Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 23/12/2008 19:33'(GMT+7)

Dấu ấn nghệ thuật gốm Việt hiện đại

Tác phẩm: Gọi mùa- Trần Minh Thành Được (Thành phố Hồ Chí Minh)

Tác phẩm: Gọi mùa- Trần Minh Thành Được (Thành phố Hồ Chí Minh)

Quy mô lớn và phong cách đa dạng

Triển lãm gốm nghệ thuật Việt Nam 2008 trưng bày 216 tác phẩm của 134 tác giả 16 tỉnh, thành phố đại diện cho các phong cách gốm tiêu biểu, đặc trưng của các vùng miền trong cả nước. Ngoài các tác giả ở các tỉnh phía Bắc như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hoà Bình, Hưng Yên, Quảng Ninh, còn có các tác giả ở Đà Nẵng, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Những tác phẩm trong triển lãm, được chọn lựa từ hơn 450 tác phẩm của 158 tác giả trong cả nước gửi đến tham dự.

Tham dự triển lãm này có các nghệ nhân nổi tiếng trong làng gốm Việt Nam, có người là sinh viên vừa tốt nghiệp đại học. Tác giả cao tuổi nhất là Lê Ngọc Hân đã 75 tuổi và người trẻ nhất là tác giả Phạm Vũ Việt Hà mới chỉ 21 tuổi. Nghệ nhân các làng nghề gốm truyền thống như Bát Tràng (Hà Nội), Phù Lãng (Bắc Ninh), Chu Đậu (Hải Dương), Thổ Hà, Hương Canh; Biên Hoà, Thủ Dầu Một, Lái Thiêu.v.v... cũng tham dự triển lãm này. Các nghệ sĩ, nghệ nhân đều giới thiệu những tác phẩm gốm nghệ thuật độc đáo nhất của mình trong những năm gần đây.

     
      
      Tác phẩm:
Nũng nịu              
- Đoàn Xuân Hùng (Đồng Nai)

Tác phẩm: Cánh diều tuổi thơ  
- Trần Xuân Công (Hà Nội)

Tác phẩm: Bạn bè
- Trần Gia Bình (Hà Nội)

Ông Hoàng Đức Toàn - Cục trưởng Cục Mỹ thuật- Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh: "Đây là hoạt động nhằm đánh gía sự phát triển của gốm hiện đại Việt Nam; giới thiệu những tìm tòi, sáng tạo mới của các tác giả, nghệ nhân về kiểu dáng, mẫu mã, chất liệu, màu men của nghệ thuật. Qua đó, Ban tổ chức tôn vinh các tác giả, nghệ nhân đang duy trì và phát huy các giá trị đặc sắc của nghệ thuật gốm Việt Nam".

Dòng chảy mạnh mẽ của gốm Việt

Nghệ thuật gốm Việt Nam có bề dày lịch sử rất lâu đời. Khoảng 4-6 ngàn năm trước, người xưa đã biết dùng loại bàn xoay đơn giản song song với nặn gốm bằng tay để chế tác những đồ gốm bằng tay để chế tác những đồ gốm thô không men. Nghệ thuật làm gốm ở nước ta đã phát triển qua nhiều thời kỳ với những đặc điểm, đặc trưng từng giai đoạn lịch sử như: gốm men ngọc, gốm hoa nâu, gốm hoa lam... và các dòng gốm khác tiêu biểu như: Bát Tràng, Phù Lãng, Thổ Hà, Hương Canh, Móng Cái, Biên Hoà, Thủ Dầu Một, Bao Vinh, Lái Thiêu.v.v...

Ít có quốc gia vào có 5 loại gốm như Việt Nam. Đó là các loại: đất nung, sành nâu, sành xốp, sành trắng và sứ. Sự phát triển của các loại gốm này phụ thuộc vào nguyên liệu để làm gốm ở từng vùng khác nhau. Ở thời nào, ở vùng nào, các sản phẩm gốm Việt Nam cũng mang dấu ấn đặc sắc, tạo nên những đặc điểm riêng, kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật và kỹ thuật.

Bên cạnh những làng nghề truyền thống với nhũng nghệ nhân tài hoa, ở VN đã hình thành một lực lượng nghệ sĩ tài hoa, sử dụng gốm làm chất liệu để sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật. Sự kết hợp các yếu tố tạo hình của điêu khắc trong sáng tạo kiểu sáng, kế thừa tinh hoa của gốm truyền thống với những tìm tòi mới trong màu men, vẽ trang trí.v.v..., đã tạo nên những sản phẩm góm nghệ thuật có giá trị cao.

