tượng đài có giá trị, bằng chất liệu bê tông như: Tượng Bác Hồ ở đảo Cô Tô, Dân quân Nam Ngạn Hàm Rồng, chiến thắng Kép... Thời kỳ sau Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước cũng có nhiều tượng đài đẹp được xây dựng như: Tượng đài Thủ khoa Huân, Tượng đài Chiến thắng Sông Lô, tượng đài Bác Hồ ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh...
Từ năm 1986 đến nay, cùng với sự mở cửa, đổi mới của đất nước, có nhiều công trình tượng đài, tranh hoành tráng được thực hiện với các chất liệu, thể loại ngôn ngữ khác nhau. Theo số liệu thống kê của các Sở Văn hoá- Thể thao và Du lịch, hiện cả nước có hơn 360 tượng đài, trong đó nhiều nhất là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến tại hội thảo thì chúng ta vẫn thiếu một quy chế cụ thể cho hoạt động của loại hình nghệ thuật này và đang làm theo kiểu "thích thì làm, không thì thôi". Với việc đấu thầu từng khâu trong tác phẩm và công tác quản lý công trình được giao cho địa phương như hiện nay thì rất khó có tác phẩm có chất lượng. Bên cạnh việc thiếu một cơ chế quản lý và khuyến khích các tác giả sáng tạo, theo một số nhà điêu khắc và nghiên cứu mỹ thuật, "quy hoạch đô thị ở Việt Nam hiện nay không có chỗ cho điêu khắc ngoài trời. Trong khi nói đến vẻ đẹp của kiến trúc đô thị không thể thiếu điêu khắc ngoài trời.”
Làm sao để có chỗ cho các tác phẩm điêu khắc ngoài trời?
Theo nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo, điêu khắc ngoài trời là một loại hình nghệ thuật tổng hợp bao gồm nhiều ngành nghệ thuật- khoa học: điêu khắc, kiến trúc, xây dựng, lịch sử, văn hoá- xã hội. Các bài học lớn về kiến trúc cổ: đình- chùa- lăng tẩm đều biết khai thác nghệ thuật điêu khắc và gắn với một không gian kiến trúc- cảnh quan cụ thể. Còn các Thủ đô lớn như: Pari, Matxcơva, Béclin, Oasinhtơn, Mêhicô... đẹp, giàu bản sắc dân tộc và thời đại, là những bài học lớn về nghệ thuật kiến trúc kết hợp hài hoà với nghệ thuật điêu khắc ngoài trời.
Nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh của Việt Nam, chúng ta chưa nên tập trung vào những công trình mang tính hoành tráng, vì đây là những công trình mang tính lâu dài, và thường có mức đầu tư không nhỏ. Nhà điêu khắc Đỗ Châu Hải cho rằng: "Trong thời gian tới chúng ta chỉ nên tập trung vào những công trình mang tính chất nhỏ và vừa vì nó phù hợp với chuyên môn, truyền thống cũng như kinh tế và trình độ quản lý ở Việt nam hiện nay"
Nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh đề nghị cụ thể hơn: phải chấn chỉnh các công ty đang đảm trách việc nhận thầu các công trình để họ phải đảm bảo các công đoạn của công trình đều phải được thực hiện nghiêm túc như nhau. Phải có một hội đồng tư vấn và kiểm định chất lượng vật liệu đúc để đưa ra những chỉ số trước khi đúc và duyệt giá. Cần qui định chặt chẽ cho các đơn vị đúc đồng, trước khi đúc phải tạo được mẫu đồng nhất với số lượng tương ứng bằng trọng lượng của tượng mẫu và đem kiểm nghiệm trước khi dùng đại trà.
Tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển mạnh đào tạo, bồi dưỡng kiến thức điêu khắc; đào tạo, bồi dưỡng những người làm nghề điêu khắc, đào tạo cán bộ quản lý điêu khắc; bên cạnh đó nâng cao kiến thức phổ thông về điêu khắc để nâng cao dân trí. Đó là ý kiến của Chu Quang Cường- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội).
Điều nhà điêu khắc Đào Châu Hải quan tâm là cần đổi mới phương pháp đào tạo chuyên ngành điêu khắc tại các trường Đại học Mỹ thuật, đặt biệt là việc kết hợp thông tin, giảng dạy cho sinh viên kiến thức về tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan và qui hoạch đô thị.
Nhiều ý kiến khác nhấn mạnh việc mở rộng các hoạt động giao lưu quốc tế trên lĩnh vực điêu khắc ngoài trời để quảng bá sản phẩm; học tập, tiếp thu kiến thức của các nước phát triển. Tăng đầu tư từ ngân sách và phát triển xã hội hoá điêu khắc ngoài trời nhằm huy động nguồn lực toàn xã hội để phát triển lĩnh vực này. Điêu khắc ngoài trời của Việt Nam phải tinh tế, chất lượng nghệ thuật cao và khai thác những chủ đề có tính nhân văn./.
Mai Hồng- Hải Yến