"Qua triển lãm này thấy rõ sự sáng tạo bây giờ rộng lắm. Lớp trẻ có nhiều quan niệm mới, thông minh, lại có điều kiện giao tiếp và lĩnh hội nhiều giá trị mới của nhân loại, nên họ có nhiều khám phá mới trong cách thể hiện bố cục, kiểu dáng, màu men... Chất liệu gốm nâu được nhiều tác giả sử dụng vì nó rẻ, dễ thực hiện. Thứ hai là ngôn ngữ của sành nâu tạo nên hiệu ứng về mỹ thuật rất tốt. Các nghệ sĩ trẻ tìm cái đẹp vốn có của các làng nghề, từ đó đưa xúc cảm của người nghệ sĩ để sáng tạo những tác phẩm mới" - Hoạ sĩ Lê Ngọc Hân- người cao tuổi nhất triển lãm, từng dạy nhiều thế hệ sinh viên của trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp nhận xét.

Còn Hoạ sĩ Trần Khánh Chương- Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN thì hồ hởi: "Đã lâu lắm rồi chúng ta mới có triển lãm chuyên đề về gốm phong phú của các nghệ sĩ gốm từ Bắc đến Nam như thế này. Đây nỗ lực của Cục Mỹ thuật- Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch) trong việc tổ chức những triển lãm có tính chất chuyên đề như:tranh sơn mài, sơn dầu, lụa và bây giờ là chuyên đề về gốm".

Hoạ sĩ Trần Khánh Chương cũng cho biết: Năm 1976 có một triển lãm về gốm, chủ yếu là trưng bày các tác phẩm gốm cổ của Việt Nam và chỉ có một số ít tác phẩm gốm hiện đại. Lần này, chủ yếu là các tác phẩm gốm hiện đại, do các nghệ sĩ trẻ sáng tác những năm gần đây. Triển lãm gốm lần này cho thấy sự đa dạng, phong phú về phong cách thể hiện của các nghệ sĩ, nghệ nhân. Tuy nhiên, đặc trưng của từng làng nghề, bản sắc nghệ thuật gốm từng vùng, miền chưa rõ.

Nghệ thuật gốm bao gồm 4 loại: gốm dân dụng, gốm nghệ thuật, gốm kiến trúc và gốm kỹ thuật. Cả 4 loại này đều có tính nghệ thuật. Ngoài tính năng khác nhau về mặt sử dụng, thì tính nghệ thuật phải cao. Tiêu chí của triển lãm này là gốm nghệ thuật, nên các tác phẩm gốm dân dụng, gốm kiến trúc ít hơn.

Để gốm Việt khẳng định vị thế trong đời sống hiện đại

Sức sống mạnh mẽ của gốm Việt cho thấy sự cần thiết của nó trong cuộc sống. Các sản phẩm gốm nghệ thuật, gốm dân dụng gắn bó mật thiết với đời sống con người, vừa có tính thẩm mỹ, vừa có công năng sử dụng. Việc tìm tòi những kiểu dáng mới, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu là một nhu cầu cần thiết của ngành gốm VN, tác động trực tiếp đến các làng nghề, góp phần phát triển kinh tế.

Nhưng hoạ sĩ Vũ Nhâm, vừa là người sáng tác gốm, vừa là nhà nghiên cứu mỹ thuật, lại tỏ ra băn khoăn rằng sự phát triển của các làng gốm có diện rộng, nhưng sự phát triển của gốm dân dụng thì còn khiêm tốn. Lý do là vì tất cả các cơ sở sản xuất bây giờ phải "tự sản, tự tiêu". Ngay cả đối với những cơ sở lớn, vì thiếu vốn nên sản phẩm làm ra cũng chỉ... cầm chừng. Giá thành của các sản phẩm gốm thấp, nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Giá trị nghệ thuật của sản phẩm gốm dân dụng chưa được thực sự quan tâm. Ngoài ra gốm VN còn bị cạnh tranh bởi các sản phẩm "gốm ngoại", nhất là gốm Trung Quốc.

Chính vì thế, để tạo sức bật cho các làng nghề gốm, ông Hoàng Đức Toàn- Cục trưởng Cục Mỹ thuật- Nhiếp ảnh và Triển lãm đề xuất giải pháp phối hợp liên ngành giữa Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch với Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch sẽ lo và định hướng cho sự phát triển, tìm tòi khai thác yếu tố dân tộc, hiện đại làm sao có được những sản phẩm gốm mang dấu ấn của thời đại. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có các chính sách phát triển các làng nghề gốm, gắn liền các nghệ sĩ với các làng nghề, gắn liền các nhà thiết kế với những người thường xuyên làm ra sản phẩm. Còn Bộ Công thương (nhất là Cục xúc tiến thương mại) lo "đầu ra" cho sản phẩm của các làng nghề gốm./.

Mai Hồng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất